Ủy ban Độc lập về sự sẵn sàng ứng phó đại dịch Covid-19 (IPPPR) chỉ trích Trung Quốc và các nước khác đã không ngăn chặn đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19, đồng thời đặt câu hỏi phải chăng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nên công bố đại dịch sớm hơn.
Theo AP, báo cáo thứ hai của Ủy ban nói trên do cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf và cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark dẫn đầu được công bố ngày 18-1 (giờ Geneva, Thụy Sĩ) cho rằng, đã mất cơ hội áp dụng các biện pháp y tế công cộng cơ bản trong thời gian sớm nhất và các nhà chức trách Trung Quốc lẽ ra phải nỗ lực hơn trong tháng 1-2020, ngay sau khi phát hiện các ca bệnh ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Các trường hợp mắc bệnh đầu tiên xảy ra ở Vũ Hán trong khoảng thời gian từ ngày 12-12 đến 29-12-2019. Song, các ca bệnh này không được báo cáo với WHO cho đến ngày 31-12-2019. Ngày 23-1-2020, khi Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán, virus đã lây lan sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Mỹ.
Các chuyên gia thắc mắc vì sao WHO không công bố tình trạng y tế công cộng toàn cầu sớm hơn. WHO đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào ngày 22-1-2020, nhưng không đề cập dịch bệnh đang nổi lên là tình trạng khẩn cấp. Thời điểm đó, các chuyên gia WHO bất đồng về việc có nên công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.
Ngày 11-3-2020, WHO công bố Covid-19 là đại dịch, đồng thời bày tỏ “quan ngại sâu sắc cả về mức độ lây lan nghiêm trọng và đáng báo động của nó, cũng như mức độ đáng báo động của việc không hành động”. Tuyên bố của WHO được đưa ra trong lúc có 118.000 người trên thế giới mắc Covid-19 và hơn 4.000 người tử vong. Đến nay, thế giới có tổng cộng hơn 95,6 triệu ca nhiễm và hơn 2 triệu ca tử vong.
BÌNH YÊN