Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Đại học Johns Hopkins (Mỹ), số ca nhiễm mới Covid-19 ở châu Âu cao hơn so với ở Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hằng tuần để phối hợp chống Covid-19.
Thành phố Dortmund của Đức yêu cầu mọi người mang khẩu trang trên đường phố. Ảnh: AFP |
Hãng CNN dẫn thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy, số ca nhiễm mới ở 5 quốc gia bị ảnh hưởng Covid-19 nghiêm trọng nhất châu Âu (bao gồm Pháp, Anh, Nga, Tây Ban Nha và Hà Lan) cao hơn gần 42% so với số ca nhiễm mới ở Mỹ từ ngày 6-10 đến 13-10. Chẳng hạn, ngày 13-10, số ca nhiễm mới trung bình ở Mỹ là 49.500 ca, trong khi tại 5 nước châu Âu nói trên, con số này là 70.100 ca. Mỹ có 331 triệu dân, trong khi 5 quốc gia châu Âu này có tổng cộng 343 triệu dân.
CNN cũng nhận định, châu Âu đang ở giữa làn sóng thứ hai của Covid-19 hiện lan tràn khắp “lục địa già”. Ba Lan, Bỉ và Cộng hòa Czech chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh trong những tuần gần đây. Cụ thể, Ba Lan có gần 8.100 ca nhiễm mới vào ngày 15-10, tăng 24% so với ngày trước đó. Ngày 16-10, Ba Lan có 7.700 ca nhiễm mới và 132 ca tử vong - số ca tử vong do Covid-19 ở mức kỷ lục, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 3.400. Ba Lan hiện có tổng cộng hơn 157.600 ca nhiễm. Thủ tướng của quốc gia Trung Âu này, ông Mateusz Morawiecki, cũng phải cách ly sau khi tiếp xúc với một trường hợp nhiễm bệnh.
Tại Nga, các nhà chức trách ghi nhận hơn 15.000 ca nhiễm mới trong ngày 16-10, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 1,3 triệu. Trong 2 tuần qua, số ca nhiễm gia tăng ở Nga. Các quan chức nói rằng, chính phủ có thể bổ sung hành động để ứng phó với Covid-19 nhưng nên tránh lặp lại việc phong tỏa từng được áp đặt trong mùa xuân, thời điểm Nga có trung bình từ 10.000 - 11.000 ca nhiễm mỗi ngày. Ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, khẳng định với báo giới: “Hiện tình hình vẫn được kiểm soát”.
Trong khi đó, theo hãng Bloomberg, các nhà lãnh đạo châu Âu, từ London đến Berlin đang đối mặt với cảnh báo thực tế: phải áp đặt lệnh đóng cửa trở lại. Tình trạng đóng cửa đã được dỡ bỏ sau mùa hè vừa qua khi số ca nhiễm giảm hẳn trên khắp châu Âu. Nhưng giờ đây, làn sóng dịch bệnh bùng phát làm các chính phủ lo lắng. Chuyên gia kinh tế trưởng Christian Odendahl tại Trung tâm Cải cách châu Âu bày tỏ hy vọng sẽ kiểm soát được làn sóng thứ hai dễ dàng hơn vì các nước đã biết cách xác định và khống chế các điểm bùng phát dịch, cũng như duy trì vận hành nền kinh tế.
Song, cũng theo Bloomberg, các quan chức lo ngại biện pháp đóng cửa trong 2 tuần có thể không đủ để khống chế dịch. Hiện Pháp, Hà Lan đều áp đặt các lệnh hạn chế trong 4 tuần. Pháp triển khai 12.000 nhân viên cảnh sát nhằm tăng cường thực thi lệnh giới nghiêm ở Paris và 8 thành phố khác, có hiệu lực từ ngày 17-10. Chính phủ Hà Lan đóng cửa toàn bộ các bar, nhà hàng từ tối 14-10, hạn chế số quy mô các cuộc tụ tập và yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở các không gian chung ngay trong nhà. Thủ tướng Anh Boris Johnson đang “gặp khó” khi các biện pháp ứng phó với Covid-19 làm tỷ lệ ủng hộ ông giảm sút ở khu vực phía bắc xứ sở sương mù. Ngày 16-10, hạt Lancashire ở tây bắc nước Anh, áp đặt các lệnh hạn chế nghiêm ngặt sau khi chuyển sang mức cảnh báo cao nhất về Covid-19.
Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu, ông Hans Kluge, cho rằng tình hình dịch bệnh tại châu lục này gây ra mối lo ngại lớn. Theo Reuters, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thống nhất sẽ tổ chức họp trực tuyến hằng tuần nhằm tìm giải pháp phối hợp trong việc ứng phó với Covid-19. Trong những tháng đầu dịch bùng phát, 27 nước thành viên EU được cho là đã có những biện pháp khác nhau, thậm chí có lúc trái ngược nhau. Tại hội nghị thượng đỉnh EU ngày 16-10, Thủ tướng Ireland Micheal Martin nói rằng, sự phối hợp sẽ giúp các nước tìm ra biện pháp tốt nhất trước làn sóng thứ hai của đại dịch. Trong khi đó, theo Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, các cuộc họp trực tuyến định kỳ sẽ giúp thúc đẩy hợp tác trong việc truy vết, tiếp cận vắc-xin và điều trị.
PHÚC NGUYÊN