Covid-19 tới 6 giờ sáng 13-2: Mỹ vượt 28 triệu ca bệnh; Nga vượt 4 triệu ca

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 393.298 trường hợp mắc Covid-19 và 11.454 ca tử vong. Nước Mỹ đã vượt qua mốc 28 triệu ca bệnh trong khi Nga đã ghi nhận trên 4 triệu ca.

Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Maidstone, Anh ngày 10/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Một điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Maidstone, Anh ngày 10-2-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6 giờ ngày 13-2 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 108.681.440 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 2.391.705 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 80.793.790 người, 25.495.828 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 104.627 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (85.717 ca), Brazil (49.157 ca) và Pháp (20.701 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.425 ca), tiếp theo là Brazil (1.092 ca) và Anh (758 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 28.090.971 triệu người, trong đó có 492.078 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 10.892.550 ca nhiễm, bao gồm 155.588 ca tử vong. Trong khi đó, số ca tử vong tại Brazil là 237.489 trong tổng số 9.765.455 ca nhiễm.

WHO để ngỏ mọi giả thuyết về nguồn gốc virus SARS-CoV-2

Ngày 12-2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định mọi giả thuyết đều vẫn để ngỏ trong cuộc điều tra của cơ quan này về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Trước đó, ngày 9-2, phái đoàn gồm các chuyên gia của WHO và Trung Quốc đang điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 tại Vũ Hán, cho biết không có dấu hiệu cho thấy virus này xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trước tháng 12-2019, khi ca nhiễm đầu tiên được chính thức ghi nhận.

Nhóm chuyên gia của WHO đến Vũ Hán ngày 14-1 và thực hiện cuộc điều tra kéo dài nhiều tuần. WHO nêu rõ chuyến công tác này thuần túy là về khoa học để làm rõ cách thức lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học của WHO đã tiến hành nghiên cứu chung với các nhà khoa học Trung Quốc về nguồn gốc virus. Trong quá trình điều tra, phái đoàn chuyên gia đã tới Viện virus ở thành phố Vũ Hán, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh động vật ở Vũ Hán, Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Hồ Bắc, đến thăm các bệnh viện phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, cũng như các khu chợ và triển lãm về cuộc chiến chống dịch tại thành phố Vũ Hán.

Mỹ: Số xét nghiệm Covid nhiều hơn dân số

Theo CNN, trên 1 năm kể từ khi tiến hành xét nghiệm Covid-19 đầu tiên, nước Mỹ đã tiến hành số lượng xét nghiệm nhiều hơn dân số của họ.

Tính đến ngày 11-2, Mỹ đã tiến hành 330.086.893 xét nghiệm Covid-19. Tuy vậy các xét nghiệm trên khắp nước Mỹ không được chuẩn hoá. Một số bang đếm số lượng xét nghiệm dành cho từng người, trong khi những tiểu bang khác đếm xét nghiệm trên số mẫu vật. Do đó, kết quả báo cáo thường đưa ra một bức tranh không rõ ràng về số lượng xét nghiệm đang được thực hiện hàng ngày.

Pháp đề nghị tiêm một liều đơn vaccine cho người từng nhiễm virus

PHáp trở thành quốc gia đầu tiên đề xuất tiêm một liều vaccine Covid cho những người trước đây từng nhiễm virus SARS-CoV-2. Cơ quan Y tế quốc gia Pháp cho rằng, người từng mắc Covid vẫn duy trì "trí nhớ miễn dịch" và chỉ cần một liều duy nhất vaccine. Cơ quan này cũng khuyến nghị nên tiêm liều vaccine này cho người từng mắc bệnh 3 tháng sau thời điểm nhiễm virus và "tốt hơn nền trước 6 tháng" sau thời điểm đó.

Pháp đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 27-12-2020 và hiện đã phê duyệt sử dụng 3 loại vaccine là Pfizer-BioNTech, Oxford-AstraZeneca và Moderna – tất cả đều được tiêm 2 liều.

