Gần tròn một năm sau khi áp đặt những lệnh phong tỏa đầu tiên nhằm chống đại dịch Covid-19 hồi năm ngoái, nhiều nước châu Âu lại đang đối mặt với “bóng ma” Covid-19 bùng phát trở lại.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người từng vào phòng chăm sóc tích cực vì mắc Covid-19, đang được tiêm vắc-xin của AstraZeneca tại London ngày 19-3-2021. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, nhiều nước châu Âu đều ghi nhận số ca mắc mới trung bình cao nhất trong tuần qua. Mới nhất, Pháp và Ba Lan phải tái áp đặt một số lệnh phong tỏa cục bộ ở các khu vực khi cả hai nước chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh trong những tuần gần đây. Lệnh phong tỏa lần này được đánh giá giảm nhẹ hơn, một phần có lẽ nhằm giảm sức ép và căng thẳng tâm lý với nhiều người vốn đã quá mệt mỏi vì đại dịch.
Nhiều biện pháp phòng chống dịch
Theo đài BBC, lệnh phong tỏa cục bộ tại Pháp có hiệu lực từ nửa đêm 19-3. Khoảng 21 triệu dân tại 16 khu vực khác nhau như Paris và các vùng phụ cận, thành phố Nice và nhiều khu vực lớn ở miền bắc nước Pháp, thuộc nhóm chịu tác động trong các lệnh phong tỏa cục bộ vừa áp dụng. Kể từ lúc bùng phát dịch tới nay, Pháp ghi nhận hơn 4,2 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 92.000 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Pháp giờ đây đối mặt với làn sóng dịch thứ ba.
Tại Ba Lan, các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu, khách sạn, cơ sở tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao tạm đóng cửa trong 3 tuần. Trong tuần qua, Ba Lan ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất kể từ tháng 11-2020, với hơn 27.200 ca.
Đức và Cộng hòa Czech đưa Ba Lan vào danh sách các quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất. Từ ngày 21-3, công dân Ba Lan chỉ được phép nhập cảnh vào Đức khi có kết quả xét nghiệm âm tính đối với SARS-CoV-2. Bộ Y tế Cộng hòa Czech xếp Ba Lan, Cyprus, Đan Mạch và Na Uy vào danh sách các quốc gia có nguy cơ dịch bệnh cao nhất. Công dân các nước này khi nhập cảnh Czech bắt buộc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, được thực hiện không quá 72 giờ trước khi đến, đồng thời phải cách ly và sau 5 ngày cách ly phải thực hiện thêm 1 lần xét nghiệm.
Số ca mắc mới cũng đang tăng nhanh và mạnh ở Đức tới mức Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo nhiều khả năng nước này sẽ cần áp dụng biện pháp “phanh gấp” và tái áp đặt ngay lập tức các biện pháp phong tỏa phòng dịch.
Tại nhiều thành phố châu Âu, sức ép từ kinh tế đang “thổi lửa” cho nhiều phong trào biểu tình phản đối lệnh phong tỏa/hạn chế. Tại Amsterdam (Hà Lan), cảnh sát đã dùng vòi rồng để xua người biểu tình khỏi Quảng trường Bảo tàng. Tại thành phố miền trung Kassel của Đức, cảnh sát dùng hơi cay và dùi cui để giải tán đám đông biểu tình cố ý xông qua rào chắn. Các video ghi từ hiện trường vụ việc lan truyền trên mạng xã hội cho thấy lực lượng an ninh Đức đã dùng tới vòi rồng để ứng phó với người biểu tình.
Nhiều người biểu tình phản đối lệnh phong tỏa đã bị bắt tại Hyde Park, London (Anh). Hàng ngàn người biểu tình tập trung tại thị trấn Liestal của Thụy Sĩ, gần thành phố lớn Basel, để phản đối các lệnh hạn chế phòng dịch. Các cuộc biểu tình tương tự cũng đã diễn ra tại Berlin (Đức), Helsinki (Phần Lan) và Vienna (Áo).
Vắc-xin ngừa Covid-19: Lợi ích lớn hơn rủi ro
Trong khi đó, tiến độ triển khai các chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn Liên minh châu Âu (EU) đang gặp nhiều trở ngại do việc phân phối vắc-xin bị trì hoãn, nhiều nước châu Âu đang tạm dừng tiêm vắc-xin của AstraZeneca để điều tra rủi ro tác dụng phụ gây đông máu có thể có. Theo CNN, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã thẩm định mức độ an toàn của vắc-xin AstraZeneca và khẳng định vắc-xin này không liên quan tới trình trạng tăng huyết khối ở người được tiêm như một số nước lo lắng.
Hãng tin CNN cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng kêu gọi các nước tiếp tục sử dụng vắc-xin của AstraZeneca. Cuối tuần qua, các chuyên gia của WHO còn nhấn mạnh về “tiềm năng rất lớn của vắc-xin này trong việc phòng ngừa lây bệnh và giảm tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới”.
Có lẽ phần nào đó được củng cố niềm tin từ EMA và WHO, nhiều nước châu Âu như Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan bắt đầu khởi động lại chương trình tiêm chủng vắc-xin của AstraZeneca. Giới chức y tế Pháp khuyến nghị chỉ nên sử dụng vắc-xin này cho những người từ 55 tuổi trở lên. Hãng Reuters dẫn lời GS. John Bell thuộc lực lượng chuyên trách vắc-xin ngừa Covid-19 của chính phủ Anh cho rằng, việc Pháp từ chối tiêm vắc-xin này cho những người dưới 55 tuổi “thực sự gây tổn hại niềm tin của người dân với các vắc-xin nói chung”. “Nếu có vấn đề máu đông liên quan tới các vắc-xin này - tôi không nói là đang có vấn đề, nhưng giả sử nếu có chăng nữa, thì nguy cơ đó ở mức rất nhỏ so với các rắc rối sẽ gặp phải nếu mắc Covid-19”, GS. John Bell lập luận.
TRẦN ĐẮC LUÂN