Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, việc cơ quan này ra thông báo “một vấn đề y tế công khẩn cấp gây lo ngại quốc tế” vào ngày 30-1-2020 thực chất là “mức độ cao nhất mà WHO có thể thực hiện theo luật quốc tế”.
Cơ quan chức năng khử khuẩn tại một khu vực ở thủ đô Seoul ngày 3-3-2020, thời điểm Hàn Quốc là tâm dịch. Ảnh: Getty Images |
Tròn 1 năm WHO công bố Covid-19 là đại dịch, các quan chức cấp cao của cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc tiếp tục bảo vệ quyết định trong việc không công bố Covid-19 là đại dịch trước ngày 11-3-2020.
“Báo động mức cao nhất”
Cơ quan thông tấn PA cho biết, trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 8-3, bà Maria Van Kerkhove, phụ trách kỹ thuật của WHO trong đại dịch Covid-19 lý giải: “Chúng tôi dùng từ “đại dịch” hoặc có khả năng trở thành đại dịch trước ngày 11-3-2020 bởi chúng tôi đã thiết lập mọi thứ để ngăn chặn đại dịch xảy ra và nhiều quốc gia đã hành động”. Bà Maria cho hay, từ ngày 30-1-2020, WHO ra thông báo “một vấn đề y tế công khẩn cấp gây lo ngại quốc tế” và thông báo này thực chất là “báo động mức cao nhất”, tức “mức độ cao nhất mà WHO có thể thực hiện theo luật quốc tế”.
Cách đây 1 năm, ngày 11-3-2020, các lãnh đạo của WHO chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, nói rằng dùng từ “đại dịch” để mô tả tình hình Covid-19 hiện tại và điều này “không làm thay đổi những gì chúng tôi đang làm”. Lúc đó, trên thế giới có 100.000 người mắc Covid-19, trong đó có hơn 80.000 người ở Trung Quốc đại lục.
WHO bị chỉ trích chậm chạp trong phản ứng với Covid-19. Khi dịch bệnh xuất hiện ở nhiều quốc gia, Trung Quốc đại lục phong tỏa thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), WHO không công bố đại dịch. Khi Mỹ cấm nhập cảnh tất cả những người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày, WHO cho rằng, việc áp quy định như vậy là không cần thiết và khuyến cáo các nước không nên đóng cửa biên giới.
Ngày 28-2-2020, WHO nâng mức cảnh báo lây nhiễm toàn cầu đối với Covid-19 lên mức “rất cao” sau khi ghi nhận dịch bệnh tại gần 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến ngày 11-3-2020, WHO mới công bố Covid-19 là đại dịch.
Trong số những nhà lãnh đạo chỉ trích WHO, đáng chú ý là ông Donald Trump lúc đó làm Tổng thống Mỹ. Ông Trump thậm chí cho rằng, WHO hoãn công bố đại dịch theo yêu cầu của Trung Quốc.
Làn sóng thứ tư
Trong cuộc họp báo ở Geneva ngày 8-3, Tổng Giám đốc Tedros khuyến cáo các nước không nên lơ là việc chống dịch. “Lúc này, WHO tập trung ủng hộ tất cả các nước kết thúc đại dịch, bằng việc sử dụng vắc-xin và các biện pháp y tế công cộng vốn là nền tảng của phản ứng”, CNN dẫn lời ông Tedros nói. Các biện pháp y tế công cộng mà nhà lãnh đạo WHO đề cập bao gồm: đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, thực hiện giãn cách xã hội... Người đứng đầu WHO cũng nhấn mạnh: “Chúng ta đã đi đến đây, chúng ta đã chịu đựng quá nhiều và mất mát quá nhiều. Chúng ta không thể lãng phí những tiến bộ đã đạt được”.
Cuối tuần trước, theo Yahoo News, ông Tedros cảnh báo về nguy cơ làn sóng thứ tư của dịch bệnh. Sau 6 tuần liên tiếp sụt giảm, số ca nhiễm trên toàn cầu tăng trong tuần cuối của tháng 2, bắt nguồn từ các biến thể mới. Bởi vậy, các chuyên gia lo ngại một làn sóng mới của dịch bệnh sẽ xảy ra. Chẳng hạn, tại Nhật Bản, giới chức y tế ngày 9-3 thông báo gần 400 người bị nhiễm một biến thể mới của SARS-CoV-2, khác với những biến thể được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil. Ông Atsuo Hamada, chuyên gia bệnh nhiễm tại Đại học Y khoa Tokyo cho rằng, nếu các biến thể mới của SARS-CoV-2 lây lan rộng thì có thể trở thành làn sóng thứ tư. Điều khó khăn là Nhật Bản chưa xác định cụ thể được các biến thể đến từ đâu.
Ngày 8-3, Ý vượt mốc 100.000 ca tử vong do Covid-19 và là quốc gia thứ 6 trên thế giới có số ca tử vong vượt ngưỡng này. Thủ tướng Mario Draghi nói rằng, cách đây 1 năm, Ý là nước phương Tây đầu tiên dùng đến biện pháp phong tỏa.
Hãng tin CNN dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, khoảng 70% dân số toàn cầu nên được tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Thống kê của hãng thông tấn TASS cho hay, hơn 300 triệu người đã được tiêm chủng. Trong khi đó, theo trang thống kê worldometers, tính đến ngày 9-3, toàn cầu có hơn 117,8 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 2,6 triệu ca tử vong. |
PHÚC NGUYÊN