Di sản của ông Donald Trump

.

Có thể có nhiều tranh cãi về công và tội của ông Donald Trump sau nhiệm kỳ Tổng thống 4 năm, nhưng có một sự thật mà nhiều người phải thừa nhận: Các chính sách ông đưa ra đã có tác động thực sự tới đời sống người dân trên các lĩnh vực: năng lượng, môi trường, nhập cư, tư pháp, kinh tế, thương mại và đối ngoại.

Ông Donald Trump rời nhiệm sở vào ngày 20-1, khép lại nhiệm kỳ Tổng thống 4 năm. Ảnh: AP
Ông Donald Trump rời nhiệm sở vào ngày 20-1, khép lại nhiệm kỳ Tổng thống 4 năm. Ảnh: AP

Kinh tế và đối ngoại

Nền kinh tế dưới thời ông Trump được chia 2 giai đoạn: trước và sau đại dịch Covid-19. Trước khi Covid-19 bùng phát ở Mỹ vào tháng 3-2020, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm. Lương cũng tăng cho những công việc lao động thu nhập thấp và khoảng cách về tỷ lệ thất nghiệp giữa người da đen, da trắng được thu hẹp.

Dự luật thuế mang tính bước ngoặt được ông Trump phê chuẩn vào cuối năm 2017 đã giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng hơn 3%. Dù tỷ lệ này duy trì trong thời gian ngắn nhưng nó cũng là thực tế cho thấy ông Trump đã thực hiện được lời hứa khi tranh cử.

Mọi sự lẽ ra đã tốt hơn, nhưng cuộc chiến phạt thuế kéo dài 18 tháng với Trung Quốc đã gây tổn thất cho các công ty Mỹ nhiều tỷ USD, hệ lụy kéo theo là tăng trưởng kinh tế chậm lại, số việc làm giảm sút. Rồi khi Covid-19 bùng phát, cộng thêm việc chính quyền của ông Trump không thể kiểm soát ổn thỏa đã khiến kinh tế Mỹ thực sự lao đao. 

Sau kinh tế, đối ngoại có lẽ là lĩnh vực ghi nhận nhiều thay đổi lớn hơn cả dưới thời ông Trump. Với quan điểm “nước Mỹ là trên hết”, ông Trump đã đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của Mỹ trong giai đoạn hậu Thế chiến thứ hai khi chất vấn các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về mức đóng góp ngân sách quốc phòng. 

Quan điểm coi thường các tổ chức đa phương cũng khiến ông Trump chủ động rút nước Mỹ khỏi một loạt các hiệp ước và tổ chức quốc tế như thỏa thuận hạt nhân với Iran, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cách hành xử của ông Trump cũng để lại thách thức lớn cho người kế nhiệm trong việc phải gây dựng lại những mối quan hệ quốc tế đã bị rạn nứt.

Mặc dù không thể thực hiện được lời hứa tạo dựng hòa bình giữa Israel và Palestine, nhưng ông Trump đã là người trung gian dàn xếp các thỏa thuận giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và 4 quốc gia láng riềng trong khối Arab. 

Trong đối ngoại, chính quyền thời ông Trump đã có một loạt chính sách nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Từ lệnh phạt thuế trị giá nhiều tỷ USD với hàng nhập khẩu Trung Quốc, tới các lệnh trừng phạt quan chức Trung Quốc và một loạt hình phạt, hạn chế xuất khẩu công nghệ cho các công ty Trung Quốc như Huawei, ZTE, SMIC, TikTok, ông Trump đã thực sự tấn công Bắc Kinh trên nhiều mặt trận khác nhau.

Định hình lại hệ thống quản lý di trú của Mỹ

Hãng tin Reuters bình luận ông Trump đã kết thúc nhiệm kỳ tổng thống cũng với một quan điểm kiên định không đổi về vấn đề nhập cư. Hẳn không phải ngẫu nhiên khi một trong những chuyến công tác cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng của ông là tới thăm một phần của bức tường ở biên giới Mỹ - Mexico tại bang Texas. “Chúng ta đã làm xong nó”, ông Trump nói khi đứng trước phần bức tường thuộc dãy tường rào dài 450 dặm (724km) này ngày 11-1. Bức tường rào là minh chứng “vật lý” cho thấy ông Trump đã định hình lại hệ thống quản lý di trú của nước Mỹ như thế nào. Đó là chưa kể rất nhiều lớp thủ tục hành chính khác mà chính quyền Mỹ dưới thời ông đã công bố để tạo thêm nhiều lớp rào cản ngăn những dòng người di cư trái phép ồ ạt tới xứ cờ hoa.

Tân Tổng thống Joe Biden dự kiến trình Quốc hội dự thảo luật di trú nhằm mở ra lộ trình rõ ràng cho khoảng 11 triệu người đang sống phi pháp tại Mỹ có cơ hội trở thành công dân nước này. Rất nhiều di dân đang chờ đợi những chính sách mới của ông Biden, chờ ông đảo ngược những gì mà chính sách “không khoan nhượng” với di dân bất hợp pháp từng được thực thi dưới thời ông Trump.

Lịch sử rồi sẽ phán xét ông Trump công bằng với những gì ông đã làm trong nhiệm kỳ 2016-2020. Nhưng ngay lúc này, chính những người dân Mỹ sẽ có đánh giá cụ thể nhất với vị tổng thống vừa rời cương vị trong ngày 20-1. Nước Mỹ đang bước một giai đoạn mới với tân Tổng thống Joe Biden.

Kế hoạch thành lập đảng mới

Một vài ngày trước lúc rời nhiệm sở, ông Donald Trump đã thảo luận với một số cộng sự thân tín về việc thành lập một đảng chính trị mới để duy trì và phát huy những ảnh hưởng của ông sau khi rời Nhà Trắng. Tuần trước, ông Trump đã bàn bạc việc lập đảng mới và muốn gọi đảng mới này là Đảng ái quốc (Patriot Party).
Bất kể việc có những xung đột lớn với nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa, trong đó có cả Chủ tịch phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, sau vụ bạo loạn ở đồi Capitol ngày 6-1, các kết quả thăm dò dư luận cho thấy ông Trump vẫn nhận được sự ủng hộ đáng kể từ các cử tri phổ thông ủng hộ đảng Cộng hòa.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Reuters, Wall Street Journal)

;
;
.
.
.
.
.