Cuộc đua vaccine ngừa Covid-19 đang nóng bỏng hơn bao giờ hết. Và một câu hỏi đang gây đau đầu rằng, đối tượng nào sẽ được ưu tiên tiêm vaccine chống Covid-19 đầu tiên? Đó là một quyết định còn phải bàn cãi nhiều.
Cuộc đua tìm vaccine ngừa Covid-19 đang nóng hơn bao giờ hết. Ảnh: Reuters |
Câu hỏi đau đầu
"Không phải ai cũng sẽ thích câu trả lời. Sẽ có nhiều người cảm thấy rằng họ nên đứng trong danh sách ưu tiên" - Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia (Mỹ), gần đây nói với một trong những nhóm tư vấn mà chính phủ Mỹ yêu cầu giúp đưa ra quyết định.
Theo truyền thống, đối tượng ưu tiên khi vaccine còn khan hiếm là nhân viên y tế và những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Song ông Collins cho rằng, cần xem xét yếu tố địa lý và ưu tiên cho những người ở nơi dịch bệnh bùng phát mạnh nhất. Và cũng đừng quên các tình nguyện viên trong giai đoạn cuối cùng của quá trình thử nghiệm vaccine - những người đã tiêm giả dược - để có sự so sánh với nhóm được tiêm vaccine thử nghiệm xem những mũi tiêm đó có hiệu quả thực sự hay không. "Chúng tôi nợ họ... một số ưu tiên đặc biệt" - ông Collins nói.
Đối với tất cả hứa hẹn của Mỹ là dự trữ hàng triệu liệu vaccine thì sự thật phũ phàng là: Ngay cả khi được tuyên bố an toàn và hiệu quả vào cuối năm nay, vaccine vẫn sẽ không đủ cho tất cả những người muốn sử dụng ngay. Đặc biệt với hầu hết loại vaccine tiềm năng đều yêu cầu phải tiêm hai liều.
Đó là một vấn đề nan giải mang tính toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang đau đầu với câu hỏi đầu tiên tương tự khi họ phải đảm bảo vaccine được phân phối công bằng cho các nước nghèo. Những quyết định thậm chí còn khó khăn hơn khi các nước giàu đưa ra thị trường những liều vaccine đầu tiên.
Tại Mỹ, Ủy ban Cố vấn về Thực hành tiêm chủng (ACIP) - một nhóm do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thành lập - được cho là đã đề nghị ai nên được ưu tiên tiêm phòng và khi nào. Lời khuyên của họ hầu như luôn được Chính phủ lắng nghe và làm theo.
Nhưng trước một quyết định rất khó khăn về vaccine chống Covid-19 lần này, các nhà đạo đức và chuyên gia vaccine của Viện Hàn lâm Y học Quốc gia được Quốc hội thuê để tư vấn cho Chính phủ cũng đều được yêu cầu cân nhắc kỹ lưỡng. "Thiết lập các ưu tiên sẽ đòi hỏi sự sáng tạo, ý thức chung về đạo đức" - ông Bill Foege, người đã nghĩ ra chiến lược tiêm chủng dẫn đến việc thanh toán được bệnh đậu mùa trên toàn cầu, cho hay. Ông Foege, đang "cầm trịch" các cuộc thảo luận của Viện Hàn lâm Y học Quốc gia, coi đó "vừa là cơ hội vừa là gánh nặng".
Với rất nhiều thông tin sai lệch về vaccine cùng lo ngại có tác động chính trị, Giám đốc CDC Robert Redfield nói rằng, công chúng phải nhìn thấy việc phân bổ vaccine là công bằng, không thiên vị và minh bạch.
Song làm sao để quyết định? CDC có gợi ý mở đầu: Đầu tiên tiêm phòng cho 12 triệu người đang trong tình trạng nguy kịch, những nhân viên an ninh quốc gia và những người lao động thiết yếu khác. Tiếp theo sẽ tiêm cho 110 triệu người có nguy cơ cao mắc Covid-19 - những người trên 65 tuổi sống trong các trung tâm chăm sóc sức khoẻ, hoặc những người có sức khỏe kém ở bất kỳ độ tuổi nào, hay những người cũng được coi là lao động thiết yếu. Người dân nói chung sẽ được tiêm chủng sau.
Những rủi ro cho nhân viên y tế hiện nay khác xa so với những ngày đầu của đại dịch. Bây giờ, nhân viên y tế trong các đơn vị điều trị Covid-19 thường được bảo vệ tốt nhất, còn nhiều đối tượng khác có nguy cơ cao hơn, các thành viên cố vấn lưu ý.
Ngoài các lĩnh vực y tế và an ninh, liệu "lao động thiết yếu" có nghĩa là các công nhân trong nhà máy hay giáo viên không? Và điều gì xảy ra nếu vaccine không hiệu quả trong số những người dễ bị tổn thương so với những người trẻ hơn, khỏe mạnh hơn? Đó là một lo lắng thực sự với việc hệ thống miễn dịch của người già không thể tiêm vaccine cúm.
SARS-CoV-2 tấn công người Mỹ gốc da đen, gốc Latin và người Mỹ bản địa cũng ở mức độ khác nhau, nên nếu không giải quyết được sự đa dạng đó thì sẽ được coi là đáng ngờ, theo tiến sĩ Jose Romero - Chủ tịch ACIP. Hãy xem xét những người nghèo sống ở thành thị trong các khu dân cư đông đúc, ít được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và không thể làm việc tại nhà như nhiều người Mỹ có đặc quyền hơn, Tiến sĩ Sharon Frey của Đại học St. Louis cho biết thêm. Và tiến sĩ Henry Bernstein của Northwell Health cho rằng, có lẽ đáng để tiêm phòng cho cả một gia đình hơn là cố gắng chỉ chọn một người có nguy cơ cao trong gia đình.
