10 năm nội chiến Syria: Hòa bình vẫn là bài toán khó

.

Sau 10 năm xảy ra nội chiến Syria, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng, tình hình ở quốc gia Trung Đông này là cơn ác mộng kinh hoàng và một giải pháp nhằm chấm dứt xung đột vẫn còn xa vời.

Cuộc nội chiến kéo dài 10 năm gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân Syria. TRONG ẢNH: Tỉnh Idlib, tây bắc Syria, trở thành đống đổ nát. Ảnh: AP
Cuộc nội chiến kéo dài 10 năm gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân Syria. TRONG ẢNH: Tỉnh Idlib, tây bắc Syria, trở thành đống đổ nát. Ảnh: AP

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) ngày 15-3, đặc phái viên LHQ về Syria, ông Geir Pedersen, nhấn mạnh ngoại giao quốc tế là điều then chốt để kết thúc cuộc nội chiến Syria vốn đã kéo dài 10 năm và cần thiết lập “một định dạng mới” để tập hợp các quốc gia chủ chốt có ảnh hưởng đến cuộc xung đột, bao gồm: Mỹ, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Arab và Liên minh châu Âu (EU). Ông Pedersen không nói rõ hơn về “một định dạng mới”, mà chỉ lý giải: Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ liên quan quân sự trong cuộc xung đột Syria thì phải tham gia nỗ lực mới của quốc tế, ngoài các nước Arab, EU và 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ. 

Ông Pedersen ước tính có 500.000 người chết trong cuộc chiến Syria. Một nửa trong 23 triệu dân Syria phải rời bỏ nhà cửa, hầu hết tạm trú tại các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Iraq và Ai Cập. Trong khi đó, theo Reuters, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, tình hình ở Syria là cơn ác mộng kinh hoàng, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo cho nước này.

Hiện 80% dân số Syria sống dưới mức đói nghèo. Lạm phát ở mức 180-300%, theo Cục Thống kê Trung ương Syria. Giá 1kg đường tăng từ 700 pound Syria lên 2.400 pound. 10 năm đánh dấu “Thế chiến thứ ba thu nhỏ trong lòng Syria” với “những cuộc chiến tranh ủy nhiệm”, những thay đổi về cán cân quyền lực và đất nước này bị tàn phá nặng nề - theo mô tả của báo New York Times.

Cuộc nội chiến ở Syria bùng nổ vào năm 2011 với các cuộc biểu tình phản đối chính phủ biến thành bạo lực. Với sự hỗ trợ của Nga từ năm 2015 cùng sự can thiệp của Iran và lực lượng thân Tehran, chính phủ của ông Assad đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ, đẩy lùi được tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Song, phần còn lại của đất nước vẫn nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập vũ trang, các phần tử thánh chiến hoặc lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd kiểm soát. Rất nhiều cuộc hòa đàm quốc tế đã được tổ chức nhưng không mang lại kết quả.

Khi làm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump từng cam kết sẽ đưa cường quốc này ra khỏi những cuộc chiến tranh không có hồi kết như Syria và tuyên bố đã “đánh bại IS 100%”. Giới quan sát cũng cho rằng, Mỹ cần rời Syria bởi không có lý do gì hiện diện ở đây nữa. Thế nhưng, hiện còn khoảng 600-900 binh sĩ Mỹ đóng ở đông bắc Syria.

Giờ đây, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các bên liên quan đẩy nhanh tiến trình hòa bình và xây dựng hiến pháp mới để mang lại cuộc sống hòa bình cho người dân Syria. Tuy nhiên, Syria đang đối mặt với quá nhiều vấn đề, những vết thương chiến tranh đang hằn sâu, lớn nhất vẫn là bạo lực, là lợi ích của các nước liên quan. Trong suốt 10 năm qua, Nga - đồng minh của Tổng thống Assad - đã phủ quyết 16 nghị quyết của HĐBA. Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia quy trách nhiệm cho “các lực lượng bên ngoài” đã can dự vào cuộc bất ổn của Syria hồi năm 2011 nhằm lật đổ chính phủ của ông Assad và kêu gọi kết thúc các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Việt Nam kêu gọi nỗ lực đàm phán và tăng cường hỗ trợ cho Syria

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 15-3, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, chia sẻ quan điểm với thành viên Hội đồng Bảo an về sự cần thiết phải thúc đẩy tiến trình chính trị do người dân Syria dẫn dắt và làm chủ, trên cơ sở Nghị quyết 2254 mà Hội đồng Bảo an đã đồng thuận thông qua năm 2015. Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng đã có nhiều nỗ lực quốc tế và khu vực nhằm hỗ trợ giải quyết tình hình tại Syria trong 10 năm vừa qua nhưng chưa đạt được kết quả mong muốn do sự thiếu lòng tin giữa các bên.

Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi các bên kiềm chế các hành động có thể làm tình hình leo thang, duy trì tình trạng ổn định để phục vụ các nỗ lực đàm phán và tăng cường hỗ trợ cho Syria về mọi mặt nhằm vượt qua các thách thức hiện nay.

TTXVN

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.