Chưa hết hy vọng về thỏa thuận khí hậu

.

Nếu trở thành tổng thống Mỹ, ông Joe Biden có thể sẽ đảo ngược quyết định của ông Donald Trump, đưa cường quốc này tham gia trở lại thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cam kết giảm mạnh lượng khí thải.

Những cuộc biểu tình đã diễn ra nhằm phản đối việc Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu. Ông Trump có ý định rút khỏi thỏa thuận Paris từ năm 2017 và đến nay Mỹ chính thức rời thỏa thuận này. Ảnh: Getty Images
Những cuộc biểu tình đã diễn ra nhằm phản đối việc Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu. Ông Trump có ý định rút khỏi thỏa thuận Paris từ năm 2017 và đến nay Mỹ chính thức rời thỏa thuận này. Ảnh: Getty Images

Trang The Hill, trang web tin tức của Mỹ, cho biết các chuyên gia bảo vệ môi trường rất lạc quan đối với chương trình nghị sự về khí hậu của ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ, ông Joe Biden, nhất là khi vị chính trị gia 78 tuổi phát biểu về chủ đề này trước và sau bầu cử.

“Trong 77 ngày, chính phủ của Biden sẽ tham gia trở lại”

Ngày 4-11, trong lúc cuộc đua vào Nhà Trắng diễn ra căng thẳng, Mỹ là quốc gia đầu tiên chính thức từ chối tham gia thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trong tổng số 197 nước đã ký hiệp định này. Song, trên Twitter, ông Biden lúc đó cam kết sẽ tham gia trở lại thỏa thuận Paris ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống. “Hôm nay, chính phủ của ông Trump chính thức rời khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Và trong chính xác 77 ngày, chính phủ của Biden sẽ tham gia trở lại”, ông Biden viết.

Ngày 7-11, khi các hãng truyền thông của Mỹ đồng loạt đăng thông tin ông Biden vượt mốc 270 phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống, ông đã phát biểu, trong đó nhấn mạnh “cuộc chiến cứu khí hậu” là một trong 5 ưu tiên hàng đầu của mình. Ông Biden từng đề xuất kế hoạch trị giá 1.700 tỷ USD tập trung vào năng lượng sạch, việc làm xanh và không phát thải ròng vào năm 2050. Song, kế hoạch của ông bị cho là thiếu các chi tiết chính sách về giải quyết biến đổi khí hậu.

Theo báo The Guardian, Tổng thống Donald Trump có ý định rút khỏi thỏa thuận Paris từ năm 2017, cho rằng thỏa thuận tạo ra gánh nặng kinh tế không công bằng cho nước Mỹ. Tháng 11-2019, ông Trump khởi động tiến trình rút khỏi thỏa thuận, làm dấy lên lo ngại về tương lai của “hành tinh xanh”.

Đến ngày 4-11-2020, Mỹ chính thức không còn là thành viên của thỏa thuận này. Mỹ hiện là quốc gia có lượng khí thải nhà kính lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc. Vì vậy, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ gây tổn hại tới môi trường và nỗ lực chung của các nước trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

COP26 diễn ra ở Scotland vào năm 2021

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015 yêu cầu các nước trên thế giới kiềm hãm tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 - 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện Trái đất đã ấm lên trung bình 1 độ C. Năm ngoái, riêng ở Mỹ, tình trạng biến đổi khí hậu đã diễn ra tác động đến cuộc sống của mọi người dân, với nhiều đợt nắng nóng hơn, cháy rừng dữ dội, những cơn bão có cường độ mạnh hơn; thêm vào đó là nước biển dâng và hạn hán.

Báo The Guardian dẫn lời ông Pete Betts, từng là nhà đàm phán hàng đầu về khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh rằng, toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục hành động với tốc độ chậm hơn khi không có sự tham gia của Mỹ. Song, theo ông, nếu Mỹ tái gia nhập trở lại thì có thể gây áp lực cho các đồng minh như Nhật Bản, Canada và Úc. Ông Biden nếu tiếp quản Nhà Trắng thì có thể sẽ làm việc với EU và Trung Quốc để đặt ra mục tiêu giảm khí thải lớn hơn.

Trong lúc đó, Văn phòng của Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10-11 cho biết, nhà lãnh đạo này đã mời ông Biden tham dự hội nghị của Liên Hợp Quốc về khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow (Scotland) vào năm 2021. COP26 sẽ là dịp để các quốc gia, nhất là những nước có lượng thải carbon lớn, hành động trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo BBC, chủ trì hội nghị ở Glasgow, chính phủ Anh muốn mỗi nước đều đưa ra cam kết cắt giảm khí thải ở mức khó hơn so với mục tiêu hồi năm 2015, đồng thời muốn nhiều quốc gia cam kết đưa lượng khí thải về mức 0 vào năm 2050. Sự trở lại của Mỹ (dưới thời ông Biden) được cho là có thể giúp đạt được cả hai mục tiêu này. Tuy nhiên, sẽ không dễ để ông Biden hành động vì vấp phải những bất đồng trong chính nội bộ đảng Dân chủ về kế hoạch chống biến đổi khí hậu và sẽ càng khó khăn hơn nếu đảng Cộng hòa nắm giữ Thượng viện.

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết vào tháng 12-2015 và có hiệu lực vào tháng 11-2016. Ông Patricia Espinosa, Tổng Thư ký tại Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi Khí hậu (UNFCCC), cho biết Mỹ sẽ vẫn tham gia UNFCCC và cơ quan này luôn sẵn sàng hỗ trợ Washington gia nhập lại thỏa thuận bất kỳ lúc nào.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.