19 năm sau vụ khủng bố vĩnh viễn thay đổi nước Mỹ, người Mỹ vẫn sợ chủ nghĩa cực đoan nước ngoài nhưng lại coi nhẹ khủng bố trong nước.
Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York rung chuyển, bốc cháy sau khi bị hai máy bay lao vào. Ảnh: 9newes |
Theo tờ Conversation, sáng thứ ba ngày 11-9-2001, những gì mà nước Mỹ biết về chủ nghĩa khủng bố đã hoàn toàn thay đổi. 2.996 người đã thiệt mạng trực tiếp từ các vụ tấn công ở New York, Washington D. C và Pennsylvania. Hàng nghìn người nữa đã mất mạng sau đó vì biến chứng sức khỏe do làm việc tại hoặc gần khu vực xảy ra khủng bố.
19 năm sau, suy nghĩ của người Mỹ về chủ nghĩa khủng bố vẫn gắn với buổi sáng bi kịch đó.
Loạt vụ tấn công ngày 11-9 do mạng lưới khủng bố al-Qaeda thực hiện. Số người thiệt mạng trong vụ khủng bố này nhiều gấp gần 18 lần vụ khủng bố chết chóc thứ hai lịch sử Mỹ: vụ đánh bom thành phố Oklahoma xảy ra 15 năm trước đó. Với nhiều người Mỹ, vụ 11-9 đã in đậm trong ký ức họ và khó có thể lãng quên.
Mỹ vẫn giải quyết hậu quả
Dù gần 20 năm đã trôi qua nhưng nhiều người Mỹ vẫn đang âm thầm chịu đựng hậu quả. Những người còn sống đang gặp nhiều vấn đề sức khỏe. Một số người chịu đựng nỗi đau dai dẳng mất người thân yêu.
Mặc dù năm nào nước Mỹ cũng tưởng niệm vụ khủng bố vào ngày 11-9 nhưng phần lớn người dân vẫn tiếp tục cuộc sống hàng ngày trong những ngày còn lại.
Nhưng với những người thuộc Văn phòng Khám nghiệm Y khoa ở Kips Bay, họ vẫn đang tìm cách xác định danh tính nạn nhân. Ông Mark Desire, trợ lý giám đốc Bộ phận Sinh học Pháp y thuộc văn phòng trên cho biết: “Đây là quy trình mà chúng tôi làm không ngừng nghỉ từ năm 2001”.
Tính tới năm 2019, Văn phòng Khám nghiệm Y khoa mới xác định được 1.644 nạn nhân, tức khoảng 60% người chết vào ngày đó. 40% còn lại thuộc nhóm khó xác định do thi thể bị biến dạng nghiêm trọng trong đám cháy. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn không từ bỏ hy vọng xác định danh tính những nạn nhân còn lại.
Công nghệ mới cho phép các nhà khoa học tách phần ADN khó tiếp cận trong các mảnh xương. Họ đã xác định được ít nhất 40 trường hợp bằng công nghệ này. Tuy nhiên, khó khăn nữa là không có mẫu ADN từ người thân của nạn nhân để đối chiếu.
Ông Desire cho biết mục đích của họ là xác định mọi nạn nhân. Hiện còn trên 1.000 nạn nhân vụ khủng bố cần nhận dạng.
Chủ nghĩa cực đoan mạnh hơn bao giờ hết
Nhóm Al Shabaab có liên hệ với al-Qaeda. Ảnh: AP |
Theo trang 9news.com.au, trong khi đó, bất chấp việc phát động cuộc chiến 6.000 tỷ USD tốn kém chống khủng bố ở nhiều nước, người Mỹ tiếp tục ám ảnh với chủ nghĩa cực đoan nước ngoài khi nhóm khủng bố al-Qaeda trở nên mạnh hơn bao giờ hết.
Chuyên gia an ninh Greg Barton thuộc Đại học Deakin cho biết dù bị COVID-19 làm gián đoạn, nhưng chủ nghĩa khủng bố vẫn là mối đe dọa và đang thay đổi theo hoàn cảnh.
Nghiên cứu cho thấy xu hướng là các nhóm khủng bố như al-Qaeda vẫn mạnh dần lên trong 20 năm qua. Ông nói: “Dù mạng lưới này bị tiêu hao nhiều do phản ứng của quân đội Mỹ, thủ lĩnh Osama bin Laden bị tiêu diệt, nhưng chúng đã bật dậy tới mức mạnh hơn bao giờ hết”.
Các nhánh của al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo vẫn đang hoạt động khắp thế giới như Tây Phi, Sừng châu Phi, Philippines, Indonesia, Thái Lan, vùng Caucus ở Nga… và là mối đe dọa với an ninh toàn cầu.
