Sóng gió trên lĩnh vực kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc dường như tạm ngưng vào cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump. Giờ đây, một câu hỏi được đặt ra là Tổng thống Joe Biden sẽ áp dụng chính sách nào đối với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một đối thủ cạnh tranh trực tiếp đến ngôi vị của nước Mỹ?
Khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã ký hàng loạt sắc lệnh đối nội và đối ngoại nhằm đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm, nhưng riêng về Trung Quốc thì ông không có bất kỳ một động thái nào, thậm chí còn gia tăng một số biện pháp mạnh mẽ hơn liên quan đến vấn đề Biển Đông, Hong Kong...
Đầu tháng 2 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì kêu gọi Mỹ tập trung hợp tác và kiểm soát các bất đồng nhằm đưa quan hệ song phương phát triển theo hướng lành mạnh, ổn định. Theo ông Dương Khiết Trì, các doanh nghiệp Mỹ có thể được hưởng lợi từ việc xuất khẩu số hàng hóa trị giá 22.000 tỷ USD sang Trung Quốc trong thập niên tới.
Trong khi đó, phát biểu về chính sách đối ngoại ngày 4-2, Tổng thống Biden gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất” của Mỹ và ông sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh nếu cần phải làm vậy vì lợi ích của nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Biden tuyên bố sẽ đối đầu với Trung Quốc trong nhiều vấn đề.
Trên bình diện chung, cán cân thương mại Mỹ - Trung có cải thiện trong năm 2020, nhưng quan hệ hai bên vẫn căng thẳng khiến Tổng thống Biden phải đối mặt với phép thử làm sao cải thiện mối quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố hồi đầu tháng 2, mức thâm hụt thương mại hàng hóa Mỹ giảm khoảng 10% xuống còn 310,8 tỷ USD vào năm 2020, sau khi đã giảm 18% vào năm 2019 từ mức thâm hụt cao kỷ lục hồi năm 2018 là 418,95 tỷ USD. Song, Trung Quốc vẫn là nguyên nhân gây ra tới 1/3 tổng thâm hụt hàng hóa của Mỹ.
Còn trong báo cáo về chương trình nghị sự năm 2021 do Văn phòng Ðại diện Thương mại Mỹ (USTR) đệ trình lên Quốc hội, đội ngũ phụ trách vấn đề thương mại của Tổng thống Biden cho biết sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ với các đồng minh và bảo vệ người lao động Mỹ. Báo cáo nhấn mạnh việc phục hồi quan hệ rạn nứt với các đồng minh và đối tác thương mại sẽ là một phần trong chiến lược ứng phó với Trung Quốc của Tổng thống Biden nhằm giải quyết sự “méo mó” của thị trường toàn cầu do tình trạng dư thừa công nghiệp tạo ra. Như vậy, báo cáo này được xem là một trong những tín hiệu nhằm chính thức hóa những tuyên bố của Tổng thống Biden và bà Katherine Tai - người được đề cử đứng đầu USTR về lĩnh vực kinh tế. Điều đáng chú ý là báo cáo nhấn mạnh những thiệt hại do các hành vi thương mại không công bằng và mang tính cưỡng ép của Trung Quốc gây ra, đồng thời khẳng định những hành vi này “gây phương hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ”.
Theo Bloomberg, Mỹ cũng đang tìm cách tập hợp liên minh các quốc gia để giành lợi thế trong chế tạo chất bán dẫn và điện toán lượng tử, một lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế hiện đại. Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu - do Trung Quốc dự trữ và nhu cầu tăng vọt trong đại dịch Covid-19 - đã buộc một số nhà sản xuất ô-tô Mỹ phải đóng cửa các nhà máy. Nó cũng bộc lộ điểm yếu trong chuỗi cung ứng của Washington là phụ thuộc quá nhiều vào một số nhà sản xuất ở Trung Quốc.
Các quan chức và chuyên gia nhận định, kế hoạch của chính phủ Tổng thống Biden trong lĩnh vực công nghệ là mô hình thu nhỏ của các kế hoạch rộng lớn hơn nhằm tìm kiếm liên minh đối đầu với Bắc Kinh sau cách tiếp cận nhiều xáo trộn dưới thời ông Trump.
Từ những diễn biến nói trên, giới phân tích dự đoán ông Biden sẽ tiếp nối những chính sách của Mỹ về Trung Quốc dưới thời ông Trump nhưng bao gồm việc hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia đồng minh cũng như củng cố các quan hệ đối tác hiện tại. Trong đó, ưu tiên hàng đầu của Mỹ vẫn là “Bộ tứ Kim cương” (Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ), vốn được xem là một liên minh kiểu NATO ở châu Á, để sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc.
TUYẾT MINH