Châu Âu không sẵn sàng với làn sóng Covid-19 mới

.

Làn sóng Covid-19 thứ hai đang xảy ra ở châu Âu trước khi bắt đầu cúm mùa. Số ca nhiễm mới tại “lục địa già” đang gia tăng ở mức kỷ lục.  

Theo CNN, giới chức Pháp ngày 10-10 ghi nhận hơn 26.800 ca mắc Covid-19 mới và 54 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 718.800, tổng số ca tử vong là hơn 32.600. Một ngày trước đó, Pháp cũng ghi nhận hơn 20.300 ca nhiễm mới, đánh dấu số ca nhiễm mới vượt mốc 20.000/ngày.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Severo Ochoa ở Leganes, ngoại ô thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Ảnh: AP
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Severo Ochoa ở Leganes, ngoại ô thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Trong khi đó, báo The Independent dẫn lời các bộ trưởng Vương quốc Anh cảnh báo, tình hình Covid-19 ở các khu vực trung tâm của xứ sở sương mù “đang vượt kiểm soát”. Ngày 9-10, Anh ghi nhận hơn 17.000 ca nhiễm mới, gấp 3 lần số ca nhiễm trong một ngày của đợt dịch hồi tháng 4. Hiện Anh có tổng cộng hơn 550.000 ca nhiễm với các đợt bùng phát mới ở khu vực phía bắc và hơn 42.000 ca tử vong, khiến chính phủ phải có các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan.

  Bộ trưởng Lương hưu và Việc làm thuộc Công đảng đối lập, ông Jonathan Reynolds, ngày 11-10 cho rằng Thủ tướng Anh Boris Johnson không kiểm soát được khủng hoảng Covid-19 và nếu chính phủ đưa ra các lệnh hạn chế thì nên đi kèm với hỗ trợ tài chính bổ sung. Thủ tướng Johnson dự kiến công bố các biện pháp phòng dịch mới ở 3 cấp độ.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh trong ngành dịch vụ như quán rượu và nhà hàng có thể phải đóng cửa tạm thời. Mọi tiếp xúc xã hội ngoài người thân trong gia đình sẽ không được phép. Hiện Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland áp dụng các hệ thống y tế riêng biệt do chính quyền vùng đưa ra. Từ ngày 1-11, chính phủ Anh cũng sẽ trả 2/3 mức lương cho những nhân viên làm việc tại các công ty buộc phải đóng cửa trong giai đoạn phong tỏa. Việc chi trả này được tiến hành trong 6 tháng.

Hãng tin AP cho biết, Tây Ban Nha tuần qua đã công bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Madrid trong lúc căng thẳng gia tăng giữa các quan chức chính phủ và địa phương xung quanh các biện pháp kiểm soát dịch. Đức đang truy vết các ca nhiễm mới. Còn Ý bắt buộc mọi người mang khẩu trang khi ra đường, đồng thời cảnh báo đây là lần đầu tiên quốc gia này trở thành tâm dịch của châu Âu. Hệ thống y tế của Ý đối mặt với “những vấn đề nghiêm trọng” khi các bệnh viện hiện quá tải.

"Chúng ta không rút ra những bài học từ làn sóng đầu tiên. Chúng ta đang chạy theo đại dịch thay vì đi trước nó"

TS. Gilles Pialoux, Trưởng khoa
Truyền nhiễm tại Bệnh viện
Tenon ở Paris (Pháp)

Tại Cộng hòa Czech, các nhà chức trách cho biết có thêm hơn 8.600 ca nhiễm mới trong ngày 9-10, mức cao nhất ở nước này kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 109.000 ca, trong đó có 905 ca tử vong. Tuần qua, Thủ tướng Czech Andrej Babis xác nhận tình hình dịch rất nghiêm trọng và kêu gọi người dân không nên xem nhẹ mối đe dọa dịch bệnh mà cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. “Tôi phải khẳng định rõ tình hình không tốt”, Bộ trưởng Nội vụ Czech Jan Hamacek cũng nhấn mạnh.
Vấn đề đặt ra là các chính phủ đã không nắm bắt quãng thời gian dịch bệnh tạm lắng xuống trong mùa hè vừa qua để chuẩn bị các biện pháp ứng phó cần thiết cho đợt bùng phát Covid-19 thứ hai.

Theo AP, tuần qua, người dân ở thành phố Rome (Ý) xếp hàng chờ từ 8-10 tiếng đồng hồ để được xét nghiệm Covid-19. Trong khi đó, ca làm việc của các y bác sĩ ở tuyến đầu từ Kiev (Ukraine) đến Paris (Pháp) phải kéo dài hơn. “Đến lúc phải đầu tư việc phòng ngừa dịch, nhưng điều này không được thực hiện”, bà Margarita del Val - chuyên gia miễn dịch ở Trung tâm Sinh học phân tử Severo Ochoa tại Tây Ban Nha nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tỷ lệ mắc Covid-19 ở châu Âu tăng cao do việc xét nghiệm được thực hiện nhiều hơn so với đợt dịch đầu tiên. Tỷ lệ lây nhiễm đang được báo động, nhất là khi cúm mùa chưa bắt đầu, các trường học vẫn mở cửa và người châu Âu vẫn đổ ra đường thay vì ở trong nhà. Về số ca nhiễm mới ở châu Âu, ông Robb Butler - Giám đốc điều hành Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu lục này nhấn mạnh: “Chúng ta chứng kiến 98.000 ca trong vòng 24 giờ. Đây là kỷ lục mới ở khu vực. Điều này rất đáng báo động”.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.