Covid-19 tới 6 giờ sáng 29-12: Thế giới trên 81,5 triệu người mắc bệnh; Châu Âu bắt đầu tiêm vaccine

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 409.152 trường hợp mắc Covid-19 và 8.029 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 81,5 triệu người.

Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Guadalajara, Tây Ban Nha ngày 27-12-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Guadalajara, Tây Ban Nha ngày 27-12-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29-12 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 81.583.025 ca, trong đó có 1.779.900 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 57.676.493 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 22.126.632 ca và 105.509 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 28-12, thế giới có tới 137 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 97 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ, Nga và Anh, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong dịp đón Năm mới 2021.

Với tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên tới hơn 19,72 triệu ca, trong đó có khoảng 342.700 ca tử vong, Mỹ hiện là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Số ca nhiễm tại Mỹ đã lên tới 19.723.648 ca. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 10.210.536 ca nhiễm và 147.982 ca tử vong, Brazil với 7.504.833 ca nhiễm và 191.570 ca tử vong.

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi có thêm nhiều nước phát hiện các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên gọi VUI-202012/01 đang lây lan nhanh tại Anh, trong đó có Canada, Na Uy, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc và mới đây nhất là Nam Phi và Sri Lanka....

Ngày 28-12, Sri Lanka đã đón những du khách đầu tiên sau 9 tháng đóng cửa chống sự lây lan của dịch Covid-19. Mặc dù vẫn đóng cửa biên giới với hầu hết các nước, nhưng ngoài một số chuyến bay đón công dân hồi hương, Sri Lanka vẫn mở cửa cho một số chặng bay được giới chức nước này cho phép. Chuyến bay với 185 hành khách đến từ Ukraine đã được phép hạ cánh tại một sân bay nhỏ ở phía Nam Columbo, thành phố vẫn đang bị áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.

Giới chức Sri Lanka hy vọng những chuyến bay từ Ukraine sẽ mang những du khách đầu tiên trong hàng nghìn người nước ngoài tới du lịch tại đảo quốc đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là ngành "công nghiệp không khói", một trong những trụ cột của nền kinh tế.

Tuy nhiên, du khách đến Sri Lanka, ngoài giấy tờ tùy thân bắt buộc, phải có chứng nhận xét nghiệm virus SRAS-CoV-2 trước khi nhập cảnh và phải xét nghiệm lại tại sân bay quốc tế Rajapaksa.

Nhiều nước trên thế giới đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Ngày 27-12, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai tiêm chủng vaccine Pfizer/BioNTech do Mỹ và Đức phối hợp bào chế.

Chiến dịch được khởi động một ngày sau khi tất cả các quốc gia thành viên nhận được lô hàng vaccine đầu tiên kể từ khi được Ủy ban châu Âu (EC) chấp thuận. Những đối tượng nằm trong diện ưu tiên được tiêm chủng lần này là người cao tuổi và nhân viên y tế.

Trong khi đó, người phát ngôn của EC thông báo đến tháng 9-2021, EU sẽ hoàn tất việc phân phối 200 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech ngừa Covid-19. Hiện EU đang tiến hành các cuộc đàm phán để nhận thêm 100 triệu liều vaccine theo hợp đồng đã ký kết với 2 công ty trên.

Ngày 28-12, Cơ quan thống kê của LB Nga - Rosstat cho biết hơn 186.000 người tại nước này đã tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, số liệu lớn hớn nhiều so với thông báo trước đó cùng ngày.

Theo Rosstat, số ca tử vong do tất cả các nguyên nhân được ghi nhận từ tháng 1 đến tháng 11-2020 đã tăng 229.700 ca so với năm trước, trong đó 81% số ca tử vong trong thời kỳ này có thể quy cho Covid-19. Điều này có nghĩa là khoảng 186.000 người Nga đã tử vong do SARS-CoV-2.

Trước đó, LB Nga thông báo đã ghi nhận thêm 27.787 người mắc Covid-19 tại 84 chủ thể liên bang, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên 3.078.035 người. Cũng theo thông báo này, 24 giờ qua tại Nga có 487 trường hợp tử vong, nâng tổng số người tử vong tính đến 28-12 lên 55.265 người, đồng thời có thêm 20.480 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện lên 2.471.309 người.

Cũng trong ngày 28-12, Trung tâm đối phó với đại dịch Covid-19 của Nga cho biết nước này đã kéo dài lệnh ngừng hoạt động vận tải hàng không với Vương quốc Anh cho đến hết ngày 12-1. Thông báo viết: "Trung tâm đã quyết định kéo dài thời hạn tạm ngừng hoạt động hàng không với Vương quốc Anh. Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, các hạn chế được gia hạn đến 23h59 đêm 12-1-2021".

