Các nước nghèo tìm vắc-xin ngừa Covid-19

.

Với số ca mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng, các nước nghèo không ngồi yên chờ vắc-xin của Liên Hợp Quốc (LHQ) nữa mà tìm cách có những thỏa thuận riêng.

Nam Phi khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Ảnh: AP
Nam Phi khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Ảnh: AP

Không như các đợt bùng phát dịch bệnh trước đây, thường các nước không giàu có chờ vắc-xin cho LHQ và các tổ chức khác cung cấp, giờ đây nhiều nước tự lo cho mình.

Những nỗ lực đơn lẻ

Hãng tin AP dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp tư nhân Honduras cho biết, nước này “không thể chờ đợi các quy trình quan liêu hoặc các quyết định sai lầm” trong việc cung cấp cho người dân vắc-xin ngừa Covid-19. Các nước khác cũng không kiên nhẫn được nữa. Các chuyên gia quan ngại rằng, những nỗ lực đơn lẻ này có thể hủy hoại chương trình chia sẻ vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan thuộc LHQ dẫn đầu. Chẳng hạn, các nước như Serbia, Bangladesh và Mexico đã bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân thông qua các thỏa thuận thương mại hoặc thỏa thuận có nguồn kinh phí do quyên góp.

COVAX là cơ chế do WHO với Liên minh vắc-xin GAVI và nhiều tổ chức khác phối hợp thực hiện với mục tiêu chuyển giao công bằng ít nhất 2 tỷ liều vắc-xin trên toàn thế giới trong năm 2021. COVAX đang nỗ lực bảo đảm đủ số liều vắc-xin như đã cam kết. Tuy nhiên, việc  thiếu kinh phí cùng với những vấn đề trong sản xuất và các thỏa thuận giữa những nước giàu với các hãng dược phẩm làm dấy lên lo ngại về nguy cơ phân phối vắc-xin không công bằng. Ông Mustaqeem De Gama, một thành viên Hội đồng phái bộ Nam Phi ở Geneva (Thụy Sĩ) cho rằng, các quốc gia đã đăng ký chương trình COVAX thậm chí sẽ chỉ nhận được 10% số lượng vắc-xin mà họ yêu cầu.

Cũng theo AP, ngay cả nếu những nỗ lực của COVAX thành công, mục tiêu của chương trình này cũng chỉ cung cấp vắc-xin cho 92 nước nghèo, tương đương gần 30% dân số các nước này sẽ được tiêm, nghĩa là các chính phủ phải tìm kiếm những nguồn khác để bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận vắc-xin.

Các nước giàu mua nhiều vắc-xin hơn so với nhu cầu

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết, nước ông buộc phải cắt giảm những thỏa thuận riêng sau khi chứng kiến các nước giàu tranh giành lượng vắc-xin khan hiếm. Ông chỉ trích những nước đã mua nhiều vắc-xin hơn so với nhu cầu. Năm ngoái, Serbia đã trả 4 triệu euro cho COVAX, nhưng hiện nước này chưa nhận được bất kỳ liều vắc-xin nào. Tháng 1-2021, Serbia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng với các vắc-xin mà nước này thỏa thuận với Pfizer của Mỹ, Sinopharm của Trung Quốc hay vắc-xin của Nga.

Thêm vào đó, sự trì hoãn của các nhà sản xuất vắc-xin cho châu Âu trong những ngày qua làm dấy lên quan ngại rằng, liệu các hãng dược có đáp ứng nhu cầu vắc-xin ngày càng gia tăng hay không. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bị chỉ trích vì Liên minh châu Âu (EU) triển khai chậm chương trình tiêm chủng chậm. Các nước EU mới chỉ tiêm mũi vắc-xin Covid-19 đầu tiên cho gần 4% số dân, thấp hơn tỷ lệ 11% ở Mỹ và gần 17% ở Anh.

Giám đốc WHO khu vực châu Phi, bà Matshidiso Moeti cho biết, “lục địa đen” sẽ nhận được gần 90 triệu liều vắc-xin trong tháng 2 này thông qua chương trình COVAX. Theo đó, khoảng 3% số dân có nguy cơ cao, gồm nhân viên y tế, người cao tuổi và người mắc bệnh nan y ở châu Phi, sẽ được tiêm phòng. Để thực hiện kế hoạch tiêm chủng cho ít nhất 20% số dân, châu Phi cần nhận khoảng 600 triệu liều vắc-xin vào cuối năm 2021. Giới chức châu Phi kỳ vọng sẽ tiêm chủng cho khoảng 30-35% người dân “lục địa già” trong năm 2021 và phấn đấu đạt mức tiêm chủng 60% trong 2-3 năm nữa để hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Tuần trước, Liên minh châu Phi (AU) hoàn tất thỏa thuận 400 triệu liều vắc-xin với hãng dược AstraZeneca, do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất. Một số chuyên gia cảnh báo, các thỏa thuận mới như thế có thể làm thất bại chương trình COVAX, đặc biệt là khi một số nước sẵn sàng trả tiền cao để đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin. Theo AP, chẳng hạn, để bảo đảm cho người dân Nam Phi tiếp cận vắc-xin AstraZeneca nhanh chóng, các quan chức chính phủ thống nhất trả chi phí cao hơn so với châu Âu hay Bắc Mỹ mua vắc-xin của hãng này. Các chuyến hàng vắc-xin AstraZeneca đã đến Nam Phi trong tuần qua.

Theo thống kê của trang worldometer, thế giới hiện ghi nhận hơn 106,3 triệu ca mắc Covid-19 và 2,3 triệu ca tử vong. Canada vừa bị chỉ trích khi là thành viên G7 duy nhất nhận vắc-xin trong đợt đầu tiên theo chương trình tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu (COVAX), trong khi chương trình này vốn ưu tiên cho các nước nghèo.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.