Ngày 15-10, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) gây áp lực buộc Anh phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán Brexit, đặc biệt là trong 3 lĩnh vực: ngư nghiệp, cạnh tranh công bằng và giải quyết tranh chấp.
Theo hãng tin Reuters, 3 lĩnh vực gây tranh cãi nói trên là chướng ngại vật chính để Anh và EU đạt được thỏa thuận thương mại có hạn chót vào cuối năm nay. Hãng Reuters dẫn lời một quan chức EU cho biết, những tiến triển tốt trong đối thoại giữa Anh và EU thời gian qua vẫn “chưa đủ tốt”, không thể nói rằng hai bên đang gần đạt được thỏa thuận.
Lãnh đạo 27 quốc gia EU dự kiến sẽ triển khai các kế hoạch dự phòng một “cuộc chia tay” đột ngột nếu không đạt được thỏa thuận thương mại với Anh đúng kỳ hạn. Chậm nhất là vào đầu tháng 11 tới, Anh và EU phải đạt được thỏa thuận để Nghị viện châu Âu có thời gian phê chuẩn.
Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 15-10 (giờ Brussels) - thời hạn chót mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt ra để đạt một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU. Sau thời hạn này, nếu không đạt thỏa thuận, Anh sẽ có một thỏa thuận “theo kiểu Úc với EU”, tức là giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Sau nhiều tháng đối thoại, Anh và EU đã thu hẹp khoảng cách trong các vấn đề từ năng lượng đến phúc lợi. Song, đối với ngư nghiệp, EU cảnh báo sẽ không để đến cuối cùng mới giải quyết vấn đề này, đồng thời khẳng định ngư nghiệp phải là một phần trong một thỏa thuận lớn hơn, cùng với những vấn đề như quan hệ năng lượng hay dịch vụ tài chính.
Bên cạnh đó, hai bên vẫn còn nhiều khoảng cách trong cạnh tranh bình đẳng, bao gồm các tiêu chuẩn xã hội, lao động, môi trường cũng như viện trợ nhà nước. Anh muốn có thể tự do điều chỉnh các khoản trợ cấp doanh nghiệp trong tương lai, trong khi EU tìm cách cố định các nguyên tắc chung. Nếu Anh không đồng ý, EU cho biết xứ sở sương mù sẽ không thể tiếp cận thị trường 450 triệu dân của khối này.
KHANG NINH