Châu Âu thiếu vắc-xin ngừa Covid-19

.

Liên minh châu Âu (EU) đang lo lắng khi hãng dược AstraZeneca thông báo chỉ có thể phân phối 31 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, thay vì 80 triệu liều theo dự kiến ban đầu phải giao trước cuối tháng 3-2021.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) thăm phòng thí nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Đại học Queen Elizabeth ở Glasgow, Scotland ngày 28-1. 	               Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) thăm phòng thí nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Đại học Queen Elizabeth ở Glasgow, Scotland ngày 28-1. Ảnh: Getty Images

Hãng tin Reuters cho hay, theo kế hoạch, vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) phát triển, có hiệu quả đến 90%, sẽ được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu cấp phép sử dụng tại 27 nước thành viên EU trong ngày 29-1. Trước cuối tháng 3-2021, AstraZeneca/Oxford sẽ phân phối 80 triệu liều vắc-xin cho EU.

Có thể hạn chế xuất khẩu vắc-xin

Kế hoạch là như thế, nhưng giờ đây, hãng dược AstraZeneca cho biết, việc giao hàng sẽ bị chậm và đến thời hạn thì chỉ có thể phân phối 31 triệu liều vì những trục trặc trong dây chuyền sản xuất vắc-xin tại nhà máy của công ty này ở Bỉ.

Ngày 29-1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gây áp lực, thúc giục hãng dược AstraZeneca không trì hoãn việc giao vắc-xin. Phát biểu với đài truyền thanh Deutschlandfunk của Đức, bà Von der Leyen nói rằng, AstraZeneca đã không đưa ra “bất kỳ lời giải thích hợp lý nào” về lý do họ sẽ không cung cấp đủ số lượng vắc-xin theo thỏa thuận. Bà mô tả hợp đồng giữa EU và AstraZeneca mang tính ràng buộc.

Vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca/Oxford đã được cấp phép sử dụng ở Anh và được một số quốc gia chấp thuận sử dụng khẩn cấp. Trong đó, Vương quốc Anh là nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt khẩn cấp vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca/Oxford vào ngày 30-12-2020 và bắt đầu áp dụng tiêm chủng vào ngày 4-1-2021. Việc AstraZeneca họ có thể không đạt mục tiêu về lượng vắc-xin cung ứng vào cuối tháng 3 tới là một đòn giáng vào những nỗ lực chống dịch của EU trong lúc diễn biến Covid-19 vẫn phức tạp ở “lục địa già”. Trước đó, hãng Pfizer của Mỹ thông báo tạm thời giảm nguồn cung ứng vắc-xin trong tháng 1 này.

Theo Reuters, giới chức Anh và Đức cũng lo lắng về tình trạng khan hiếm nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19. Thậm chí, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ủng hộ đề xuất EU áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế lượng vắc-xin xuất khẩu ra ngoài khối. Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch cho phép các nước thành viên có quyền từ chối yêu cầu xuất khẩu vắc-xin. Một quan chức EU nói rằng, việc cấm xuất khẩu vắc-xin là lựa chọn cuối cùng nhưng vẫn có thể xảy ra.

Vắc-xin Novavax hiệu quả hơn 89% với biến thể SARS-CoV-2

Hãng tin CNN dẫn kết quả thử nghiệm cho thấy vắc-xin NVX-CoV2373 của Công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ cho hiệu quả 95,6% với biến thể gốc của SARS-CoV-2 và 85,6% với biến thể được phát hiện đầu tiên tại Anh có tên B.1.1.7. Theo đó, tính chung các biến thể thì NVX-CoV2373 cho hiệu quả 89,3%. Song, vắc-xin của hãng này không thể chống lại biến thể SARS-CoV-2 ở Nam Phi.

Trong tháng 1 này, Novavax bắt đầu nghiên cứu phát triển nhiều loại vắc-xin mới chống lại các biến thể của SARS-CoV-2. Hãng sẽ chọn các loại vắcxin tiềm năng để thử nghiệm trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2021.

NVX-CoV2373 là 1 trong 6 loại vắc-xin tiềm năng được Operation Warp Speed (tạm dịch: Chiến dịch Thần tốc) của chính phủ Mỹ hỗ trợ phát triển. Loại vắc-xin này đang được thử nghiệm tại Mỹ, Mexico và Anh. Nếu vắc-xin NVX-CoV2373 được cấp phép, Anh sẽ mua 60 triệu liều.

Trước sự lây lan của biến thể mới SARS-Cov-2, các nước thành viên EU hiện tiếp tục có các biện pháp hạn chế du lịch và đi lại giữa các quốc gia trong khối này. Theo AFP, Đức và Hà Lan duy trì lệnh phong tỏa. Bỉ áp dụng phong tỏa một phần và yêu cầu người dân không ra nước ngoài nếu không có lý do thực sự cần thiết. Trong khi đó, kể từ ngày 25-1, du khách từ khu vực Schengen (khu vực thực hiện Hiệp ước Schengen về tự do đi lại) muốn vào Pháp phải mang theo kết quả xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 âm tính được thực hiện trong khoảng thời gian dưới 72 giờ.

Chuyên gia WHO gặp gỡ các quan chức Trung Quốc

Theo CNN, ngày 29-1, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gặp các quan chức Trung Quốc để điều tra về nguồn gốc của Covid-19. Sau đó, các chuyên gia đến chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) - nơi được cho là khởi điểm của đại dịch, đến các bệnh viện và gặp gỡ những nhà khoa học.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.