Thúc đẩy châu Âu hùng mạnh trở lại

.

Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, trong nhiệm kỳ nước này đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), Berlin sẽ làm mọi việc trong quyền hạn để cùng thúc đẩy “lục địa già” hùng mạnh trở lại.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại lâu đài Meseberg, phía bắc thủ đô Berlin, ngày 29-6. Ảnh: AFP
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại lâu đài Meseberg, phía bắc thủ đô Berlin, ngày 29-6. Ảnh: AFP

Từ ngày 1-7 đến hết năm 2020, Đức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU và phải giải quyết hàng loạt vấn đề mà châu Âu đang đối mặt. Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Angela Merkel đặt mục tiêu củng cố một EU chia rẽ và phục hồi nền kinh tế châu lục vốn bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Trong 3 tháng qua, nhiều câu hỏi được đặt ra về tương lai của liên minh gồm 27 thành viên khi các biên giới đều đóng cửa và mỗi quốc gia phải tự xoay xở để ứng phó với Covid-19.

Thủ tướng Merkel khẳng định quyết tâm dẫn dắt châu Âu vượt qua giai đoạn khó khăn. Ba mục tiêu lớn được bà đặt ra bao gồm: vượt qua đại dịch, tái thiết kinh tế và củng cố EU kiên cường trước các cuộc khủng hoảng tương lai. Trong đó, Covid-19 có thể bao phủ toàn bộ chương trình nghị sự của EU từ nay đến hết năm.

Hãng Reuters dẫn lời bà Merkel nhấn mạnh, cần đoàn kết để vượt qua khủng hoảng Covid-19 khi đại dịch đã làm hơn 100.000 người ở EU tử vong; trên toàn thế giới, con số này lên đến hơn 500.000 người. Ngày 8-6 vừa qua, chính phủ Đức công bố dự thảo về chương trình Chủ tịch luân phiên trong 6 tháng, nêu rõ: “Trong suốt thời gian đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên, chúng tôi sẽ làm mọi việc trong quyền hạn để cùng thúc đẩy EU hùng mạnh trở lại”.

Ngày 29-6, đứng bên cạnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Berlin khi đề xuất quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (843 tỷ USD) cho châu Âu, Thủ tướng Merkel nói: “Tương lai của châu Âu là tương lai của chúng ta”. Theo đó, 2/3 số tiền của quỹ dùng tài trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng Covid-19 nặng nề như Ý và Tây Ban Nha; phần còn lại sẽ được cấp dưới dạng cho vay. 27 nước EU sẽ đàm phán về 750 tỷ euro nói trên tại hội nghị thượng đỉnh của khối dự kiến vào ngày 17 và 18-7. Bộ Tài chính Đức kỳ vọng EU có thể đạt được thỏa thuận ngay trong tháng 7 này vì Berlin còn nhiều việc phải giải quyết sau đó.

Một thách thức lớn nữa là việc thúc đẩy thỏa thuận để Anh rời EU hoàn toàn sau ngày 31-12. Anh và EU vừa nối lại vòng đàm phán mới, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy London hay Brussels sẽ nhượng bộ xung quanh các vấn đề: quyền đánh bắt cá, tiếp cận thị trường nội khối EU, quyền của công dân EU tại Anh. Điều đó có nghĩa, mối quan hệ tương lai giữa EU với Anh thời hậu Brexit trông chờ vào kỹ năng đàm phán của Đức.

"Tương lai của châu Âu là tương lai của chúng ta"

Thủ tướng Đức Angela Merkel

Ngoài ra, nhiều thách thức khác đang chờ đợi Đức như: mối quan hệ không nồng ấm xuyên Đại Tây Dương, trong đó có việc Tổng thống Donald Trump vừa phê chuẩn kế hoạch rút khoảng 9.500 binh sĩ Mỹ khỏi Đức và giảm mức trần quân số hiện diện ở quốc gia châu Âu này xuống còn 25.000 người. Bên cạnh đó là mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc, biến đổi khí hậu, xung đột ở Libya và Syria… Song, xem ra không có nhiệm vụ nào dễ dàng.

Tuần báo Der Spiegel của Đức bình luận, việc đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU là “cơ hội mới nhất” để bà Merkel ghi dấu là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất châu Âu. Cũng theo tuần báo này, đây là lúc để Đức gánh vác trách nhiệm nhiều hơn với tư cách là quốc gia lớn nhất và nền kinh tế hàng đầu của khối.

Với 15 năm làm Thủ tướng, bà Merkel là nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất ở châu Âu. Bà đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng ở “lục địa già” này kể từ nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU đầu tiên vào năm 2007. Lần trở lại làm Chủ tịch luân phiên thứ hai sẽ khó khăn hơn khi châu Âu đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong lịch sử. Song, theo AFP, giữa bộn bề công việc như thế, những gì bà thể hiện trong 6 tháng này sẽ làm “di sản” của mình thêm ấn tượng.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.