Palestine lo khó có hòa bình ở Trung Đông

.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lo ngại sẽ khó có hòa bình ở khu vực nếu các quốc gia Arab hướng tới bình thường hóa quan hệ với Israel mà bỏ qua người Palestine.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) tham gia buổi họp báo cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Jerusalem ngày 24-8. Israel là chặng dừng chân đầu tiên của ông Pompeo trong chuyến công du Trung Đông. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) tham gia buổi họp báo cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Jerusalem ngày 24-8. Israel là chặng dừng chân đầu tiên của ông Pompeo trong chuyến công du Trung Đông. Ảnh: AP

Trong 3 thập niên nỗ lực hòa bình thất bại, người Palestine chưa bao giờ đối mặt với một chính phủ Mỹ thiên vị Israel quá nhiều, cũng chưa bao giờ đối mặt với một cộng đồng quốc tế thân thiện như hiện tại. Song, theo hãng tin AP, ngay cả khi không hy vọng quá nhiều về việc hình thành một nhà nước Palestine độc lập, các nhà lãnh đạo của quốc gia đã được Liên Hợp Quốc (LHQ) công nhận này vẫn kiên quyết theo đuổi giải pháp hai nhà nước trên cơ sở các đường biên giới xác lập năm 1967.

Tổng thống Mahmoud Abbas vẫn tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm gây áp lực để Israel thống nhất về một nhà nước Palestine ở Bờ Tây, Gaza và đông Jerusalem là thủ đô - những vùng đất vốn bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Nhiều cuộc hòa đàm Israel - Palestine đã thất bại và xung đột giữa hai nước kéo dài hàng thập niên qua.

Giờ đây, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), mang tên Hiệp ước Abraham, báo hiệu sự thay đổi lớn. Theo đó, hòa bình giữa các nước Arab và Israel có thể đi trước một thỏa thuận với người Palestine. Đương nhiên, Tổng thống Abbas không muốn như thế. Hãng Reuters dẫn lời ông cho rằng, sẽ khó có hòa bình ở khu vực nếu các quốc gia Arab bỏ qua người Palestine để hướng tới bình thường hóa quan hệ với Israel. Ông nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong khu vực với Israel sẽ không thể được thực hiện nếu người Palestine không phải là bên đầu tiên ký kết.

Hãng AP cho biết, các nước Arab khác có thể theo bước UAE ủng hộ chủ trương của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng, Nhà nước Do Thái này có thể có thỏa thuận hòa bình với các nước Arab láng giềng mà không cần nhượng bộ người Palestine. Hiệp ước Abraham cũng làm sống lại kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Donald Trump, một bản kế hoạch hoàn toàn ủng hộ Israel. Palestine kiên quyết bác bỏ “thỏa thuận thế kỷ” đầy thiên vị này. Song, nếu ông Trump tái đắc cử Tổng thống, “thỏa thuận thế kỷ” sẽ vẫn là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ thêm 4 năm tới. Minh chứng rõ là khi đến Israel vào ngày 24-8 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hoan nghênh Hiệp ước Abraham, đồng thời hy vọng các nước Arab khác sẽ có những động thái tương tự.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Palestine nói rằng, với dân số của họ chiếm hơn  1/2 ở khu vực giữa biển Địa Trung Hải và sông Jordan, Israel vẫn cần chữ ký của họ nếu muốn giải quyết được xung đột dai dẳng. Và điều này sẽ làm ông Jared Kushner, cố vấn cao cấp và là con rể của Tổng thống Trump, phải “đau đầu”. Ông Kushner - “kiến trúc sư” của kế hoạch hòa bình Trung Đông - sẽ cùng Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien, Đại diện ngoại giao Mỹ tại Trung Đông Avi Berkowitz đến thăm khu vực này vào ngày 31-8. 

Tháng 11-2012, LHQ ra quyết định công nhận Palestine là nhà nước độc lập. Song thực tế, phần lớn lãnh thổ Palestine vẫn nằm dưới sự chiếm đóng của Israel và quyết định công nhận của LHQ không có nhiều tác dụng đối với Tel Aviv cũng như đồng minh thân cận Mỹ. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhiều lần kêu gọi chính phủ Israel ngừng kế hoạch sáp nhập Bờ Tây. Trong những năm qua, Israel đã xây dựng hàng loạt khu định cư ở Bờ Tây, kể cả ở đông Jerusalem, cho gần 500.000 người Israel. Động thái này làm mờ mịt triển vọng đàm phán hòa bình.

Phản ứng với Hiệp ước Abraham, Palestine kêu gọi Liên đoàn Arab và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 thành viên họp khẩn cấp. Nhưng quốc gia giàu có UAE là thành viên đầy quyền lực ở cả hai tổ chức nên hai cuộc họp này đến nay vẫn chưa diễn ra. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang loay hoay ứng phó với sự chia rẽ nội khối và đại dịch Covid-19 nên cũng không thể hỗ trợ gì cho Palestine. Vậy nên, trong lúc ông Trump thúc đẩy vấn đề ngoại giao ở Trung Đông để làm đòn bẩy ghi điểm cho cuộc bầu cử, Palestine đang ở thế khó khi thế giới Arab xích lại gần Israel.

 PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.