Một số nước bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 đại trà. Song, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, vắc-xin ngừa Covid-19 là “ánh sáng cuối đường hầm” và mọi người không nên lơ là các biện pháp phòng chống dịch.
Khoảng 1,2 triệu liều vắc-xin của Sinovac (Trung Quốc) được đưa đến sân bay quốc tế Jakarta, Indonesia.Ảnh: AFP/Getty Images |
Hãng Reuters cho biết, những mũi tiêm đầu tiên vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ được triển khai tại Xứ Wales và Bắc Ireland (Vương quốc Anh) kể từ ngày 8-12. Tổng cộng hơn 50 cơ sở y tế ở Anh cùng một vài cơ sở y tế khác ở Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland sẽ triển khai việc tiêm phòng. Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt khẩn cấp vắc-xin ngừa Covid-19 do Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) sản xuất, đánh dấu bước tiến lớn trong cuộc chiến chống đại dịch.
“Cuộc chạy marathon”
Anh đã đặt mua 40 triệu liều vắc-xin, đủ để tiêm chủng cho 20 triệu người trong tổng dân số 67 triệu. Đến nay, chính phủ London đã nhận được 800.000 liều vắc-xin từ trung tâm sản xuất của Pfizer ở Bỉ. Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) sẽ ưu tiên tiêm vắc-xin cho những người trên 80 tuổi, nhân viên y tế tuyến đầu và các bệnh nhân trong viện dưỡng lão.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói rằng, việc triển khai vắc-xin trên khắp Vương quốc Anh sẽ là thách thức vì vắc-xin cần được bảo quản ở -70°C. Song, theo Pfizer/BioNTech, vắc-xin có thể được bảo quản đến 5 ngày trong tủ lạnh, với mức nhiệt 2-8°C.
Trong khi đó, Giám đốc NHS Stephen Powis gọi đây là “chiến dịch tiêm chủng lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử”. Theo vị quan chức này, có vắc-xin không có nghĩa đại dịch Covid-19 đã đi đến hồi kết. Phát biểu với hãng Sky News, ông Powis nhấn mạnh: Chiến dịch tiêm vắc-xin là “cuộc chạy marathon, không phải là giai đoạn chạy nước rút” và “phải mất rất nhiều tháng để chúng tôi tiêm chủng cho những người cần vắc-xin”.
Tờ The Sun cho hay, vài tuần nữa, Nữ hoàng Anh Elizabeth II (94 tuổi) và Hoàng thân Philip (99 tuổi) sẽ được tiêm vắc-xin của Pfizer/BioNTech. Nữ hoàng Elizabeth II không được ưu tiên tiêm mà phải chờ đợi đến lượt.
Cuộc chiến chống dịch là chặng đường dài
Hãng AFP dẫn lời Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, TS. Michael Ryan, khẳng định có vắc-xin ngừa Covid-19 không đồng nghĩa với việc đại dịch sẽ bị đẩy lùi. Việc có vắc-xin và tiến hành tiêm chủng chỉ là bổ sung một công cụ quan trọng và sắc bén cho bộ các công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, vắc-xin là “ánh sáng cuối đường hầm”. Người đứng đầu WHO nhấn mạnh: Cuộc chiến chống đại dịch là chặng đường dài, phụ thuộc vào hành động của người dân và các chính phủ. Theo WHO, tính đến ngày 7-12, thế giới có hơn 67 triệu ca mắc Covid-19, hơn 1,5 triệu ca tử vong, hơn 43 triệu ca phục hồi. Hiện có khoảng 51 loại vắc-xin ngừa Covid-19 đang được thử nghiệm trên người, trong đó 13 loại đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối trên quy mô lớn.
Nga đã bắt đầu đợt tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đại trà tại thủ đô Moscow hôm 5-12. Theo Tân Hoa xã, các địa phương Trung Quốc cũng đang chuẩn bị phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 quy mô lớn. Chẳng hạn, chính quyền tỉnh Giang Tô mới đây đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin của các hãng dược trong nước là Sinovac và Sinopharm.
Sinopharm đã nộp đơn phê duyệt cuối cùng để loại vắc-xin do hãng này sản xuất được sử dụng ở thị trường Trung Quốc. Một số hãng khác cũng được chấp thuận để sử dụng vắc-xin của mình trong trường hợp khẩn cấp.
Khoảng 1,2 triệu liều vắc-xin của Sinovac được đưa đến thủ đô Jakarta của Indonesia vào ngày 6-12. Indonesia đã thử nghiệm loại vắc-xin này từ tháng 8, theo thông tin từ CNN.
PHÚC NGUYÊN