Tại châu Á, Hàn Quốc và Singapore đang nỗ lực khởi động chương  trình tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19. Nhà chức trách Hàn Quốc cam kết đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng sau khi ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc cho biết thời gian để phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 sẽ được rút ngắn từ 180 ngày xuống còn 40 ngày. Bên cạnh đó, tiến trình cấp phép bổ sung cho việc phân phối và bán vaccine, thông thường kéo dài vài tháng, sẽ được rút ngắn xuống còn khoảng 20 ngày. Mục tiêu là đến tháng 2-2021, các nhân viên y tế và người cao tuổi sẽ được tiêm phòng đầu tiên, sau đó mở rộng tiêm chủng đại trà cho mọi người.

Hàn Quốc đã có kế hoạch mua đủ số vaccine để tiêm cho 46 triệu người, tương đương hơn 85% dân số.

Xe tải đông lạnh được sử dụng làm nhà xác dã chiến bên ngoài một bệnh viện ở New York, Mỹ, trong bối cảnh số bệnh nhân tử vong do Covid-19 tăng cao ngày 1-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Xe tải đông lạnh được sử dụng làm nhà xác dã chiến bên ngoài một bệnh viện ở New York, Mỹ, trong bối cảnh số bệnh nhân tử vong do Covid-19 tăng cao ngày 1-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 900 tỷ USD và dự luật ngân sách trị giá 1.400 tỷ USD nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan chính phủ đến hết tài khóa 2021 và hỗ trợ nền kinh tế đang lao đao vì đại dịch, trong bối cảnh chỉ còn một ngày nữa là ngân sách tạm thời hết hạn.

Theo đề xuất của gói tài chính cứu trợ Covid-19, mỗi người dân Mỹ với thu nhập dưới 75.000 USD/năm hoặc các cặp vợ chồng có thu nhập dưới 150.000 USD/năm sẽ được hỗ trợ 600 USD/người. Ngoài ra, mỗi thành viên phụ thuộc dưới 18 tuổi trong cùng một hộ gia đình cũng được nhận 600 USD.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28-12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.024 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 33.770 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar.

Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với 20.452 ca tử vong, Indonesia là quốc gia người thiệt mạng vì Covid-19 nhiều nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á.

Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 2 trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây và đang trên đà hạ nhiệt. Trong ngày 28-12, nước này chỉ có 15 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.594 ca bệnh mới, 3 ca tử vong vì Covid-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc Covid-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 648 ca bệnh mới và 17 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 33.776 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 250 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.485.959 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.283.135 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca Covid-19 mới. Trong khi đó, Lào, Campuchia và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh Covid-19 nào trong ngày 28-12. 

Ngày 28-12, Thái Lan thông báo ca tử vong vì dịch bệnh Covid-19 đầu tiên trong gần 2 tháng trở lại đây, đồng thời ban bố các biện pháp hạn chế các hoạt động giải trí tại thủ đô Bangkok trong nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát dịch bệnh mới hiện đã lan ra hơn một nửa trong tổng số tỉnh thành trên cả nước.

Cùng ngày, Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia (NSC) đã quyết định kéo dài Lệnh hạn đi lại có điều kiện (CMCO) đến hết ngày 14-1-2021 tại Kuala Lumpur, Selangor, Sabah và một số địa phương thuộc các bang khác.

Ngày 28-12, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết các du khách nước ngoài sẽ bị cấm nhập cảnh vào nước này trong vòng 2 tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Tại Campuchia, cuối tuần qua, Bộ trưởng Y tế Camppuchia Mam Bunheng cho biết bộ này cho phép tất cả các nhà hàng và cửa hiệu liên quan đến “sự kiện cộng đồng ngày 28-11” được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các cơ sở này phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa Covid-19 của Bộ Y tế.

Hội chợ ủng hộ người nghèo chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại thủ đô Pretoria, Nam Phi. Ảnh: Phi Hùng - Pv TTXVN tại Nam Phi
Hội chợ ủng hộ người nghèo chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại thủ đô Pretoria, Nam Phi. Ảnh: Phi Hùng - Pv TTXVN tại Nam Phi

Tại Nam Phi, nhà chức trách Nam Phi vừa tuyên bố tái áp dụng lệnh phong tỏa cấp độ 3 trên quy mô toàn quốc bắt đầu từ 0 giờ ngày 29-12 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid- 19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại quốc gia hiện chiếm hơn 1/3 tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu Phi này.

Trong thông điệp quốc gia được truyền hình trực tiếp tối 28-11, một ngày sau khi Nam Phi ghi nhận số người mắc Covid-19 vượt quá 1 triệu ca, Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết quyết định đầy khó khăn trên được ban hành sau khi nội các nước này thực hiện tham vấn với Ủy ban phòng chống Covid-19 quốc gia cũng như với lãnh đạo các địa phương trên toàn quốc.

Theo đó, quyết định áp dụng lệnh phong tỏa cấp độ 3 trong thang cấp độ từ 1-5 nhằm tăng cường các biện pháp ngăn chặn đà lây lan của virus SARSC-CoV-2 trong khi vẫn duy trì hoạt động của nền kinh tế.

Theo Baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.