CHDCND Triều Tiên vừa phóng 2 tên lửa hành trình tầm ngắn ra ngoài khơi bờ biển Hoàng Hải. Song, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, hành động này không phải là sự khiêu khích nghiêm trọng và cánh cửa đối thoại vẫn mở.
Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn vào ngày 8-10-2019. Ảnh: KCNA/AP |
Hãng tin AFP dẫn lời các quan chức chính phủ Mỹ vừa xác nhận Triều Tiên phóng 2 tên lửa tầm ngắn, không phải là tên lửa đạn đạo, từ khu vực cảng Onchon của Triều Tiên vào sáng 21-3. Song, các quan chức Mỹ cho rằng, đây là cuộc thử nghiệm vũ khí thông thường và không vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ).
Tên lửa hành trình, không phải tên lửa đạn đạo
Phát biểu với báo giới, một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ khẳng định, việc phóng tên lửa không giống các vụ thử vũ khí hạt nhân hay phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Bình Nhưỡng đã thực hiện trước đây nhằm khiêu khích Washington.
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), các vật thể được phóng dường như là tên lửa hành trình, chứ không phải tên lửa đạn đạo, và phóng ra Biển Hoàng Hải, nghĩa là hướng đến Trung Quốc, không hướng đến Nhật Bản - đồng minh của Mỹ.
Vụ phóng tên lửa nói trên diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến công cán của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Nhật Bản và Hàn Quốc để bàn thảo về các vấn đề liên minh cũng như an ninh ở khu vực. Song, theo AFP, chính Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, hành động của Bình Nhưỡng không phải là sự khiêu khích nghiêm trọng. “Không, theo Bộ Quốc phòng, đó là công việc bình thường”, ông Biden trả lời báo giới khi được hỏi động thái của Bình Nhưỡng có phải là sự khiêu khích hay không.
Đáng chú ý, đây là lần phóng tên lửa đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ. Lúc ông Biden mới đắc cử, các chuyên gia dự đoán Triều Tiên có thể thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hoặc tên lửa đạn đạo tầm ngắn để đánh giá động thái của Mỹ, trước khi dùng đến tên lửa đạn đạo liên lục địa. Việc phóng tên lửa hành trình không thuộc diện cấm trong các nghị quyết của HĐBA LHQ. Triều Tiên đã dừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa từ cuối năm 2017, nhưng có thực hiện một số vụ thử tên lửa tầm ngắn.
Mỹ xem xét lại cách tiếp cận với Triều Tiên
Mỹ đang xem xét lại cách tiếp cận với Triều Tiên sau mối quan hệ đầy biến động giữa Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Dưới thời ông Trump, hai nước đã có những cuộc gặp thượng đỉnh, nhưng đàm phán phi hạt nhân hóa đến nay vẫn bế tắc. Giờ đây, theo công ty tin tức toàn cầu Politico có trụ sở tại Virginia (Mỹ), cánh cửa đối thoại vẫn mở, nghĩa là Mỹ vẫn muốn đối thoại, nhưng chiến lược của Washington đối với Bình Nhưỡng sẽ thông qua sự tham vấn hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hãng tin AFP dẫn lời ông Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) nhận định: “Chúng ta không nên coi mọi vụ thử tên lửa của Triều Tiên là hành động khiêu khích, bởi Hàn Quốc cũng tiến hành những vụ thử như thế trong các cuộc tập trận quân sự thường niên”. Song, theo ông Cheong Seong-chang, Triều Tiên có thể nâng mức độ thử tên lửa từ tầm ngắn sang tầm trung trong một vài tháng tới nếu nước này cho rằng Washington đang gia tăng gấp đôi chính sách trừng phạt nhằm chống lại họ.
Trong lúc đó, theo Yonhap, hồi tháng 1, Triều Tiên vạch ra kế hoạch mở rộng đáng kể năng lực hạt nhân trong năm 2021, cụ thể là cải tiến, cập nhật tên lửa tầm xa hơn, tên lửa siêu thanh và các đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, cấp chiến thuật để bổ sung cho các vũ khí lớn hơn… Song, các chuyên gia cho rằng, thay vì phóng tên lửa đạn đạo, Triều Tiên dường như chọn bước đi “ở cấp độ thấp” chỉ nhằm cảnh báo Hàn Quốc và Mỹ.
Cũng theo Yonhap, Triều Tiên hiện không mấy quan tâm đến lời đề nghị của Tổng thống Joe Biden về việc nối lại đàm phán. Ngày 18-3, trong một tuyên bố, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên Choe Son-hui khẳng định, bất kỳ liên hệ và đối thoại nào với Mỹ có thể được thực hiện chỉ khi nào Washington dỡ bỏ “chính sách thù địch” trước hết.
Vì vậy, hành động phóng tên lửa hành trình lần này có thể là phép thử phản ứng của Mỹ và Hàn Quốc khi cả Washington lẫn Seoul đang có những động thái ngoại giao hướng đến nối lại đàm phán Mỹ - Triều. Dù sao cánh cửa đàm phán để ngỏ vẫn là cơ hội cho tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
PHÚC NGUYÊN