Châu Âu đối mặt "6 tháng khó khăn" vì Covid-19

.

Một lần nữa châu Âu trở thành “tâm chấn” của đại dịch Covid-19 cùng với Mỹ. Hầu hết các quốc gia ở “lục địa già” áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn virus lây lan nhưng số ca nhiễm vẫn không ngừng gia tăng.

Báo The Independent của Anh dẫn lời ông Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu cảnh báo, châu lục này phải chuẩn bị “6 tháng khó khăn” sắp tới trong lúc đối mặt với làn sóng Covid-19.

Cứ 17 giây thì có 1 ca tử vong

Ông Kluge dẫn chứng: châu Âu ghi nhận hơn 29.000 ca tử vong mới trong tuần qua, tăng 18% so với tuần trước đó. Còn Mỹ ghi nhận 8.720 ca tử vong trong tuần qua, theo thống kê của báo New York Times, nghĩa là số ca tử vong ở châu Âu cao gấp 3 lần ở Mỹ trong một tuần.
Châu Âu hiện có tổng cộng hơn 15,7 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 354.000 ca tử vong, lần lượt chiếm 28% và 26% của toàn cầu. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Copenhagen (Đan Mạch), ông Kluge nói: “Châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch, cùng với Mỹ”, đồng thời phân tích rằng cứ 17 giây thì có một ca tử vong do Covid-19 ở châu Âu.

Các nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 ở thủ đô Moscow, Nga.  Ảnh: Bloomberg, Getty Images
Các nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 ở thủ đô Moscow, Nga. Ảnh: Bloomberg, Getty Images

Anh chịu tác động nghiêm trọng nhất, thậm chí ghi nhận hơn 50.000 ca tử vong trong tuần qua, mức kỷ lục nhất trong một tuần so với các nước khác ở “lục địa già”. Pháp hiện có số ca nhiễm cao nhất châu lục, với hơn 2,1 triệu ca. Ông Kluge bày tỏ quan ngại về tình hình ở Pháp và Thụy Sĩ khi các cơ sở y tế ở hai quốc gia này đang có nguy cơ quá tải.

Tại Nga, các nhà chức trách ngày 20-11 thông báo có thêm hơn 24.300 ca nhiễm; trong đó, 6.900 ca ở thủ đô Moscow, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên hơn 2 triệu. Giới chức y tế Nga cũng ghi nhận thêm 461 ca tử vong, nâng số ca tử vong lên hơn 35.300. Nhiều khu vực ở Nga đang thiếu giường bệnh, nhân viên và trang thiết bị y tế.

Tại Đức, Viện Robert Koch - cơ quan về bệnh truyền nhiễm ngày 20-11 cho hay, có thêm hơn 23.600 ca nhiễm mới, 260 ca tử vong. Theo đó, Đức hiện có hơn 879.000 ca nhiễm và 13.600 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm mới có cả trẻ em và điều này làm dấy lên những tranh cãi về việc nước này vẫn mở cửa các trường học.

Một mùa Giáng sinh buồn

Nhiều quốc gia đã áp đặt lại lệnh phong tỏa từ tháng 11 này với hy vọng có thể sớm khống chế dịch bệnh để mở cửa lại nền kinh tế trước khi bước vào mùa lễ hội cuối năm. Song, việc mở cửa trở lại sớm có thể gây ra làn sóng Covid-19 mới với những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, các nền kinh tế châu Âu có thể sẽ đón một mùa Giáng sinh buồn.

Báo The Independent dẫn lời ông Kluge đề cập các loại vắc-xin ngừa Covid-19 được phát triển trong thời gian gần đây đầy hứa hẹn như loại do các hãng Oxford, Pfizer - BioNTech, Sputnik và Moderna phát triển. “Có ánh sáng cuối đường hầm, nhưng 6 tháng tới sẽ vẫn là quãng thời gian khó khăn”, vị quan chức của WHO nhấn mạnh.

Các nhà sản xuất loại vắc-xin thứ hai của Nga để ngừa Covid-19 ngày 20-11 cho biết sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2021. Tuần trước, Nga thông báo loại vắc-xin đầu tiên có tên Sputnik V đạt hiệu quả 92% và khoảng 50.000 liều sẽ được sản xuất trong tháng 11 này. Các thử nghiệm sau đăng ký đối với loại vắc-xin thứ hai có tên EpiVacCorona đang được tiến hành. Nhà dịch tễ học Antonina Ploskireva tại Cơ quan giám sát sức khỏe người tiêu dùng Rospotrebnadzor ngày 20-11 thúc giục mọi người tiếp tục tuân thủ các quy định giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, găng tay.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, nói rằng có thể EU sẽ phê duyệt 2 loại vắc-xin của Pfizer - BioNTech và Moderna trước thời điểm cuối năm nay. Hai loại vắc-xin này đang trải qua những quá trình thử nghiệm cuối cùng và cho kết quả tốt. Theo đó, Cơ quan Dược phẩm châu Âu sẽ cấp giấy phép sớm nhất vào nửa cuối tháng 12-2020.

Theo hãng Reuters, hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc vào tối 19-11 nhưng các nhà lãnh đạo không tìm được tiếng nói chung về kế hoạch ngân sách và phục hồi kinh tế trị giá 1.800 tỷ euro.

Ba Lan và Hungary đã bác bỏ cơ chế gắn việc nhận tiền từ kế hoạch phục hồi với các nguyên tắc pháp quyền của khối. Theo cơ chế này, một quốc gia có thể bị từ chối tiếp cận các khoản tiền hỗ trợ nếu bị cho là làm suy yếu các chuẩn mực dân chủ, tự do truyền thông, hoặc không bảo đảm tính độc lập của cơ quan tư pháp. Nếu kế hoạch nói trên không được EU thông qua, các doanh nghiệp và lao động ở châu Âu sẽ chưa thể tiếp cận với nguồn hỗ trợ. Nền kinh tế của khối các nước sử dụng chung đồng tiền châu Âu (Eurozone) được dự báo sẽ giảm 2,5% trong quý 4 năm 2020.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.