Thế giới nỗ lực tìm vắc-xin ngừa Covid-19

.

Trong vòng 12 tháng kể từ khi xảy ra Covid-19, thế giới có tổng cộng hơn 56,1 triệu ca nhiễm và 1,3 triệu ca tử vong, nhưng vẫn chưa chính thức có vắc-xin phòng ngừa hiệu quả.

Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang trên đường phố Tokyo để phòng ngừa lây nhiễm Covid-19. Nhật Bản ngày 18-11 ghi nhận thêm hơn 2.200 ca nhiễm mới, riêng thủ đô Tokyo có 493 ca. Ảnh: AP
Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang trên đường phố Tokyo để phòng ngừa lây nhiễm Covid-19. Nhật Bản ngày 18-11 ghi nhận thêm hơn 2.200 ca nhiễm mới, riêng thủ đô Tokyo có 493 ca. Ảnh: AP

Thế giới biết đến Covid-19 kể từ tháng 1-2020 khi các nhà khoa học Trung Quốc xác nhận về một chủng mới của virus Corona mang tên 2019-nCoV. Song, theo báo South China Morning Post, thống kê của chính phủ Trung Quốc cho thấy, ca mắc Covid-19 đầu tiên có thể xuất hiện từ ngày 17-11-2019, “bệnh nhân số 0” là người đàn ông 55 tuổi sống ở tỉnh Hồ Bắc. Thế nhưng, đến ngày 8-12-2019, trường hợp “viêm phổi lạ” này mới được ghi nhận. Tháng 3-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Mỹ hiện có hơn 150.000 ca nhiễm mới mỗi ngày

Theo báo South China Morning Post, thế giới có tổng cộng hơn 56,1 triệu ca mắc Covid-19 và 1,3 triệu ca tử vong. Điều đó cho thấy sự lây lan khủng khiếp của dịch bệnh. Trong đó, Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thống kê của Đại học John Hopkins cho hay, các nhà chức trách Mỹ ngày 18-11 ghi nhận thêm hơn 170.000 ca nhiễm và 1.800 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lên lần lượt là 11,5 triệu và 250.500. Đặc biệt, suốt một tuần qua, số ca nhiễm mới theo ngày ở Mỹ luôn trên mức 150.000 ca.

Tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng khiến ngày càng nhiều bang và địa phương ở Mỹ áp đặt các biện pháp hạn chế hoạt động kinh tế và xã hội để ngăn chặn làn sóng lây lan có thể xảy ra sau kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn vào tuần tới. Thành phố New York - vùng tâm dịch của Mỹ trong những tháng đầu năm - đóng cửa các trường công lập từ ngày 19-11.

Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, nhưng đứng đầu châu Á, với tổng cộng gần 9 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 131.600 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 thế giới, nhưng đứng đầu khu vực Nam Mỹ, với gần 6 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 167.400 ca tử vong.

Ở châu Á, hãng Reuters cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ngày 19-11 cho biết, nước này đang trong trạng thái “cảnh giác cao nhất” trước Covid-19 sau khi giới chức y tế ghi nhận số ca nhiễm mới ở nước này lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Cụ thể, theo Kyodo News, ngày 18-11, Nhật Bản có thêm hơn 2.200 ca nhiễm mới, riêng thủ đô Tokyo có 493 ca. Việc gia tăng số ca nhiễm có thể dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp trong bối cảnh Tokyo đang chuẩn bị tổ chức Olympics mùa hè năm 2021.

Trong khi đó, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc ngày 19-11 ghi nhận thêm 343 ca nhiễm mới, trong đó có 293 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 29.600.

Hy vọng về vắc-xin

Tuần trước, thông tin về vắc-xin ngừa Covid-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNtech (Đức) phối hợp sản xuất cho hiệu quả hơn 90% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối mang lại những hy vọng rằng, thế giới sắp có giải pháp hữu hiệu để phòng dịch. Pfizer cũng bắt đầu chương trình tiêm chủng tại 4 bang của Mỹ gồm: Rhode Island, Texas, New Mexico và Tennessee. Đến ngày 18-11, Pfizer thông báo kết quả thử nghiệm cuối cùng loại vắc-xin ngừa Covid-19 hãng này cho hiệu quả đến 95%.

Tập đoàn dược phẩm Mỹ Moderna cũng công bố loại vắc-xin mang lại hiệu quả hơn 94,5%. Như vậy, Mỹ có hai mẫu vắc-xin an toàn, hiệu quả cao, có thể sẽ được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép trong một vài tuần tới. Liên minh châu Âu (EU) và Anh đang tiến hành đàm phán với Moderna để bảo đảm nguồn vắc-xin trong lúc dịch bệnh diễn ra phức tạp ở “lục địa già”.

Theo AFP, Trung Quốc cũng đang nỗ lực tìm kiếm vắc-xin ngừa Covid-19. Hiện nước này có tổng cộng 5 loại vắc-xin thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3  trên người.

Tháng 4 vừa qua, WHO đã thành lập Cơ chế tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX) nhằm bảo đảm việc phân bổ vắc-xin hợp lý giữa các nước giàu và các nước nghèo.

Tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 18-11, TS. Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, cảnh báo, thế giới sẽ tiếp tục đương đầu với làn sóng Covid-19 thứ hai mà không có vắc-xin. Vị quan chức của WHO cho rằng, không nên xem vắc-xin là liều thuốc nhiệm màu cho cuộc chiến chống Covid-19 hiện tại và không nên quá kỳ vọng vắc-xin sẽ thay thế các biện pháp giãn cách xã hội khác. Thực tế, thế giới vẫn chưa có một loại vắc-xin ngừa Covid-19 nào chính thức được cấp phép.

PHÚC KHANG

;
;
.
.
.
.
.