Châu Âu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19

.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen gọi việc triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 là “thời khắc đoàn kết” trong cuộc chiến bảo vệ gần 450 triệu dân của khối này khi đối mặt với khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất thế giới.

Thủ đô London và khu vực đông nam nước Anh được áp đặt lệnh hạn chế cấp 4 - mức cao nhất, tương đương với phong tỏa. Ảnh: PA/AP
Thủ đô London và khu vực đông nam nước Anh được áp đặt lệnh hạn chế cấp 4 - mức cao nhất, tương đương với phong tỏa. Ảnh: PA/AP

Hãng tin Reuters cho biết, ngày 27-12, châu Âu bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 xuyên biên giới với quy mô lớn chưa từng có. Đây là một phần trong nỗ lực chống lại đại dịch Covid-19 đang làm hơn 80 triệu người nhiễm và 1,7 triệu người tử vong trên toàn cầu. Châu Âu đã ký hợp đồng với hàng loạt nhà cung cấp vắc-xin để bảo đảm có hơn 2 triệu liều và đặt mục tiêu tiêm cho tất cả mọi người ở “lục địa già” trong năm 2021.

Chìa khóa để chấm dứt đại dịch

Hungary và Slovakia là các quốc gia đầu tiên ở châu Âu tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 vào ngày 26-12. Đến ngày 27-12, các quốc gia khác, trong đó có Pháp, Đức, Ý, Áo, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha triển khai tiêm loại vắc-xin do hãng Pfizer/BioNTech sản xuất cho nhân viên y tế. Pháp kỳ vọng trong hai tháng đầu năm 2021, khoảng 1 triệu người tại các viện dưỡng lão sẽ được tiêm vắc-xin; từ tháng 3 đến tháng 6-2021, khoảng 14-15 triệu người sẽ được tiêm phòng. Đến nay, Pháp có tổng cộng hơn 2,5 triệu ca nhiễm và 62.500 ca tử vong.

Hãng tin AP dẫn thông tin từ Bộ Y tế Tây Ban Nha cho hay, trong vòng 12 tuần tới, chính phủ nước này sẽ tiếp nhận khoảng 4,5 triệu liều vắc-xin của Pfizer/BioNTech, đủ để tiêm phòng cho khoảng 2,3 triệu dân. Tây Ban Nha có tổng cộng 1,8 triệu ca nhiễm và 49.800 ca tử vong. Tại Bồ Đào Nha, gần 10.000 liều vắc-xin được chuyển đến 5 bệnh viện lớn. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha Marta Temido gọi đây là cột mốc lịch sử - một ngày quan trọng sau một năm khó khăn. “Cánh cửa hy vọng đang mở ra, nhưng đừng quên phía trước vẫn là cuộc chiến cực kỳ gian nan”, bà Temido nhấn mạnh. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng, vắc-xin là chìa khóa then chốt để chấm dứt đại dịch và cũng là chìa khóa để mọi người trở lại với cuộc sống, nhưng quá trình tiêm chủng cho toàn bộ người dân sẽ là nỗ lực dài hơi.

Chính phủ Đức dự kiến phân phối hơn 1,3 triệu liều vắc-xin cho các cơ quan y tế địa phương từ nay đến cuối năm sau để mọi người dân được tiếp cận miễn phí. Từ tháng 1-2021, Đức sẽ phân phối khoảng 700.000 liều vắc-xin/tuần. Tại Ý, vắc-xin được cung cấp miễn phí, những người đầu tiên tiêm phòng là nhân viên y tế và người cao tuổi. Tuần qua, quốc gia Nam Âu này là nước thứ 8 trên thế giới có số ca mắc Covid-19 vượt qua mốc 2 triệu. Ý có gần 71.000 ca tử vong, mức cao nhất ở châu Âu và cao thứ 5 thế giới.

Tiếp cận bình đẳng vắc-xin ngừa Covid-19

Bên ngoài EU, Anh, Thụy Sĩ và Serbia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 trong những tuần gần đây. Các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhận định, việc tiến hành tiêm chủng quy mô lớn ở châu lục này là cơ hội tốt nhất để cuộc sống sẽ trở lại bình thường vào năm tới. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen viết trên Twitter: “Chúng ta bắt đầu qua khỏi một năm khó khăn. Vắc-xin là cách lâu dài để vượt qua đại dịch”.

Theo Reuters, các chính phủ châu Âu vốn bị chỉ trích đã không cùng nhau ứng phó với với đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 nên mới để dẫn đến làn sóng thứ hai, làn sóng thứ ba. Vì vậy, mục tiêu đặt ra trong lúc này là phải bảo đảm toàn khu vực được tiếp cận bình đẳng vắc-xin ngừa Covid-19. Hiện châu Âu ghi nhận ít nhất 16 triệu ca nhiễm và hơn 336.000 ca tử vong. Song, các chuyên gia cho rằng, những con số thực tế còn cao hơn thế.

Dự kiến đến ngày 6-1-2021, Cơ quan Y tế châu Âu sẽ xem xét phê chuẩn loại vắc-xin thứ hai do hãng Moderna (Mỹ) sản xuất, mở ra hy vọng sớm kiểm soát được Covid-19 tại khu vực đang là tâm dịch của thế giới.

Chúng ta bắt đầu qua khỏi một năm khó khăn. Vắc-xin là cách lâu dài để vượt qua đại dịch”

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết trên Twitter

Covid-19 chưa phải là đại dịch cuối cùng

Trong một video được phát đánh dấu Ngày thế giới phòng chống đại dịch (27-12), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, Covid-19 chưa phải là đại dịch cuối cùng của nhân loại, nỗ lực để ngăn ngừa đại dịch trong tương lai sẽ thất bại nếu không giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ động vật. “Lịch sử cho chúng ta biết rằng đây không phải là đại dịch cuối cùng. Dịch bệnh là một phần của cuộc sống”, hãng AFP dẫn lời ông Tedros nói.

Theo AFP, người đứng đầu WHO cho rằng, đã đến lúc rút ra những bài học từ Covid-19; đồng thời kêu gọi các nước đầu tư nguồn lực, sẵn sàng ngăn chặn, phát hiện, giảm thiểu số ca nhiễm, tích cực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.