Mỹ - Trung Quốc hợp tác chống biến đổi khí hậu

.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về chống biến đổi khí hậu do Mỹ chủ trì diễn ra trong tuần này, hai quốc gia đứng đầu thế giới về phát thải khí carbon tuyên bố sẽ hợp tác để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Trung Quốc hiện là nước sử dụng than đá nhiều nhất thế giới. 	                      Ảnh: Greenpeace
Trung Quốc hiện là nước sử dụng than đá nhiều nhất thế giới. Ảnh: Greenpeace

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry và Đặc phái viên Trung Quốc về biến đổi khí hậu Giải Chấn Hoa đã đạt được thỏa thuận tại Thượng Hải vào cuối tuần qua. 
Sự đồng thuận hiếm hoi

Hãng tin AP cho biết, Mỹ và Trung Quốc “cam kết hợp tác với nhau và với các nước khác để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, một vấn đề phải được giải quyết bằng sự nghiêm túc và cấp bách cần thiết”. Trung Quốc hiện là quốc gia thải khí carbon lớn nhất thế giới, kế đó là Mỹ. Hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới cũng là hai nước xả ra một nửa lượng khí phát thải từ sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch đang làm quả đất nóng lên. Do đó, không nghi ngờ gì khi nói rằng sự hợp tác của hai “ông lớn” này sẽ là nhân tố cốt yếu giúp mang lại thành công cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thực tế, khí hậu là lĩnh vực hiếm hoi mà Mỹ và Trung Quốc có thể tìm được tiếng nói chung trong mối quan hệ căng thẳng thời gian qua. Gặp gỡ các phóng viên tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) ngày 18-4, ông John Kerry cho biết, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia một tuyên bố chung gọi biến đổi khí hậu là một “cuộc khủng hoảng”, và ngôn ngữ trong tuyên bố chung của hai nước rất “mạnh mẽ” rằng, hai nước đã nhất trí với nhau về “các yếu tố thiết yếu để hai bên cùng triển khai”. Trung Quốc hiện là nước sử dụng than đá nhiều nhất thế giới. Đặc phái viên Kerry nói rằng, ông và giới chức Trung Quốc đã thảo luận rất nhiều về việc làm sao để tăng tốc quá trình chuyển đổi sử dụng năng lượng toàn cầu.

Theo báo Financial Times, chuyến công du của ông John Kerry tới Trung Quốc diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Mỹ chủ trì, được xem là động thái mang tính nhấn mạnh các chính sách khí hậu mới của tân Tổng thống Joe Biden. Song, một vấn đề chưa rõ là không biết chuyến công du của ông John Kerry tới Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước tăng thêm mức nào trong các vấn đề khí hậu.

Thúc đẩy hành động

Theo AP, cuối tuần qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành phát tín hiệu cho biết, Bắc Kinh sẽ không đưa ra thêm cam kết mới nào nữa tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ chủ trì tuần này. “Với một quốc gia có 1,4 tỷ dân, việc thực hiện các mục tiêu đó không đơn giản”, ông Lạc Ngọc Thành chia sẻ quan điểm với AP trong cuộc phỏng vấn ở thủ đô Bắc Kinh. Trong cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp cuối tuần qua (17-4), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng: “Không nên biến biến đổi khí hậu thành vấn đề địa chính trị”, hay “biến nó thành mục tiêu để tấn công các nước khác”, hoặc lợi dụng nó làm “cái cớ để dựng rào cản thương mại”. Năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố mục tiêu của Trung Quốc là trung hòa carbon vào năm 2060.

Ông Li Shuo, cố vấn về chính sách năng lượng của tổ chức Greenpeace tại Bắc Kinh, nhận định tuyên bố chung của Mỹ và Trung Quốc về sự hợp tác của hai nước trong mặt trận chống biến đổi khí hậu được công bố trong bối cảnh có nhiều “thách thức địa chính trị”, nhưng sẽ là động lực đáng kể thúc đẩy các hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong năm nay còn một sự kiện quan trọng khác của thế giới, đó là hội nghị về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra vào tháng 11 tại thành phố Glasgow của Scotland, Vương quốc Anh. Hội nghị này sẽ khởi động lại những nỗ lực toàn cầu nhằm giữ nhiệt độ Trái đất giảm xuống 1,5 độ C như đã thống nhất trong thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.

40 nhà lãnh đạo tham dự hội nghị về khí hậu

Theo AP, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu từ ngày 22 đến 23-4. Giới quan sát kỳ vọng Mỹ và các nước khác sẽ công bố nhiều mục tiêu quốc gia tham vọng về việc cắt giảm phát thải khí carbon trước và trong khi diễn ra hội nghị này. Bên cạnh đó, dư luận cũng chờ đợi các nước giàu đưa ra thêm những cam kết hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Tổng thống Biden luôn khẳng định chống biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên cao nhất của ông. Vừa nhậm chức Tổng thống, ông Biden ngay lập tức đưa nước Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận khí hậu Paris.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.