Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 281.000 ca bệnh Covid-19 và trên 5.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt mốc 33 triệu ca, trong đó gần 1 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (88.942 ca), Mỹ (trên 38.000 ca) và Brazil (25.412 ca).
Khách du lịch đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Rio de Janeiro, Brazil ngày 15-8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây cũng là ba quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới trong 24 giờ qua: 1.123 ca ở Ấn Độ, 697 ở Brazil và 670 ca ở Mỹ.
Trong bối cảnh châu Âu thắt chặt các biện pháp hạn chế khi số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng và số ca mắc mới tại Mỹ cũng đã vượt qua một ảm đạm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có thể tăng gấp đôi, lên 2 triệu người nếu không duy trì các biện pháp phòng ngừa.
Châu Á
Đông Nam Á: Indonesia tiếp tục là điểm nóng
Indonesia tiếp tục là điểm nóng của dịch Covid-19 tại Đông Nam Á khi Bộ Y tế nước này ngày 26-9 thông báo có thêm 4.494 ca mắc Covid-19 và 90 trường hợp tử vong. Tính tới nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đã lên tới 271.339, trong đó có 10.308 trường hợp tử vong và 199.403 người bình phục.
Mặc dù ghi nhận thêm thêm 2.747 ca mắc Covid-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 301.256 người và vẫn là quốc gia có số người nhiễm cao nhất trong khu vực, song giới chức Philippines khẳng định tình hình dịch bệnh tại nước này đã có tín hiệu tích cực. Theo Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire, hiện tỷ lệ nhập viện và điều trị tích cực tại các bệnh viện, trong đó có cả ở thủ đô Manila - tâm dịch của nước này, đã giảm trong 2 tuần qua.
Theo đó, tỷ lệ bệnh nhân đang phải điều trị tích cực đã giảm xuống còn khoảng 60%, thấp hơn 21% so với tháng 8. Điều này có nghĩa các cơ sở y tế đã có thêm khả năng để tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19. Trong khi đó, tỷ lệ lây nhiễm ở nước này cũng đã giảm xuống dưới mức 1. Bộ Y tế Philippines vẫn đang theo dõi chặt chẽ 1.963 ổ dịch tại các bệnh viện, nhà tù và các khu vực đông dân cư. Dù tình hình dịch bệnh có nhiều cải thiện, song theo Thứ trưởng Y tế Philippines, chính phủ nước này vẫn cần tiếp tục cải thiện hệ thống y tế nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh. Vùng thủ đô Manila vẫn đang được phong tỏa cho đến ngày 30-9. Trước cuối tháng này, chính phủ sẽ đưa ra thông báo về việc nới lỏng hay duy trì biện pháp này tại vùng thủ đô.
Tại Myanmar, trong bối cảnh số ca nhiễm mới không ngừng tăng cao trong thời gian gần đây, thành phố lớn nhất Myanmar là Yangon đang tích cực xây dựng các trung tâm cách ly mới.
Nếu số ca mắc Covid-19 tại Myanmar trong tháng trước chưa đầy 400, trong đó có 6 người tử vong, thì hiện số ca nhiễm tại đây tăng gấp đôi mỗi tuần và số người tử vong đã lên tới 174. Lực lượng chức năng dự báo số ca nhiễm tại quốc gia này trong những ngày sắp tới có thể vượt mức 10.000.
Yangon là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và đã phải áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trở lại. Có khoảng 6.000 người đang phải cách ly ở thành phố này và chính quyền đang xây thêm 7 trung tâm mới để có thể cách ly thêm 1.000 người.
Hàn Quốc có số ca nhiễm mới thấp nhất 44 ngày
Ngày 26-9, Hàn Quốc thông báo 49 ca nhiễm Covid-19 - mức thấp nhất trong vòng 44 ngày qua. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong ngày ở mức hai con số sau 3 ngày liên tiếp ở mức ba con số.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giới chức y tế nước này cho biết đây là dấu hiệu cho thấy việc siết chặt các quy định giãn cách xã hội đã phát huy tác dụng, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi mọi người hạn chế về quê hoặc gặp mặt người thân trong dịp Tết Trung thu từ ngày 30-9 - 2-10 tới, nhằm tránh nguy cơ dịch tái bùng phát.
Ngoài 49 ca lây nhiễm trong nước, Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc thông báo 12 ca nhiễm mới nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 23.516 ca, trong đó có 399 ca tử vong.
Nước này đã chứng kiến số ca nhiễm mới hằng ngày ở mức ba con số trong hơn một tháng kể từ giữa tháng 8 do bùng phát ổ dịch liên quan đến một nhà thờ ở phía Bắc Seoul. Sau đó, số ca nhiễm mới đã giảm xuống hai con số.
Trung Quốc không có ca lây nhiễm trong nước
Cùng ngày, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc không ghi nhận ca mới lây nhiễm trong nước, nhưng vẫn có 15 ca nhập cảnh mới. Tính đến hết ngày 25-9, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 2.788 ca nhập cảnh, trong đó 3 ca nguy kịch.
Tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc hiện là 85.337 ca, trong đó 167 ca đang được điều trị và 4.634 ca đã tử vong.
