Cơ hội cho hiệp ước New START

.

Việc Mỹ và Nga “bật đèn xanh” để gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) thêm 5 năm xua tan những lo ngại rằng hiệp ước này có nguy cơ sụp đổ khi hết hạn.

Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden lẫn Tổng thống Nga Vladimir Putin đều muốn gia hạn hiệp ước New START. Trong ảnh: Ông Biden (trái) và ông Putin gặp gỡ hồi tháng 3-2011 tại thủ đô Moscow. Ảnh: Dailymail
Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden lẫn Tổng thống Nga Vladimir Putin đều muốn gia hạn hiệp ước New START. Trong ảnh: Ông Biden (trái) và ông Putin gặp gỡ hồi tháng 3-2011 tại thủ đô Moscow. Ảnh: Dailymail

Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Nhà Trắng ngày 21-1 (giờ Mỹ) cho biết, tân Tổng thống Joe Biden muốn gia hạn thêm 5 năm đối với New START - hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Washington và Moscow, dự kiến hết hiệu lực vào ngày 5-2. Đây là một trong những quyết định lớn đầu tiên về chính sách đối ngoại của ông Biden sau khi tiếp quản Nhà Trắng.

Trong cuộc họp báo ngày 21-1, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh: “Ngài Tổng thống từ lâu đã nêu rõ hiệp ước New START đem lại lợi ích an ninh quốc gia cho Mỹ. Việc gia hạn hiệp ước càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga đang ở thế đối nghịch như hiện nay”. Nhà Trắng cho rằng, người Mỹ sẽ “an toàn hơn” khi hiệp ước còn nguyên vẹn và được gia hạn. Theo bà Psaki mô tả, New START là “mỏ neo” của sự ổn định chiến lược giữa hai quốc gia.

Hiệp ước New START là “mỏ neo” của sự ổn định chiến lược giữa Mỹ và Nga”

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki

Bà Psaki còn cho hay, Tổng thống Biden cũng đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan tình báo xem xét vai trò của Nga trong vụ tấn công mạng Solar Winds, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, vụ chính trị gia đối lập Alexei Navalny bị đầu độc và cả nghi án Moscow trả tiền cho phiến quân để giết lính Mỹ ở Afghanistan.
New START được ông Barack Obama lúc làm Tổng thống Mỹ và ông Dmitry Medvedev lúc làm Tổng thống Nga ký kết vào năm 2010, chính thức có hiệu lực vào ngày 5-2-2011, giờ đây sắp hết hạn. Hiệp ước này quy định Mỹ và Nga không được triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược mỗi bên. Hiệp ước cũng quy định Nga và Mỹ mỗi năm phải trao đổi thông tin 2 lần về số lượng đầu đạn.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ không mặn mà việc gia hạn New START. Ông Trump luôn chỉ trích hiệp ước này đặt Mỹ vào tình thế bất lợi, đồng thời muốn Trung Quốc tham gia. Nga mặc dù đề xuất gia hạn hiệp ước thêm 5 năm nhưng không nhận được phản hồi từ Mỹ. Mới đây nhất, trong cuộc họp báo thường niên ngày 17-12-2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi Mỹ gia hạn New START. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước đó cũng nói rằng, tất cả sẽ cùng thắng nếu New START được gia hạn mà không kèm theo điều kiện tiên quyết. Giới quan sát đã rất lo ngại nếu New START đổ vỡ sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Theo AP, Điện Kremlin ngày 22-1 hoan nghênh đề xuất của Tổng thống Mỹ về việc gia hạn New START. Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cũng bày tỏ tiếp tục ủng hộ việc gia hạn New START. “Chúng tôi cho rằng, chỉ có thể kéo dài thời hạn theo hình thức như thỏa thuận đã ký và không có điều kiện tiên quyết nào. Việc gia hạn tối đa 5 năm mà thỏa thuận đã quy định có vẻ phù hợp hơn. Điều này sẽ cho phép Nga và Mỹ tìm câu trả lời cho những vấn đề đang phát sinh trong việc ổn định chiến lược và an ninh quốc tế”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Trên Twitter, ông Marshall S. Billingslea - nhà đàm phán hàng đầu về New START trong chính phủ của ông Trump - bình luận: Tổng thống Biden sẽ sai lầm khi nhanh chóng đồng ý gia hạn 5 năm. Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là châu Âu, hoan nghênh đề xuất của tân Tổng thống. Ngay trước khi Mỹ có động thái “bật đèn xanh” cho New START, phát biểu với báo giới ở Brussels (Bỉ), Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg kêu gọi Washington và Moscow gia hạn và sau đó mở rộng hiệp ước. Song, có mở rộng được New START hay không (có sự tham gia của các nước khác, ngoài Mỹ và Nga) còn là chặng đường dài.

Theo AP, từ ngày 22-1, Hiệp ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) cấm vũ khí hạt nhân bắt đầu có hiệu lực sau khi 50 nước tham gia ký kết đã hoàn tất quá trình phê chuẩn vào tháng 10-2020.

Đại hội đồng LHQ đã thông qua hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân này hồi tháng 7-2017, theo đó không cho phép sử dụng, phát triển, sản xuất, thử nghiệm, dự trữ và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, 9 quốc gia gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel không ủng hộ hiệp ước nói trên.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.