Trong một diễn biến khác, Bộ Y tế Pháp ngày 11-2 công bố báo cáo tình hình dịch bệnh Covid-19 nước này, trong đó cho biết số ca dương tính với biến thể của SARS-CoV-2 tại Anh chiếm 25% tổng số ca nhiễm mới tại Pháp, trong khi đó số ca dương tính với biến thể tại Nam Phi và Brazil chỉ chiếm 4% đến 5%.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran khẳng định việc các biến thể của SARS-CoV-2 lây lan tới Pháp là điều không thể tránh khỏi. Ông cho biết chính phủ Pháp hiện đang cân nhắc khả năng siết chặt các biện pháp phòng dịch Covid-19 trong vài tuần tới.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Portimao, Bồ Đào Nha ngày 9/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 tại một bệnh viện ở Portimao, Bồ Đào Nha ngày 9-2-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Đức mở rộng cấm nhập cảnh

Trong khi đó tại châu Âu, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehopher cho biết từ ngày 14-2, nước này sẽ cấm nhập cảnh từ các vùng biên giới với Séc và Tyrol của Áo do số ca nhiễm mới liên quan biến thể mới của SARS-CoV-2 gia tăng tại các vùng dịch này.

Quyết định được đưa ra theo khuyến nghị chính quyền bang Bavaria và Saxony và đã được Thủ tướng và Phó thủ tướng Đức phê chuẩn. Theo Bộ trưởng Seehopher, Đức sẽ bố trí thêm nhiều chốt chặn tại khu vực biên giới nói trên, đảm bảo công tác phòng dịch song không ảnh hưởng đến giao thương.

Anh siết chặt đến khi toàn bộ người cao tuổi được chủng ngừa

Tại Anh, Giám đốc Y tế công, Susan Hopkins thông báo nước này có thể sẽ phải duy trì một số biện pháp phòng dịch cho đến khi toàn bộ người cao tuổi ở nước này được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Theo báo cáo mới nhất, Anh đến nay đã tiêm chủng cho hơn 13,5 triệu người và áp đặt biện pháp kiểm soát biên giới mới đề phòng nguy cơ lây lan của các biến thể của SARS-CoV-2.

Châu Âu cho phép xuất khẩu vaccine Covid

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 12-1 đã cấp phép xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả các nước đề nghị, trong đó có Anh, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên EC không nêu cụ thể số liều vaccine do các nhà máy trong Liên minh châu Âu (EU) sản xuất.

Cụ thể, kể từ ngày 30-1, thời điểm bắt đầu áp dụng cơ chế giám sát xuất khẩu vaccine đến nay, EU đã phê duyệt 37 đăng ký xuất khẩu vaccine sang 21 nước.

Quy định của EC gồm các biện pháp nhằm tiến tới giám sát và trong một số trường hợp có thể cấm xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 sản xuất tại các nhà máy đặt ở các nước thành viên EU, trong bối cảnh căng thẳng giữa khối này và hãng dược phẩm AstraZeneca liên quan việc giao nhận vaccine. Biện pháp của EU chỉ có hiệu lực đối với các nhà máy sản xuất vaccine ngừa Covid-19 nằm trong các hợp đồng mua bán vaccine đã ký giữa các hãng dược phẩm và EC. Theo đó, các nhà máy thuộc diện này hoạt động trên lãnh thổ các nước thành viên EU sẽ phải xin cấp phép xuất khẩu vaccine cho các nước ngoài khối, đồng thời trình kế hoạch xuất khẩu trước 3 tháng.

Nhật Bản duy trì tình trạng khẩn cấp ở Tokyo          

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới chưa có dấu hiệu giảm, nhiều nước vẫn duy trì hoặc tăng cường các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch. Ngày 12-2, Nhật Bản thông báo chưa dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và các vùng lân cận. Theo báo cáo của cơ quan chức năng Nhật Bản, ngày 11-2, nước này ghi nhận 1.693 ca nhiễm mới trên toàn quốc, ít hơn nhiều so với số ca nhiễm mới trong một ngày ở mức đỉnh điểm 7.882 ca ghi nhận hồi đầu tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên, con số 121 ca tử vong ghi nhận ngày 10-2 cao chưa từng có ở Nhật Bản, trong khi nhiều bệnh viện đang trong tình trạng không còn đủ giường bệnh cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng.

Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định trên khi tiếp tục cân nhắc nguy cơ bùng phát dịch bệnh cùng với nhu cầu khởi động lại hoạt động kinh tế, vốn đã bị đình trệ khi người dân hạn chế các chuyến đi chơi không cần thiết và các nhà hàng, quán rượu đóng cửa sớm trong bối cảnh dịch bệnh.

Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 2 tại Tokyo và các tỉnh lân cận Kanagawa, Chiba và Saitama vào ngày 7-1, sau đó mở rộng sang các tỉnh Tochigi, Gifu, Aichi, Kyoto, Osaka, Hyogo và Fukuoka vào ngày 13-1. Tình trạng khẩn cấp ban đầu được dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 7-2, song sau đó được gia hạn thêm 1 tháng, ngoại trừ tỉnh Tochigi có tình hình dịch bệnh diễn biến tích cực.

