Châu Âu phong tỏa trở lại vì Covid-19

.

Số ca mắc Covid-19 ở châu Âu gia tăng trở lại, khiến nhiều quốc gia phải áp đặt tình trạng phong tỏa.

Từ ngày 15-3, nhiều khu vực ở Ý được áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn.  Ảnh: stripes.com
Từ ngày 15-3, nhiều khu vực ở Ý được áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn. Ảnh: stripes.com

Theo Reuters, châu Âu đang đối mặt với làn sóng thứ ba của Covid-19. Số ca nhiễm mới ở “lục địa già” đang tăng mạnh nhất kể từ tháng 2 đến nay, chủ yếu do sự xuất hiện của các biến chủng SARS-CoV-2 và các nước đã nới lỏng biện pháp phòng chống dịch quá sớm, trong lúc nguồn cung cấp vắc-xin chậm trễ.

Nhiều nước lo ngại làn sóng dịch mới

Tại Pháp, Reuters dẫn lời Thủ tướng Jean Castex khẳng định nước này phải làm mọi việc để tránh áp đặt phong tỏa một lần nữa. Ngày 14-3, Bộ Y tế Pháp ghi nhận thêm hơn 26.300 ca nhiễm, giảm so với con số 29.700 ca nhiễm của ngày trước đó, nhưng tỷ lệ lây nhiễm cao như thế gây áp lực lớn cho các bệnh viện. Có thêm 140 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở Pháp lên hơn 90.400. Bộ trưởng Y tế Olivier Véran thậm chí mô tả tình hình ở thủ đô Paris “căng thẳng và đáng lo ngại”, cứ 12 phút thì có một người dân Paris phải nằm giường chăm sóc đặc biệt. Tổng số ca nhiễm ở Pháp hiện tăng lên hơn 4,7 triệu ca.

Một số chuyên gia y tế ở Pháp đang gây sức ép để chính phủ áp đặt đợt phong tỏa cả nước lần thứ ba mặc dù Tổng thống Emmanuel Macron đã ban lệnh giới nghiêm và các biện pháp hạn chế ở vài khu vực. Trong khi đó, Pháp đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho hơn 5,1 triệu người (7,7% dân số), bao gồm hơn 2,2 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi.

Tại Ý - quốc gia phương Tây đầu tiên chịu tác động của Covid-19, từ ngày 15-3, nhiều khu vực được áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn. Người dân chỉ được ra khỏi nhà khi thật cần thiết, hầu hết các cửa hàng phải đóng cửa. Theo Reuters, tuần qua, Ý chứng kiến số ca nhiễm mới tăng 10% so với tuần trước đó và các nhà chức trách cảnh báo tình hình đang xấu đi do các biến thể mới của SARS-CoV-2 lây lan nhanh. Thủ tướng Ý Mario Draghi có thể phải ban bố lệnh phong tỏa phần lớn cả nước dịp lễ Phục sinh (4-4).

Đến nay, 6,6 triệu người dân Ý đã nhận được 1 liều tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, trong đó gần 2 triệu người đã tiêm đủ 2 liều. Ngày 13-3, Ý công bố kế hoạch tiêm chủng quốc gia nhằm tiêm vắc-xin cho ít nhất 80% dân số vào cuối tháng 9, đồng thời nâng cao năng lực tiêm vắc-xin lên tối đa 500.000 liều/ngày.

Tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, các nhà chức trách xác nhận nước này đang chật vật đối phó với làn sóng thứ ba. Thống kê của Viện Robert Koch ngày 15-3 cho biết, có thêm hơn 6.600 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm ở Đức lên hơn 2,5 triệu; và có thêm 47 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 73.400 ca.

Vương quốc Anh hiện có hơn 4,2 triệu ca nhiễm và 126.000 ca tử vong. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng, chính phủ sẽ đánh bại Covid-19 trong những tháng tới, mặc dù các chuyên gia y tế dự báo xứ sở sương mù sẽ đối mặt với làn sóng mới của dịch vào mùa thu.

Ba Lan cũng áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn để kiểm soát dịch bệnh từ ngày 15-3 sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới lên đến 17.200 ca hồi tuần trước.

Lời cảnh báo cho Mỹ

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp ở châu Âu, chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci nói rằng, số ca nhiễm tăng trở lại ở “lục địa già” là lời cảnh báo cho quyết định dỡ các biện pháp hạn chế quá sớm ở Mỹ. “Khi tôi nghe nói dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp y tế công cộng, không còn khẩu trang, không còn biện pháp phòng ngừa tương tự, tôi thấy nó giống như việc kinh doanh đầy rủi ro”, ông Fauci trả lời phỏng vấn trong chương trình “Meet the Press” của NBC.

Ông Fauci lý giải, số ca nhiễm mới tăng đột biến trên khắp châu Âu trong thời gian gần đây một phần do các chính phủ đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch quá sớm. “Khi bạn thấy các ca nhiễm chững lại ở số lượng lớn thì luôn có nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Rất tiếc, đó là những gì đang diễn ra ở châu Âu”, ông nói.

Mỹ hiện đã tiêm hơn 107 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân. Theo thống kê của trang worldometers, Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong với các con số lần lượt là 30 triệu và 547.000.

Theo trang thống kê worldometers, tính đến ngày 15-3, số ca mắc Covid-19 trên thế giới đã vượt mốc 120 triệu, trong đó có hơn 2,6 triệu ca tử vong và 97 triệu ca hồi phục.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.