Hội nghị thượng đỉnh các nước Arab vùng Vịnh ngày 5-1 được kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận chính thức hướng đến kết thúc căng thẳng với Qatar trong lúc Saudi Arabia cũng tuyên bố sẽ dỡ bỏ cấm vận đối với Doha.
Các nhà lãnh đạo các nước Arab đến thành phố al-Ula của Saudi Arabia ngày 5-1. Ảnh: Reuters |
Hãng Reuters cho biết, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani đến thành phố al-Ula của Saudi Arabia sau khi Riyadh tuyên bố sẽ mở cửa không phận và biên giới đường bộ cho nước ông. Các nhà lãnh đạo Arab khác cũng đến al-Ula với mong muốn tháo gỡ khủng hoảng vốn ảnh hưởng đến liên minh truyền thống vùng Vịnh.
Giữa năm 2017, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập ngừng quan hệ ngoại giao, thương mại và đi lại với Qatar do cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Kinh tế của Qatar rơi vào khủng hoảng, nhất là các lĩnh vực vận tải đường biển, hàng không, lương thực thực phẩm, ngân hàng và chứng khoán. Doha chỉ trích các biện pháp trừng phạt quốc gia này là không công bằng và bất hợp pháp.
Giờ đây, theo hãng tin AP, các quan chức Saudi Arabia nói rằng, Riyadh sẽ mở cửa không phận và biên giới đường bộ cho Qatar, đánh dấu bước đi đầu tiên trong nỗ lực kết thúc khủng hoảng làm chia rẽ các đối tác quốc phòng của Mỹ. Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani sẽ ký thỏa thuận với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại al-Ula trong ngày 5-1 (giờ địa phương). Qatar vốn dựa vào biên giới với Saudi Arabia để nhập khẩu các sản phẩm sữa và hàng hóa khác, đồng thời người Qatar cũng được phép vào Saudi Arabia để hành hương trong lễ hajj của người Hồi giáo.
Chưa rõ Qatar có những nhượng bộ nào hoặc hứa hẹn sẽ thay đổi những chính sách gì. Song, những diễn biến nói trên là một đột phá trong hàng loạt thỏa thuận ở Trung Đông do Mỹ hậu thuẫn trong thời gian gần đây, hầu hết liên quan đến Israel và các nước Arab. Cũng theo AP, khi Riyadh tuyên bố sẽ dỡ bỏ cấm vận với Qatar, 3 quốc gia khác (UAE, Bahrain và Ai Cập) không đưa ra bình luận ngay lập tức. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ bày tỏ mong muốn các nước này cũng sẽ có hành động tương tự.
Các nhà ngoại giao và các nhà phân tích cho rằng, Saudi Arabia đang thúc đẩy thỏa thuận để thể hiện với ông Joe Biden, người sắp nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20-1 tới rằng, Riyadh sẵn sàng đối thoại. Ông Biden từng cam kết sẽ có quan điểm cứng rắn hơn với Riyadh về cuộc chiến tranh ở Yemen.
Emadeddin Badi, quan chức ở Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định: Bất chấp sự hợp tác có mục đích giữa các nước vùng Vịnh, điều đáng lưu ý là sự hợp tác dường như bị ảnh hưởng bởi những mong muốn và áp lực từ phía Mỹ - từ chính phủ sắp nhậm chức của ông Biden, hơn là một cam kết thực sự để giải quyết xung đột. Tất cả các nước nói trên đều là đồng minh của Mỹ. Qatar là nơi có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực. Bahrain là nhà của Hạm đội 5 Hải quân Mỹ. Saudi Arabia và UAE hiện có binh sĩ Mỹ đồn trú.
Qatar - quốc gia có hơn 2,5 triệu dân - cho rằng, bất kỳ giải pháp nào cũng phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Năm 2017, bốn nước Arab đã gửi đến Qatar 13 yêu sách bao gồm đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, cắt đứt quan hệ với Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, hạ cấp quan hệ với Iran...
Theo hãng AP, dù Saudi Arabia có động thái “hạ nhiệt” căng thẳng, nhưng vẫn chưa bảo đảm con đường tiến tới hòa giải hoàn toàn giữa Doha với các nước khác. Trên Twitter, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash cho biết, nước ông muốn khôi phục khối thống nhất vùng Vịnh. “Chúng ta có nhiều việc để làm và chúng ta đang đi đúng hướng”, ông Gargash viết.
Mỹ làm trung gian hòa giải Hãng tin AP cho biết, Saudi Arabia đưa ra quyết định ngừng cấm vận Qatar sau một vài tuần ông Jared Kushner - cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump - đến thăm cả hai nước nhằm tìm một thỏa thuận ngoại giao mang tính đột phá. Một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ rằng, ông Kushner cũng đã gọi điện đàm phán xuyên đêm với các nhà ngoại giao Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập. Sau các thỏa thuận hòa bình gần đây giữa Israel và một số nước Arab, những diễn biến tích cực ở Trung Đông lần này một lần nữa đánh dấu thắng lợi ngoại giao của chính phủ Tổng thống Trump. |
PHÚC NGUYÊN