Chống biến đổi khí hậu: Cam kết nhiều, hành động ít

.

Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, các quốc gia chi rất nhiều tiền để ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, nhưng chẳng rót tiền chống lại sự ấm nóng toàn cầu.

Tảng băng trôi ở vịnh băng Ilulissat, gần thành phố Ilulissat, đảo Greenland vào tháng 8-2019. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng sâu sắc đến Greenland. Ảnh: Getty Images
Tảng băng trôi ở vịnh băng Ilulissat, gần thành phố Ilulissat, đảo Greenland vào tháng 8-2019. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng sâu sắc đến Greenland. Ảnh: Getty Images

Hãng tin AP dẫn báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ và Đại học Oxford cho biết, tính đến nay, các nền kinh tế hàng đầu của thế giới đã đầu tư hơn 14.600 tỷ USD để phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19 năm 2020, trong đó gần 2.000 tỷ USD dành cho phục hồi dài hạn. Song, chỉ 341 tỷ USD (18%) được đầu tư cho “chi tiêu xanh”.

“Vội vàng chọn các giải pháp kinh tế quen thuộc”

Tác giả của báo cáo nói trên, ông Brian O’Callaghan làm việc cho dự án Phục hồi kinh tế của Đại học Oxford nói: “Dường như thế giới đang cố gắng dập lửa nhà bằng vòi tưới vườn, trong khi có một vòi tưới hoàn toàn tốt sẵn bên cạnh”. Theo ông Brian, báo cáo nêu rõ những cơ hội đã bị bỏ lỡ, chẳng hạn ở Úc, chỉ 2% trong số 130 tỷ USD được chính phủ dành cho “chi tiêu xanh”.

Báo cáo cũng khuyến khích tập trung chi tiêu dài hạn như đường sá, các tòa nhà và các dự án năng lượng, thay vì tập trung công tác cứu trợ nhanh chóng để vượt qua tình trạng thất nghiệp, khủng hoảng kinh tế do Covid-19. AP dẫn lời Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze cho rằng, các nước “vội vàng chọn các giải pháp kinh tế quen thuộc”, thay vì đầu tư vào “tương lai bền vững hơn”.

Thế giới đang đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan chưa từng có xảy ra ở mọi vùng, mọi châu lục, từ cháy rừng đến hạn hán, lũ lụt, siêu bão, băng tan chảy mạnh… Tại một hội nghị trực tuyến hồi tháng 2 vừa qua, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng, 6 năm kể từ năm 2015 - thời điểm các nước đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu  - cũng là 6 năm thế giới nóng nhất.

Theo ông Guterres, những cam kết được đưa ra vẫn chưa đủ, thậm chí các nước nhưng chưa thực hiện đầy đủ cam kết. Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cảnh báo, thế giới có thể phải đối mặt với mức tăng nhiệt độ lên tới hơn 3 độ C trong thế kỷ này nếu không hành động ngay.

Tính đến nay, theo báo The Independent, hơn 110 nước đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Trung Quốc - nước phát thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, hướng đến trung hòa carbon vào năm 2060. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính 55% so với mức năm 1990. Tổng Thư ký LHQ Guterres cũng kêu gọi hành động toàn cầu để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chờ hành động của Mỹ

Việc Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu mang đến nhiều kỳ vọng, nhất là khi nước phát thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới này cam kết hỗ trợ các quốc gia khác giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và hỗ trợ nhân đạo cho những đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai. Cũng theo báo cáo của LHQ, Mỹ hiện dành 1/4 ngân sách phục hồi dài hạn sau Covid-19 cho các dự án xanh. Theo đó, báo cáo này xếp Mỹ vào danh sách các nước có “tiềm năng hành động” sau Na Uy, Đức, Phần Lan, Canada và Pháp, nhưng xếp trước Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Nga và Saudi Arabia.

Ngày 10-3, đặc phái viên khí hậu của Mỹ John Kery xác nhận Washington sẽ đưa ra những cam kết tài chính mới về chống biến đổi khí hậu muộn nhất là vào tháng 4, thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. Ông Kerry cũng nói rằng, hội nghị này là bước chuẩn bị quan trọng cho hội nghị khí hậu LHQ (COP26) dự kiến diễn ra tại Glasgow (Anh) vào tháng 11 tới.

Tại COP26 sắp tới, các chính phủ sẽ đưa ra những quyết định về tương lai của con người và hành tinh để thực hiện 3 mục tiêu chính: tầm nhìn dài hạn, thập kỷ chuyển đổi và hành động khí hậu khẩn cấp.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.