THỎA THUẬN ISRAEL - UAE

"Biến sa mạc khô cằn thành vùng đất nở hoa"

.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, với thỏa thuận bình thường hóa quan hệ vừa được thống nhất, nước này và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang “biến sa mạc khô cằn thành vùng đất nở hoa”.

Ngày 13-8, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Israel và UAE đã thống nhất “thỏa thuận hòa bình”, theo đó sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao hoàn toàn giữa hai nước. 								          Ảnh: Getty Images
Ngày 13-8, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Israel và UAE đã thống nhất “thỏa thuận hòa bình”, theo đó sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao hoàn toàn giữa hai nước. Ảnh: Getty Images

Hãng Reuters cho biết, ngày 13-8 (sáng 14-8, giờ Việt Nam), Israel và UAE tuyên bố hai nước sẽ bình thường hóa quan hệ và “tạo dựng mối quan hệ mới rộng lớn”. Thỏa thuận được thống nhất trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử UAE Sheikh Mohammed bin Zayed. Động thái này sẽ định dạng lại trật tự chính trị ở Trung Đông, từ vấn đề Palestine cho đến cuộc đối đầu với Iran.

Gỡ “bom hẹn giờ”

Thỏa thuận mới có tên gọi Hiệp ước Abraham. Theo đó, Israel ngừng kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây nhưng không có nghĩa Thủ tướng Netanyahu sẽ hoàn toàn từ bỏ việc sáp nhập này. Tuyên bố chung của Mỹ, Israel và UAE cho rằng, bước đột phá ngoại giao này sẽ thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông, minh chứng cho tầm nhìn và ngoại giao táo bạo của 3 nhà lãnh đạo, sự can đảm của UAE và Israel để vạch một con đường mới nhằm mở ra tiềm năng to lớn trong khu vực. Tổng thống Trump gọi đây là “thỏa thuận hòa bình lịch sử”. Hãng Reuters cho hay, Israel và UAE sẽ sớm trao đổi đại sứ và đại sứ quán. Lễ ký kết dự kiến diễn ra tại Nhà Trắng trong 3 tuần tới.

Israel đã ký các thỏa thuận hòa bình với Ai Cập vào năm 1979 và với Jordan vào năm 1994. Nhưng UAE và hầu hết các nước Arab khác không công nhận Israel, đồng thời không có mối quan hệ cả về kinh tế lẫn ngoại giao chính thức với Nhà nước Do Thái này. Giờ đây, UAE là quốc gia Arab đầu tiên có thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel và hai nước sẽ tiến đến “thỏa thuận hòa bình toàn diện và chính thức”, như khẳng định của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Theo AFP, UAE khẳng định vẫn ủng hộ mạnh mẽ người dân Palestine vốn hy vọng tạo ra một nhà nước độc lập ở khu vực Bờ Tây, dải Gaza và Đông Jerusalem. UAE cho rằng, thỏa thuận với Israel sẽ giúp ích cho giải pháp hai nhà nước trong việc giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine. Ông Anwar Gargash, quan chức cấp cao của UAE, thúc giục Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán, đồng thời gọi kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây là “bom hẹn giờ” mà UAE đã giúp tháo gỡ được. 

Đối với Israel, thỏa thuận nói trên giúp Thủ tướng Netanyahu lấy lại hình ảnh trong lúc đối mặt phiên tòa xét xử tội tham nhũng và tỷ lệ ủng hộ trong nước “lao dốc” vì cách ứng phó thiếu hiệu quả với đại dịch Covid-19. Ông Netanyahu nói rằng, một kỷ nguyên mới mở ra giữa Israel và thế giới Arab và Israel cùng UAE sẽ “biến sa mạc khô cằn thành vùng đất nở hoa”.

“Cơn ác mộng” của Iran

Việc UAE “bắt tay” với Israel có thể tạo hiệu ứng domino khiến các nước Arab khác cũng thiết lập liên minh với Nhà nước Do Thái chống lại Iran. Ông Brian Hook, quan chức ngoại giao Mỹ, gọi thỏa thuận Israel - UAE là “cơn ác mộng” với Iran. Trong khi đó, AP dẫn lời một quan chức Iran cho rằng, thỏa thuận sẽ không bảo đảm được hòa bình ở khu vực. Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Hồi giáo này chỉ trích thỏa thuận là “nguy hiểm và bất hợp pháp”. “Đây là cú đâm sau lưng người Palestine và tất cả người Hồi giáo”, Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ.

Iran và Israel vốn xem nhau là kẻ thù. Tel Aviv đặc biệt lo ngại những nỗ lực của Iran trong việc phát triển vũ khí hạt nhân, mặc dù Tehran khẳng định chương trình của họ chỉ mang mục đích hòa bình. Iran cũng tham gia các cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại các nước, từ Syria đến Yemen, nơi UAE là thành viên trong liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu chống lại các lực lượng có liên kết với Tehran.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích thỏa thuận, cho rằng UAE không có quyền thay mặt người Palestine để đàm phán với Israel. Về phía Palestine, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) bác bỏ thỏa thuận, xem đây là “sự phản bội đối với Jerusalem và sự nghiệp của Palestine”. Chính quyền Palestine (PA) ngay lập tức triệu hồi Đại sứ tại UAE.

Hãng AP dẫn lời Tổng thống Donald Trump phát biểu ở Nhà Trắng ngày 13-8, hoan nghênh thỏa thuận giữa Israel và UAE. Ông Trump cho rằng, việc hai nước bình thường hóa quan hệ là bước tiến quan trọng hướng tới xây dựng một khu vực Trung Đông hòa bình, an toàn và thịnh vượng hơn. Reuters nhận định, thỏa thuận được xem là một thành tựu ngoại giao của Tổng thống Trump trong lúc ông sắp bước vào cuộc bầu cử ngày 3-11. 

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.