Hàn Quốc: Thuốc điều trị nội địa phát huy tác dụng đối với biến thể virus từ Anh

Ngày 12-2, Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo thuốc điều trị dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bằng kháng thể mang tên "Rekkironaju" (mã hiệu CT-P59) của công ty dược phẩm sinh học trong nước Celltrion vừa được cấp phép sử dụng có thể vô hiệu hóa 6 biến thể của virus SARS-CoV2 (S, L, V, G, GH, GR).

Đáng chú ý, loại thuốc này có tác dụng kìm hãm được biến thể virus SARS-CoV2 từ Anh, song hiệu quả đối với biến thể virus từ Nam Phi vẫn còn thấp. Do đó, cơ quan phòng dịch Hàn Quốc có kế hoạch khuyến cáo hạn chế sử dụng loại thuốc này đối với các bệnh nhân nhiễm biến thể virus từ Nam Phi.

Mặt khác, kết quả điều tra tác dụng của thuốc Remdesivir đang được dùng phổ biến hiện nay cho thấy thuốc này phát huy tác dụng đối với cả biến thể virus từ Anh và Nam Phi.

Australia phong tỏa bang Victoria

Thủ hiến bang Victoria của Australia, ông Daniel Andrews ngày 12-2 thông báo tái áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn bang trong 5 ngày, bắt đầu từ đêm ngày 12-2, để ngăn chặn nguy cơ bùng phát từ một ổ dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 mới.

Quyết định phong tỏa được đưa ra sau khi ổ dịch tại khách sạn Holiday Inn được sử dụng làm nơi cách ly tăng lên 13 ca nhiễm, bao gồm các nhân viên làm việc tại khách sạn và những người tiếp xúc gần, trong đó có 6 ca được xác nhận mắc biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh có khả năng lây nhiễm nhanh hơn.

Theo quyết định trên, hầu hết các trường học và cửa hàng bán lẻ không thiết yếu sẽ phải đóng cửa và người dân chỉ được ra khỏi nhà để đi làm, đi học, mua sắm các vật dụng cần thiết, chăm sóc y tế, tập thể dục mỗi ngày. Quy định phải đeo khẩu trang khi rời khỏi nhà và không được đi cách nhà quá 5 km cũng được khôi phục.

Cũng theo quyết định trên, các trận đấu trong khuôn khổ giải quần vợt Australia Open đang diễn ra tại thành phố Melbourne sẽ vẫn được tiếp tục tổ chức trong 5 ngày tới nhưng không có khán giả.

New Zealand dự kiến bắt đầu tiêm vaccine trong tuần tới

Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern ngày 11-2 cho biết nước này sẽ triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 từ ngày 20-2.

Phát biểu với báo giới, bà Ardern cho biết lô vaccine Pfizer-BioNTech sẽ được chuyển đến nước này trong quý I-2021 thay vì trong quý II như dự kiến ban đầu. Những người sẽ được tiêm vaccine đầu tiên là gần 12.000 nhân viên kiểm soát biên giới, người thân của họ, tiếp đó là các nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao như người cao tuổi. Việc tiêm chủng đại trà sẽ được tiến hành trong nửa sau của năm 2021. Bà Arden khẳng định New Zealand đã đặt hàng số vaccine đủ tiêm chủng miễn phí cho toàn dân cũng như người dân khu vực Thái Bình Dương.

Ngoài vaccine Pfizer-BioNTech, hiện giới chức y tế New Zealand đang đàm phán để cấp phép vaccine của các hãng dược AstraZeneca, Novavax và Janssen Biotech.

WHO báo động số ca tử vong tại châu Phi

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số ca tử vong do Covid-19 tại châu Phi đã tăng 40% trong 1 tháng qua. Cụ thể, trong 28 ngày gần đây nhất, châu lục này ghi nhận 22.300 ca tử vong do Covid-19, trong khi con số này của 28 ngày trước đó là 16.000 ca. Sự xuất hiện của biến thể SARS-CoV-2 đang trở thành thách thức đối với các quốc gia tại châu lục khi biến thể của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh. Hiện các nước đang khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine quy mô lớn chưa từng có.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, châu Phi đã ghi nhận tổng cộng hơn 3,7 triệu ca nhiễm, trong đó có 96.000 ca tử vong. WHO dự báo trong vài ngày tới, số ca tử vong do Covid-19 tại châu Phi sẽ tăng lên 100.000 ca.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.