Giống như kí sinh trùng bám vào cơ thể yếu ớt, các nhóm khủng bố nhằm vào những khu vực và quốc gia có nền quản trị yếu kém. Ông Barton nói: “Khi nền quản trị bị đổ vỡ, phong trào khủng bố tìm thấy cơ hội hoạt động”. Ở một số khu vực tại châu Phi và Trung Đông, các nhóm liên kết với al-Qaeda còn phát thiết bị bảo hộ phòng dịch cho người dân để tìm cách có mối liên kết sâu trong cộng đồng.
Trong gần 20 năm qua, cách tiếp cận bạo lực chỉ mang lại thành công ngắn hạn. Ông Barton phân tích: “Nếu nhìn vào Afghanistan, cuộc chiến chống khủng bố bắt đầu bằng loạt tấn công các vị trí al-Qaeda ở đó. Hành động xuất phát từ sự giận dữ có thể hiểu được nhưng nó đã dẫn tới 20 năm Mỹ phải thực hiện các chiến dịch quân sự tốn kém mà hoàn toàn thất bại trong mục tiêu chấm dứt chủ nghĩa khủng bố”.
Mối đe dọa từ trong nước
Tuy nhiên, theo tờ The Conversation, nếu Mỹ chỉ tập trung vào những nhóm cực đoan Hồi giáo như al-Qaeda khi chống khủng bố thì chưa đủ. Chủ nghĩa cực đoan cực hữu trong lòng nước Mỹ cũng đặt ra mối đe dọa chết người và dai dẳng không kém với cuộc sống của người Mỹ. Rủi ro từ khủng bố trong nước thường bị đánh giá thấp nếu so với hậu quả kinh hoàng của vụ ngày 11-9.
Suốt chiều dài lịch sử, Mỹ là nơi gắn với nhiều loại tư tưởng cực đoan. 15 năm nghiên cứu của tờ The Conversation cho thấy hai mối đe dọa nổi bật nhất hiện nay đều do chủ nghĩa cực đoan cực hữu trong nước và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo gây ra.
Để giúp đánh giá các mối đe dọa này, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Tư pháp Mỹ đã từng hỗ trợ tờ The Conversation xây dựng dữ liệu tội ác cực đoan, thu thập dữ liệu về các vụ phạm tội do những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan gây ra ở Mỹ.
Theo đó, từ năm 1990 đến 2019, dữ liệu đã xác định 47 sự kiện ở Mỹ do chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo kích động, khiến 154 người chết. Khi tính cả vụ ngày 11-9, con số này tăng lên 48 vụ với số người chết tăng vọt: 3.150.
Cơ sở dữ liệu cũng xác định 217 vụ giết người do chủ nghĩa cực đoan cực hữu kích động, khiến 345 người thiệt mạng. Khi tính cả vụ đánh bom Oklahoma, số vụ tăng lên 218 và số người chết tăng lên 513.
Đại điểm diễn ra các hoạt động cực đoan bạo lực cũng khác nhau tùy theo tư tưởng cực đoan. Từ năm 1990 đến 2019, phần lớn vụ tấn công cực đoan Hồi giáo xảy ra ở miền nam (51%), còn phần lớn vụ tấn công cực đoan cực hữu xảy ra ở miền tây (36,7%). Cả hai dạng bạo lực này đều ít xảy ra ở miền Trung tây nhất.
Nghiên cứu cũng xác định các âm mưu cực đoan Hồi giáo nhằm vào 333 mục tiêu, trong đó các âm mưu đều thất bại hoặc bị triệt phá. Nhiều kẻ theo chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo chịu trách nhiệm vạch kế hoạch tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc.
Trung bình mỗi năm có 18 địa điểm ở Mỹ bị khủng bố coi là mục tiêu tấn công. Dân thường và binh sĩ là các mục tiêu dễ bị tấn công nhất. Các thành phố như New York và Washington DC là hai thành phố bị chọn làm mục tiêu nhiều nhất.
Sự kiện ngày 11-9 sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới suy nghĩ của người Mỹ về những rủi ro chủ nghĩa cực đoan bạo lực ở Mỹ. Chỉ tập trung vào chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo tức là bỏ qua tác động của chủ nghĩa cực đoan cực hữu trong nước gây ra và ngược lại.
Một số chuyên gia cảnh báo thậm chí còn có sự hợp tác tiềm tàng giữa hai phong trào cực đoan này. Cả hai tư tưởng đều đặt ra mối đe dọa thực sự cho mọi người Mỹ.