WHO tìm cách tháo gỡ khủng hoảng Covid-19

.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhóm họp vào ngày 23-12 để tìm giải pháp ứng phó khủng hoảng do biến thể mới của SARS-CoV-2 đang nổi lên ở Anh.

Các tài xế xe tải bị kẹt lại ở cảng Dover của Anh phản ứng tức giận với cảnh sát.  Ảnh: Getty Images
Các tài xế xe tải bị kẹt lại ở cảng Dover của Anh phản ứng tức giận với cảnh sát. Ảnh: Getty Images

Trên Twitter, Giám đốc khu vực của WHO ở châu Âu Hans Kluge cho biết, cuộc họp của tổ chức này có sự tham dự của đại diện các quốc gia thành viên để thảo luận về các chiến dịch xét nghiệm, giảm lây nhiễm và các nguy cơ khác. “Hạn chế đi lại nhằm kiểm soát lây lan là điều cần cân nhắc cho đến khi có thông tin tốt hơn”, vị quan chức này viết. Song, WHO không ủng hộ “những cảnh báo quá lớn” đối với biến thể của SARS-CoV-2 và cho rằng đây là một phần diễn biến bình thường của đại dịch, đồng thời ca ngợi Anh đã phát hiện ra chủng virus mới. WHO khu vực châu Âu gồm 53 thành viên, bao gồm cả Nga và một số nước Trung Á.

Theo Reuters, biến thể của SARS-CoV-2 (có tên gọi B.1.1.7) có khả năng lây lan cao hơn 70% so với các chủng trước đó và đáng ngại hơn đối với trẻ em. Biến thể này đang gây ra những xáo trộn ở Anh khi sắp đến ngày 31-12, thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit và quốc đảo sương mù rời khỏi thị trường chung EU. Hiện Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) bắt đầu nghiên cứu về biến thể mới và quá trình nghiên cứu này sẽ mất khoảng vài tuần. Trong thời gian chờ đợi có thêm thông tin, WHO kêu gọi người dân không nên hoảng sợ; tiếp tục duy trì các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn…

Cũng theo WHO, bên ngoài biên giới Anh, chủng mới của SARS-CoV-2 đã được phát hiện ở Ý, Úc, Đan Mạch và Hà Lan. Đến nay, tổng cộng 57 quốc gia/vùng lãnh thổ đóng cửa đường bay với Anh do lo ngại biến thể mới của SARS-CoV-2 được xác định có khả năng lây nhiễm cao hơn, trong đó có đa số thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Báo The Telegraph cho hay, Nhật Bản là quốc gia mới nhất công bố lệnh đóng cửa với Anh vào ngày 23-12. Hàn Quốc và Philippines cấm tất cả các chuyến bay đến từ Anh cho đến ít nhất ngày 31-12. Những người từng ở Anh trong 14 ngày qua muốn tới Philippines, kể cả để bay nối chuyến, cũng bị cấm nhập cảnh vào Philippines từ ngày 24-12 đến 31-12. Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) cũng áp đặt những hạn chế đối với du khách Anh quá cảnh ở các sân bay. Ủy ban châu Âu (EC) khuyến nghị các thành viên nhanh chóng thực hiện những biện pháp phòng ngừa tạm thời để hạn chế chủng virus mới lây lan, đồng thời không khuyến khích việc đến và rời Anh nếu không cần thiết. Song, EC thúc giục các nước chấm dứt lệnh đóng cửa đường bay với Anh để bảo đảm việc đi lại thiết yếu và tránh gây gián đoạn chuỗi cung ứng giữa các nước.

Người đứng đầu Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) Gloria Guevara cũng chỉ trích những lệnh hạn chế nói trên. “Trong lúc bảo vệ sức khỏe cộng đồng là điều tối quan trọng thì không thể trả lời bằng lệnh cấm đi lại. Trước đây không có những lệnh cấm này và nay cũng không áp dụng lệnh cấm”, vị quan chức này nói.

Trong một nỗ lực tháo gỡ khủng hoảng, Anh và Pháp đã đạt thỏa thuận cho phép các phương tiện lưu thông trở lại giữa biên giới hai nước từ ngày 23-12 sau 48 giờ gián đoạn. Theo đó, các hoạt động giao thông đường hàng không, tàu thuyền và các chuyến tàu thuộc hệ thống Eurostar được khôi phục từ sáng 23-12. Các nhà chức trách cũng nỗ lực thông xe cho khoảng 4.800 xe tải bị kẹt lại ở khu vực biên giới không thể vào Pháp. Việc biên giới Pháp đóng cửa trong 2 ngày qua đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng hàng hóa trong lúc nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới. Theo thỏa thuận giữa London và Paris, các tài xế xe tải được xét nghiệm và những ai dương tính với SARS-CoV-2 thì được qua biên giới.

Kể từ đêm 22-12, công dân Pháp và EU cũng được phép nhập cảnh Pháp từ Anh nếu có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước đó không quá 72 giờ. Quy định mới này sẽ được áp dụng đến ngày 6-1-2021.

Báo New York Times dẫn lời nhiều người Anh cho rằng, lệnh cấm nhập cảnh của một số quốc gia châu Âu đối với Anh là cái giá mà nước này phải trả cho nỗ lực rời “mái nhà chung”, nhất là khi giai đoạn chuyển tiếp sắp kết thúc mà London và EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.