Châu Âu
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu lại diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại khu vực Đông Âu khi nhiều nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong một ngày.
Ngày 26-9, Nga thông báo đã ghi nhận 7.523 trường hợp mắc bệnh Covid-19 - mức cao nhất kể từ ngày 22-6. Cùng ngày, Nga cũng ghi nhận thêm 169 trường hợp tử vong. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 1.143.571, trong đó có 20.225 người tử vong.
Belarus xác nhận có 332 ca nhiễm trong ngày 26-9, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tại nước này lên 77.289 trường hợp. Theo Bộ Y tế Belarus, có 121 trường hợp phục hồi trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân được xuất viện lên 74.046 người. Cho đến nay, nước này có 813 trường hợp không qua khỏi do mắc bệnh Covid-19, sau khi có thêm 6 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Trong 24 giờ qua, CH Séc thông báo đã có 1.241 ca mắc Covid-19. Hiện có tổng cộng 62.559 trường hợp mắc Covid-19 ở nước này, trong đó có 588 ca tử vong.
Trong khi đó, Ba Lan cũng có thêm 1.584 ca mắc Covid-19, chỉ ít hơn 3 ca so với mức cao nhất từ trước tới nay được ghi nhận trong ngày 25-9. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế Ba Lan cho biết chính phủ nước này có thể sẽ thông báo các biện pháp hạn chế mới nhằm khống chế đà lây lan của dịch bệnh.
Tính đến nay, nước này ghi nhận 85.980 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.424 trường hợp tử vong. Ban đầu, Ba Lan đã khống chế được dịch bệnh, song số ca nhiễm mới đã bắt đầu tăng nhanh vào mùa Hè, khi nhiều người đi du lịch và tham dự các lễ cưới. Trong khi đó, kể từ khi nước này dỡ bỏ hầu hết các hạn chế được áp đặt hồi tháng 3 và tháng 4, nhiều người dân cũng đã bắt đầu lơ là không đeo khẩu trang.
Trong ngày 26-9, Giáo sư hàng đầu ở Anh về bệnh truyền nhiễm Graham Medley kiêm cố vấn chính phủ cho rằng Chính phủ Anh đã hành động quá chậm để khống chế dịch bệnh. Ông Medley cho biết hiện số ca tử vong do mắc Covid-19 tại nước này vẫn rất thấp, trong khi số ca nhiễm đang không ngừng tăng nhanh. Điều này cho thấy chính phủ đã không hành động sớm để khống chế dịch bệnh.
Tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm khống chế đà lây lan của dịch bệnh, theo đó người dân được khuyến cáo tránh ra đường nếu không thực sự cần thiết và các quán rượu, nhà hàng cũng được yêu cầu đóng cửa sớm hơn.
Anh là nước có số ca tử vong do mắc Covid-19 cao nhất tại châu Âu, với 41.936 trường hợp. Nếu trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh hồi tháng 4, mỗi ngày nước này ghi nhận khoảng 900 người tử vong thì hiện nay con số này chỉ khoảng 30 người. Trong khi đó, số ca nhiễm mới trong tuần (tính đến ngày 19-9) đã lên tới 9.600 ca mỗi ngày, cao hơn nhiều so với mức 6.000 của tuần trước đó. Theo ông Medley, điều này có nghĩa số ca tử vong trong 3 đến 4 tuần tới có thể ở vào khoảng 100 người mỗi ngày.
Slovakia ghi nhận thêm 552 ca mắc Covid-19 - mức cao nhất từ trước tới nay tại quốc gia có 5,5 triệu dân này.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 có chiều hướng gia tăng mạnh trở lại tại châu lục, các cơ quan chức năng của Đức tiếp tục mở rộng danh sách các nước và khu vực ở châu Âu có nguy cơ cao, trong đó có Séc, Luxembourg, bang Tyrol của Áo - vốn nằm giáp Đức và là khu nghỉ dưỡng ưa thích của người Đức.
Hiện số ca mắc Covid-19 mới ở Đức tiếp tục tăng, với gần 1.319 ca trong 24 giờ qua. Tổng số bệnh nhân ở Đức hiện đã lên tới 285.025 người, với 9.532 ca tử vong do virus SARS-CoV-2. Với 160 ca nhiễm mới trong ngày, thủ đô Berlin dự định trong tuần tới sẽ thông báo siết chặt các biện pháp chống Covid-19, trong đó có khả năng áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế tiếp xúc như đã thực hiện tới cuối tháng 6. Theo thông báo của Bộ Y tế Đức, nước này hiện đã mua được khoảng 1,2 tỷ chiếc khẩu trang để sử dụng trong cuộc chiến chống Covid-19. Trong năm nay và năm tới, Đức dự định tích trữ khoảng 5,9 tỷ chiếc khẩu trang loại y tế và FFP2.
Giới chức Tây Ban Nha cũng quyết định mở rộng lệnh phong tỏa đối với thủ đô Madrid và khu vực lân cận, theo đó cấm hàng chục nghìn người rời khỏi khu vực sinh sống của họ từ ngày 28-9 tới, bổ sung vào danh sách trên 850.000 người đang phải thực hiện các biện pháp hạn chế tương tự hiện nay.
Theo Báo Tin tức