Nhật Bản và Trung Quốc nhất trí đối thoại về an ninh hàng hải

.

Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí tiến hành đàm phán cấp chuyên viên về an ninh hàng hải "vào thời điểm thích hợp" sau khi đại dịch COVID-19 qua đi.

Quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Ảnh: Japan Times/TTXVN
Quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Ảnh: Japan Times/TTXVN

Thông báo ngày 31-7, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong cuộc trao đổi trực tuyến, các quan chức ngoại giao cấp cao hai nước đã "khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì liên lạc" về tình hình trên Biển Hoa Đông, nơi hai nước có tranh chấp chủ quyền.

Theo hãng tin Kyodo, thỏa thuận trên đạt được sau khi các tàu của Trung Quốc tiếp tục xuất hiện gần quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, gọi là Điếu Ngư. Ngày 22-7 vừa qua đánh dấu ngày thứ 100 liên tiếp tàu của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực này.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết cuộc trao đổi mới nhất giữa các quan chức ngoại giao Nhật Bản và  Trung Quốc này được thực hiện theo đề nghị của phía Bắc Kinh. Trước đó, trong cuộc điện đàm ngày 29-7 vừa qua với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã đề nghị Bắc Kinh chấp dứt các hành vi xâm phạm vùng lãnh hải và vùng kinh tế của Nhật Bản.

Quần đảo Senkaku là nhóm đảo nhỏ, nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa, Nhật Bản, khoảng 400 km về phía Tây. Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát, song Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này, đẩy quan hệ song phương vào trạng thái căng thẳng trong nhiều năm qua. Quan hệ song phương đạt một số tiến triển tích cực để chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, sau khi chuyến thăm này bị hoãn do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tình hình tại khu vực tranh chấp có dấu hiệu phức tạp trở lại.

Theo Báo Tin tức

 

;
;
.
.
.
.
.