Mỹ góp 4 tỷ USD cho COVAX

.

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định tham gia chương trình vắc-xin toàn cầu (COVAX) để chống lại Covid-19 và đóng góp khoảng 4 tỷ USD đánh dấu sự khác biệt về chính sách với người tiền nhiệm Donald Trump.

Các lô vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca/Oxford được vận chuyển đến sân bay quốc tế Benito Juárez ở Mexico. Ảnh: Getty Images
Các lô vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca/Oxford được vận chuyển đến sân bay quốc tế Benito Juárez ở Mexico. Ảnh: Getty Images

Hãng tin AP cho biết, Tổng thống Joe Biden đề cập khoản đóng góp 4 tỷ USD cho COVAX khi tham dự hội nghị trực tuyến nhóm các nước nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada) vào ngày 19-2. Theo đó, 2 tỷ USD sẽ được chuyển cho Liên minh toàn cầu về vắc-xin (GAVI) trong vòng vài ngày hoặc vài tuần tới, số tiền còn lại sẽ được tài trợ dần trong hai năm 2021 và 2022.

COVAX là sáng kiến do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu, phối hợp với GAVI và Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) nhằm cung cấp, phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình, bảo đảm phân bổ vắc-xin công bằng. Nhà Trắng cho hay, Tổng thống Biden sẽ kêu gọi các đối tác G7 cam kết đóng góp cho COVAX và chính phủ Mỹ muốn “bảo đảm toàn cầu tiếp cận bình đẳng vắc-xin an toàn, hiệu quả để chống lại đại dịch”.

Hiện có hơn 190 quốc gia tham gia sáng kiến COVAX. Trước đây, ông Donald Trump khi làm Tổng thống đã từ chối tham gia sáng kiến này do cáo buộc WHO thiên vị Trung Quốc trong cách ứng phó với Covid-19, dẫn đến dịch bệnh lan rộng toàn cầu. Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức Tổng thống vào tháng 1, ông Biden đã ký bản ghi nhớ tham gia COVAX.

Tuần trước, ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ có đủ lượng vắc-xin ngừa Covid-19 để tiêm chủng cho 300 triệu người dân nước này đến cuối tháng 7. Ông vẫn chủ trương mỗi người dân Mỹ đều phải được tiêm chủng. Theo tạp chí The Week, chính phủ Mỹ cam kết góp 4 tỷ USD cho COVAX, chứ không chia sẻ bất kỳ liều vắc-xin nào của nước này cho đến khi hầu hết người dân Mỹ được tiêm chủng. Mỹ hiện có tổng cộng hơn 27,8 triệu ca mắc Covid-19 và 493.000 ca tử vong.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ Financial Times ngày 18-2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Mỹ và các nước châu Âu phân bổ 5% nguồn cung vắc-xin hiện tại cho các nước đang phát triển - một cách thức ngoại giao vắc-xin mà Nga và Trung Quốc đang triển khai. Báo cáo của ONE Campaign - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ - thống kê về nguồn cung đối với 5 loại vắc-xin đang được sử dụng trên thế giới (Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca/Oxford, Johnson&Johnson và Novavax) cho thấy Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Úc, Canada và Nhật Bản đang dự trữ hơn 3 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19, nhiều hơn 1 tỷ liều so với nhu cầu thực tế. Báo cáo cho rằng, đây là nguyên nhân khiến các nước nghèo gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19. WHO cũng thúc giục các nước giàu không chia sẻ vắc-xin đơn phương mà nên thông qua COVAX.

Theo trang thống kê worldometers, đến ngày 19-2, thế giới có tổng cộng 110,9 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 2,4 triệu người tử vong. Trong cuộc họp trực tuyến của WHO ngày 18-2, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc tổ chức này nhấn mạnh COVAX sẵn sàng khởi động để đưa khoảng 336 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca/Oxford và 1,2 triệu liều của Pfizer đến các nước. Dự kiến đến giữa năm nay, khoảng 145 nước/vùng lãnh thổ sẽ được nhận đủ vắc-xin ngừa Covid-19 để tiêm cho 3,3% số dân.

Tổng thống Joe Biden lần đầu dự họp với G7

Hội nghị trực tuyến G7 ngày 19-2 đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự cuộc họp với nhóm các nước giàu có này. Theo Reuters, đây là cơ hội để tân Tổng thống Mỹ đưa ra thông điệp tái gắn kết với thế giới và các thể chế toàn cầu sau 4 năm Washington theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump.

Các nước G7 cũng sẽ lắng nghe Tổng thống Biden nói về việc giải quyết cuộc khủng hoảng với Iran. Ngày 18-2, chính phủ của ông Biden hủy bỏ quyết định của cựu Tổng thống Donald Trump về việc khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Iran, mở đường để Washington tái tham gia thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm P5+1 vào năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA).

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích