Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi ủng hộ việc bỏ bản quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, các nước vẫn tranh cãi về vấn đề này bởi nó ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nhiều quốc gia, doanh nghiệp.
Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở thành phố Drammen, Na Uy. Ảnh: AFP/Getty Images |
Hãng tin CNBC của Mỹ cho biết, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cuối tuần qua thúc giục các quốc gia, nhất là các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), theo gương Mỹ ủng hộ việc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tạm thời bỏ bảo hộ bản quyền vắc-xin ngừa Covid-19.
Ông Tedros gọi động thái của Mỹ là “tuyên bố đáng kể về tình đoàn kết và ủng hộ phân phối vắc-xin công bằng”. Song, nhà lãnh đạo WHO cũng nhìn nhận, không dễ thực hiện được điều này bởi liên quan đến quyền lợi của nhiều quốc gia, doanh nghiệp dược phẩm.
Ông Tedros thúc giục G7 (gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh và Nhật Bản) nỗ lực hơn nữa để tạo điều kiện phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 công bằng trên thế giới. “Với G7, điều quan trọng nhất và chúng tôi cần sự ủng hộ nhất trong lúc này là vắc-xin, công bằng vắc-xin”, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh. Hiện trong số hơn 1 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được phân phối trên thế giới, các nước có thu nhập cao nhận được hơn 80%, trong khi các nước có thu nhập thấp chỉ nhận được 0,3%.
Ông Tedros cho rằng, không thể chấp nhận được sự phân phối như thế, không chỉ bởi vấn đề đạo đức mà còn bởi sẽ không thể đánh bại được Covid-19 trong một thế giới chia rẽ. “Công bằng vắc-xin là vì lợi ích của tất cả mọi người”, ông Tedros nói.
Theo AP, 164 thành viên của WTO đang bàn thảo về việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin và phương pháp điều trị Covid-19. Quan điểm của Mỹ nhận được sự đồng tình của Liên Hợp Quốc, nhiều tổ chức khác và hơn 100 quốc gia/vùng lãnh thổ, đặc biệt là các nước đang phát triển vốn không có nhiều điều kiện tiếp cận các loại vắc-xin ngừa Covid-19.
Cũng theo CNBC, các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm của Mỹ phản đối quyết định của chính phủ Tổng thống Joe Biden. Nhiều doanh nghiệp và ngay cả một số quan chức Mỹ lo ngại rằng, quan điểm của Tổng thống Biden đối với chính sách miễn trừ bản quyền vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ tước đi lợi thế của Washington trong lĩnh vực dược phẩm sinh học.
Về lý thuyết, các chuyên gia cho rằng, nếu bỏ bản quyền vắc-xin, sẽ có nhiều quốc gia có thể tham gia sản xuất vắc-xin, mở ra cơ hội tiếp cận vắc-xin sớm hơn cho người dân trên thế giới nhằm khống chế đại dịch. Tuy nhiên, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, quốc gia có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển - cho rằng cần phải bảo vệ phát minh của các doanh nghiệp.
Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 8-5 kêu gọi Mỹ tăng cường xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 được sản xuất tại cường quốc hàng đầu thế giới, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi ủng hộ việc miễn quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin. Công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức đã phối hợp với Tập đoàn dược phẩm Pfizer của Mỹ sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 Pfizer/BioNTech và cam kết cung cấp hàng trăm triệu liều trong năm nay.
Mấy ngày trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng thảo luận về đề xuất dỡ bỏ độc quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin ngừa Covid-19. Song, đến ngày 8-5, bà Ursula von der Leyen nói rằng, EU tạm thời chưa đưa ra quyết định vì cần xem xét nhiều vấn đề cấp bách hơn.
Nga - nước đã phát triển vắc-xin Sputnik - bày tỏ ủng hộ bỏ bản quyền vắc-xin, còn Trung Quốc sẵn sàng thảo luận thêm về vấn đề này.
Với hơn 158,3 triệu ca nhiễm và gần 3,3 triệu ca tử vong tính đến ngày 9-5, thế giới có nhiều việc cần phải làm để đẩy nhanh quá trình sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 và thực hiện tiêm chủng. Trong đó, bỏ bản quyền vắc-xin có phải là giải pháp hữu hiệu không? Vấn đề này đang được WTO bàn thảo và quá trình đàm phán dự kiến mất nhiều thời gian khi có nhiều quan điểm khác biệt như vậy.
VĨNH AN