Việc Mỹ và các đồng minh rút quân khỏi Afghanistan vừa tạo ra cơ hội, vừa mang đến thách thức cho quốc gia Nam Á này, trong đó vấn đề hòa bình sau cuộc chiến tranh 20 năm vẫn là bài toán khó.
Mỹ sẽ rút 2.500 binh sĩ cuối cùng đang đồn trú ở Afghanistan về nước trước ngày 11-9-2021. Ảnh: Getty Images |
Sự kiện thu hút sự quan tâm của các nhà quan sát và công chúng trong tuần qua là Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ rút 2.500 quân khỏi Afghanistan trong giai đoạn từ ngày 1-5 đến trước 11-9. Tiếp đó, hàng loạt quốc gia, trong đó có các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan. Chẳng hạn, Anh đang rút 750 binh sĩ về nước, Đức sẽ rút quân vào giữa tháng 8.
Hãng tin BBC gọi đây là sự kiện đáng chú ý bởi ngày 11-9 tới sẽ đánh dấu tròn 20 năm Al-Qaeda tấn công nước Mỹ. Washington cho rằng, vụ khủng bố ngày 11-9-2001 đã được lên kế hoạch và chỉ đạo từ tổ chức Al-Qaeda ở Afghanistan. Chính phủ của Tổng thống Mỹ ở thời điểm đó là ông G.W.Bush đã phát động cuộc chiến tranh nhằm tiêu diệt khủng bố ở quốc gia Nam Á để Al-Qaeda không bao giờ đe đọa nước Mỹ thêm lần nào nữa, và cuộc chiến đã kéo dài 20 năm - dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Song, cũng theo BBC, cái giá phải trả cho chiến dịch quân sự dai dẳng này rất lớn cả về tính mạng, cuộc sống của người dân lẫn tiền bạc. Hơn 2.300 quân nhân Mỹ thiệt mạng, hơn 20.000 người khác bị thương. Chính Afghanistan cũng gánh chịu thiệt hại nặng nề khi 60.000 thành viên lực lượng an ninh của quốc gia này thiệt mạng. Nước Mỹ phải tiêu tốn ngân sách ước tính 1.000 tỷ USD.
Osama bin Laden đã bị lực lượng Mỹ tiêu diệt vào năm 2011 tại Pakistan và Mỹ hiện không còn chịu thêm vụ tấn công khủng bố lớn nào. Đương kim Tổng thống Joe Biden hứa sẽ kết thúc cuộc chiến tranh 20 năm và “xoay trục” về những gì mà ông cho là thách thức lớn hơn, để lại nhiều hệ lụy hơn cho nước Mỹ, trong đó có việc Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh cả về quân sự lẫn kinh tế.
Theo AP, nếu rút quân khỏi Afghanistan, ông Biden trao lại cơ hội cho chính phủ Afghanistan trong việc nâng cao vai trò của mình để duy trì an ninh cho đất nước. Song, ông Biden dường như chấp nhận rủi ro rằng, các phần tử cực đoan ở quốc gia Nam Á này có thể chống lại lực lượng Mỹ và đồng minh ở khắp khu vực. Khi ông Biden nhậm chức Tổng thống vào tháng 1-2021, Mỹ chỉ có khoảng 2.500 - 3.000 binh sĩ ở Afghanistan. Số binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây lên đến mức cao nhất là thời điểm nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama (năm 2009-2012), với 100.000 quân.
Hãng tin AP dẫn lời Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns cho rằng, năng lực thu thập thông tin tình báo và hành động của Mỹ trước các mối đe dọa sẽ giảm sút khi binh sĩ Mỹ rời Afghanistan. GS. Stephen Biddle ở Đại học Columbia (Mỹ), từng làm cố vấn cho các chỉ huy quân đội Mỹ tại Afghanistan, đặt ra giả thuyết Al-Qaeda có thể tái thiết lập căn cứ ở quốc gia Nam Á này khi Washington và các đối tác liên minh rời đi. Hồi tháng 2 vừa qua, Taliban ở Afghanistan và Mỹ đã ký thỏa thuận hòa bình, theo đó lực lượng này không cho phép Al-Qaeda hoặc bất kỳ nhóm cực đoan nào khác sử dụng lãnh thổ Afghanistan để đe dọa nước Mỹ. Thế nhưng, thỏa thuận có thể bị đổ vỡ bởi ông Biden không rút quân vào hạn cuối là ngày 1-5, mà rút quân trước ngày 11-9.
GS. Stephen Biddle bày tỏ lo ngại về nguy cơ thảm họa nhân đạo nghiêm trọng hơn nữa cho người dân Afghanistan. Thêm vào đó, sự vắng mặt của lực lượng Mỹ có thể dẫn đến bất ổn ở một khu vực Nam Á vốn có hai cường quốc hạt nhân: Pakistan và Ấn Độ.
Tiến trình hòa bình Afghanistan đang bế tắc khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Kabul và Taliban bị đình trệ. Bất chấp thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban, bạo lực vẫn xảy ra ở Afghanistan. Dĩ nhiên Mỹ sẽ có giải pháp duy trì sự phối hợp hành động để hỗ trợ an ninh cho Afghanistan sau khi rút quân, nhưng chưa có gì bảo đảm mang lại hòa bình cho một đất nước chìm trong chiến tranh tròn hai thập niên.
VĨNH AN