Hiểm họa ma túy trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên phức tạp, gây những hệ lụy lâu dài về sức khỏe, đe dọa an ninh kinh tế, nhiều hệ lụy xã hội đối với tất cả các quốc gia.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3) với chủ đề "Biến lời nói thành hành động, hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma túy," diễn ra sáng 29/6 theo hình thức trực tuyến.
Đây là hoạt động quan trọng trong Năm Chủ tịch AIPA 2020 của Quốc hội Việt Nam, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam cương vị là Chủ tịch AIPA, góp phần hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở trong nước cũng như khu vực.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA Tòng Thị Phóng dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có nghị sỹ đại diện các nghị viện thành viên AIPA, Tổng Thư ký AIPA, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế và đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như môi trường, tội phạm công nghệ cao, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, dịch bệnh và nhất là ma túy, không chỉ là vấn đề cấp bách, mà còn là vấn đề thường xuyên, lâu dài, mang tính chất toàn cầu và khu vực.
Hiểm họa ma túy trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên phức tạp, gây những hệ lụy lâu dài về sức khỏe, đe dọa an ninh kinh tế, nhiều hệ lụy xã hội đối với tất cả các quốc gia.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm nay, các nước trên thế giới, trong đó có các nước ASEAN đang phải đương đầu với mối đe dọa an ninh phi truyền thống “kép,” đòi hỏi có sự đoàn kết, nỗ lực hợp tác ứng phó của tất cả các quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tích cực, chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy toàn cầu và khu vực.
Chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN là không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy; cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu và kiên định lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy.
Quốc hội Việt Nam đã luôn nỗ lực hoàn thiện luật pháp, tăng cường giám sát trong lĩnh vực này.
Tới đây, Quốc hội Việt Nam sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và một số luật liên quan để có những điều chỉnh phù hợp, ứng phó với những thách thức mới trong công cuộc phòng, chống ma túy.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, năm nay, Quốc hội Việt Nam đã chọn chủ đề của Hội nghị “Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma túy” nhằm lồng ghép nỗ lực chung của AIPA xây dựng một ASEAN gắn kết và thích ứng trong lĩnh vực phòng, chống ma túy.
Chiến lược phòng, chống ma túy cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, trong đó, lấy con người làm trung tâm, tập trung chỉ đạo việc mở rộng quy mô, diện bao phủ của các chương trình cai nghiện, bao gồm các chương trình phục hồi tại cộng đồng, giúp người sử dụng ma túy được hòa nhập với xã hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cập nhật tình hình phòng, chống ma túy trên thế giới, trong khu vực, các nỗ lực của ASEAN ứng phó với ma túy, đặc biệt trong bối cảnh chịu sự tác động của đại dịch COVID-19; đồng thời thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc gia trong phòng, chống ma túy và điều trị nghiện ma túy.
Các nghị viện thành viên AIPA cũng rà soát, đánh giá việc thực hiện các cam kết thể hiện trong nghị quyết các hội nghị AIFOCOM (Ủy ban Điều tra thực trạng AIPA chống hiểm họa ma túy) và AIPACODD, nhằm thúc đẩy nỗ lực của các nghị viện thành viên, các nghị sỹ trong việc hiện thực hóa các cam kết.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Cập nhật tình hình ma túy, công tác phòng, chống ma túy trên thế giới và trong khu vực, dự báo các vấn đề mới nổi trong giai đoạn tới, ông Inshik Sim, Nghiên cứu viên Cơ quan Liên hiệp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) khu vực Đông Nam Á cho biết lợi nhuận hàng năm của hoạt động sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp ở khu vực Đông Nam Á ước tính lên đến 71 tỷ USD.
Vấn đề ma túy ở khu vực này đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết và đã trở thành một cuộc khủng hoảng gây ra những hệ lụy về sức khỏe, quyền con người, an ninh, kinh tế đối với các quốc gia có liên quan.
Đại diện UNODC nhấn mạnh không có một can thiệp, chính sách hay cơ chế phòng ngừa nào có thể được xây dựng và thực hiện một cách độc lập.
Một hệ thống phòng ngừa hiệu quả ở cấp địa phương hay toàn quốc cần được lồng ghép vào một hệ thống lớn hơn, lấy y tế làm trọng tâm, mang tính cân bằng trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến ma túy bao gồm giảm cung, hành pháp, điều trị những rối loạn về sử dụng ma túy và giảm thiểu các nguy cơ rủi ro có liên quan đến sử dụng ma túy.
“Việc giải quyết vấn đề mang tính y tế và quyền con người là cấp thiết, quan trọng. Phải có sự thay đổi trong nhận thức từ chỗ coi những người sử dụng ma túy là “những người tội phạm bê tha,” cần bị giam giữ hay kết án đến chỗ coi họ là những thành viên trong xã hội cần đến các dịch vụ về y tế, tâm lý và phúc lợi xã hội,” ông Inshik Sim chỉ rõ.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng để giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến người nghiện ma túy phải có được sự ủng hộ về mặt chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các lãnh đạo cấp cao đối với công tác phòng, chống ma túy nói chung và công tác cai nghiện ma túy nói riêng; trong đó tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật trên cơ sở các bằng chứng khoa học, thực tiễn; tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu về tác hại, ảnh hưởng của ma túy đối với cộng đồng, xã hội.
Để tiếp tục đấu tranh với tệ nạn ma túy nói chung, thúc đẩy công tác cai nghiện nói riêng, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị, Việt Nam và các nước ASEAN cần thúc đẩy cam kết chính trị, nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý Nhà nước về phòng, chống, kiểm soát ma túy, cai nghiện ma túy; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn dân vào hoạt động này.
Bên cạnh đó, kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại ma túy; coi việc đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và khu vực.
Theo Vietnam+