Nước Mỹ xoay xở ứng phó Covid-19

.

Mỹ đã vượt mốc 11 triệu ca mắc Covid-19 sau khi ghi nhận thêm 1 triệu ca nhiễm mới chỉ trong gần 1 tuần. Đây là tốc độ lây nhiễm nhanh nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát.

Nhiều bang ở Mỹ đang áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Ảnh: AP
Nhiều bang ở Mỹ đang áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Ảnh: AP

Hãng CNN cho biết, ngày 15-11, Mỹ ghi nhận hơn 133.000 ca nhiễm mới, đánh dấu ngày thứ 13 liên tiếp cường quốc này có hơn 100.000 ca nhiễm mới. Theo đó, số ca nhiễm đã vượt mốc 11 triệu.

6 ngày, 1 triệu ca nhiễm mới

Cách đây gần 1 tuần (ngày 9-11), Mỹ có hơn 10 triệu ca mắc Covid-19. Như vậy, chỉ trong 6 ngày, Mỹ có khoảng 1 triệu ca nhiễm mới. Hãng tin AFP cho rằng, đây là tốc độ lây nhiễm nhanh nhất kể từ khi Mỹ phát hiện trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 vào ngày 20-1 và mức lây nhanh đang diễn ra chóng mặt trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình tập trung đông người sau bầu cử.

Cũng trong ngày 15-11, các nhà chức trách Mỹ thông báo có thêm 616 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 246.200. Cả số ca nhiễm lẫn số ca tử vong của cường quốc này đều đứng đầu thế giới.
Thống kê của Reuters còn cho hay, từ đầu tháng 11 đến nay, 40 bang của Mỹ đã chứng kiến số ca nhiễm mới ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát; 20 bang có số ca tử vong mỗi ngày ở mức cao nhất và 26 bang có số ca nhập viện cao nhất kể từ đầu dịch. Mỹ đang trải qua làn sóng thứ ba của dịch bệnh và được cho là nghiêm trọng nhất.

Trong khi đó, theo hãng tin AP, nhiều thành phố lớn và các bang của Mỹ đang thực hiện các biện pháp hạn chế mới để ngăn dịch bệnh lây lan. Ngày 15-11 (giờ Mỹ), Michigan và Washington là những bang mới nhất công bố các biện pháp hạn chế hoạt động để phòng, chống Covid-19.

Thống đốc Michigan, bà Gretchen Whitmer, yêu cầu ngừng giảng dạy trực tiếp tại các trường trung học phổ thông và đại học trong 3 tuần kể từ ngày 18-11; đóng cửa các nhà hàng và một số cơ sở giải trí; cấm các sự kiện tổ chức trong nhà; ngừng hoạt động của các phòng tập thể hình, các lớp tập thể thao…

Lệnh cấm nói trên dù kéo dài 3 tuần nhưng không yêu cầu người dân ở yên trong nhà; không ngừng hoạt động các cửa hàng bán lẻ, tiệm cắt tóc; không ngừng các phương tiện công cộng, cơ sở sản xuất hay trường học từ cấp 2 trở xuống. Trong cuộc họp báo tối 15-11, bà Whitmer nói: “Chúng ta đang trong thời điểm nghiêm trọng nhất của đại dịch. Tình hình chưa bao giờ tồi tệ như thế. Chúng ta đang ở đỉnh dịch và chúng ta cần hành động”. Theo bà Whitmer, nếu không hành động quyết liệt, số ca tử vong ở bang Michigan có thể sớm chạm mốc 1.000 ca/tuần. Đến nay, Michigan có hơn 250.000 ca mắc Covid-19 và gần 8.000 ca tử vong.

Thống đốc bang Washington, ông Jay Inslee, cũng thông báo về hầu hết các quy định hạn chế mới trên diện rộng sẽ có hiệu lực từ 23 giờ 59 ngày 16-11 (giờ địa phương) và kéo dài trong vòng 1 tháng. Theo đó, chính quyền bang cấm các hoạt động tập trung trong nhà, giới hạn tối đa 5 người đối với các hoạt động tụ tập ngoài trời. Các hoạt động tôn giáo và bán lẻ tại cửa hàng bị giới hạn ở mức 25% sức chứa.

Các bang Texas và California, mỗi bang đều có hơn 1 triệu ca nhiễm. Texas đã hủy bỏ các sự kiện thể thao, còn California - bang đông dân nhất - áp đặt lệnh người dân phải ở trong nhà. North Dakota trở thành bang thứ 35 yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Bang Iowa cũng yêu cầu mọi người đeo khẩu trang trong một số trường hợp nhất định. Bang New York đang thực hiện lệnh giới nghiêm kể từ 22 giờ hằng ngày ở các bar, nhà hàng, phòng tập thể thao…

Chạy đua nước rút để tìm vắc-xin

Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, ông Joe Biden, ủng hộ việc tất cả mọi người đeo khẩu trang. Ngày 15-11, ông Ron Klain - thành viên trong đội ngũ cố vấn chiến dịch của ông Biden thúc giục Quốc hội nhanh chóng thông qua luật cứu trợ Covid-19 với một số biện pháp hạn chế nhất định để ngăn dịch lan rộng. Ê-kíp của ông Biden dự kiến gặp gỡ Pfizer - hãng dược vừa công bố thông tin thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 giai đoạn cuối cho thấy hiệu quả lên tới 90%. Thông tin về vắc-xin của hãng này mang lại hy vọng cho thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19, đại dịch đã làm hơn 54 triệu người trên toàn cầu nhiễm bệnh.

Các cuộc chạy đua nước rút để sớm tìm ra vắc-xin ngừa Covid-19 hiệu quả đang tiếp tục được đẩy mạnh. Theo Reuters, Công ty Johnson & Johnson ngày 16-11 bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối quy mô lớn mới với vắc-xin 2 liều. Thử nghiệm diễn ra ở Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Colombia, Philippines, Nam Phi và Tây Ban Nha.

PHÚC NGUYÊN

Hãng Fox News dẫn lời bác sĩ Vivek Murthy, đứng đầu nhóm Covid-19 của ứng cử viên Tổng thống Joe Biden phát biểu rằng, việc số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt rất đáng báo động nhưng phong tỏa cả nước sẽ là “biện pháp cuối cùng” được tính đến. Trong khi đó, bác sĩ Michael Osterholm - cố vấn của ông Biden - đề xuất nước Mỹ nên đóng cửa toàn bộ nền kinh tế trong 4-6 tuần.

 

;
;
.
.
.
.
.