Với chiến dịch thần tốc "Warp Speed" nhằm tạo ra vaccine phòng Covid-19, chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn tăng tốc độ sản xuất và phân phối vaccine cũng như đang tìm ra cách vận chuyển nhanh chóng, đúng số lượng liều đến bất cư nơi nào sẽ thiết lập tiêm chủng. Cơ quan Y tế Hoa Kỳ hy vọng cuối tháng tới sẽ có một số dự thảo hướng dẫn về cách phân phối những liều vaccine đầu tiên, song đó là một quyết định còn phải bàn cãi nhiều.
"Ngay sau khi một loại vaccine được tuyên bố là có hiệu quả, một cách thẳng thắn, chúng tôi muốn có thể có vaccine ngay hôm sau để có thể khởi động các chương trình tiêm chủng. Đây sẽ là một chặng đường dài" - tiến sĩ Nancy Messonnier của CDC nói.
Cuộc đua vaccine nóng hơn bao giờ hết
Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp nên cuộc đua tìm vaccine phòng bệnh nóng hơn bao giờ hết. Các nghiên cứu lớn đã và đang diễn ra vào mùa hè này nhằm mục đích chứng minh loại vaccine chống Covid-19 thử nghiệm nào là an toàn và hiệu quả. Đến nay, cuộc đua hay "cuộc chiến ngầm" này đã có những tín hiệu sáng.
Tại Mỹ, Công ty Moderna Inc. và Pfizer Inc. đã bắt đầu quá trình thử nghiệm cuối cùng trên người vào tuần trước với 30.000 tình nguyện viên. Trong mấy tháng tới, các cuộc kêu gọi tình nguyện viên quy mô lớn được tiến hành để tiêm thử nghiệm những loại vaccine do các Công ty AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax điều chế. Trong giai đoạn thử nghiệm 3 cuối cùng này, 30.000 tình nguyện viên sẽ gồm cả những người lớn tuổi, người bị bệnh mãn tính, người gốc Phi và gốc Latin, bắt đầu từ ngày 27.7.2020, trong 2 năm. Đây là cuộc nghiên cứu vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới tính đến lúc này, theo AFP.
Còn theo kết quả được công bố trên Tạp chí Y khoa The Lancet, vaccine thử nghiệm AZD1222 do tập đoàn AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) và trường Đại học Oxford (Anh) phối hợp bào chế cho kết quả an toàn và tạo ra kháng thể ở người trong giai đoạn đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng. Theo đó, vaccine AZD1222 không gây tác dụng phụ nghiêm trọng, tạo ra kháng thể mạnh và các phản ứng miễn dịch của tế bào T. Cuộc thử nghiệm được tiến hành ở hơn 1.000 người tại Anh.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc thông báo, vaccine Ad5-nCOV do Công ty sản xuất vaccine CanSino Biologics và đơn vị nghiên cứu thuộc quân đội nước này hợp tác bào chế cũng chứng tỏ an toàn và tạo ra kháng thể ở đa số những người được tiêm một mũi. Một số vaccine do Trung Quốc sản xuất đang trong giai đoạn nghiên cứu cuối cùng song quy mô nhỏ hơn so với Mỹ.
Công ty Công nghệ Sinh học BioNTech của Đức vừa công bố thêm thông tin về cuộc thử nghiệm giai đoạn đầu một loại vaccine chống Covid-19 cho thấy, vaccine này an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch ở người. Vaccine thử nghiệm đã tạo ra các phản ứng của tế bào T ở mức cao chống lại virus SARS-CoV-2.
Tại Nga, Cơ quan Giám sát quyền lợi người tiêu dùng (Rospotrebnadzor) cho biết, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu virus và Công nghệ sinh học Vector ở thành phố Novosibirsk đã phát triển thành công các nguyên mẫu vaccine ngừa Covid-19 dựa trên sáu nền tảng công nghệ khác nhau. Quá trình thử nghiệm đã được bắt đầu để phân tích liều lượng, cũng như mức độ hiệu quả của các nguyên mẫu với hy vọng có thể điều chế thành công vaccine vào ba tháng cuối năm nay. Ông Alexandr Lukashev - Viện trưởng Viện Y học Ký sinh trùng, Bệnh nhiệt đới và lây truyền tại Đại học Sechenov - cho hay, quá trình kiểm tra mức độ an toàn của vaccine trên người đã thành công.
Tại Australia, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Queensland cũng đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 trên người vào ngày 13.7 vừa qua. Song dự kiến, những liều vaccine đầu tiên phải khoảng 1 năm nữa mới "ra lò".
Trên thế giới hiện có hơn 100 loại vaccine phòng Covid-19 đang được nghiên cứu và phát triển, theo Reuters. Mục tiêu mà các công ty dược phẩm và tổ chức khoa học quốc tế đặt ra là điều chế vaccine phòng Covid-19 trong vòng từ 12 đến 18 tháng. Nếu thành công, đây sẽ là loại vaccine có tốc độ nghiên cứu phát triển nhanh nhất nhân loại. Mặc dù vậy, các nhà khoa học cần tiến hành nghiên cứu thêm trước khi có thể xác nhận vaccine có thể bảo vệ hiệu quả và lâu dài trước virus SARS-CoV-2 hay không?
Theo LĐO