Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 632.321 trường hợp mắc Covid-19 và 12.367 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 165,5 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,43 triệu người không qua khỏi.
Nhiều nước châu Âu bắt đầu mở cửa biên giới với người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19. Ảnh: Getty |
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20-5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 165.517.863 ca, trong đó có 3.430.586 người tử vong.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 145.781.003 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 16.306.274 ca và 100.113 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 19-5, thế giới có tới 112 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vắc-xin và hộ chiếu vắc-xin. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh với số ca tử vong vược mốc 601.800 ca. Theo đó, nước này đã ghi nhận 601.896 ca tử vong trong tổng số 33.797.270 ca mắc. Trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận trên 25.000 ca nhiễm mới. Tiếp đó là Ấn Độ với 25.771.405 ca mắc, trong đó có 287.156 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 15.812.055 ca mắc và 441.423 ca tử vong.
Tại châu Á, ngày 19-5, nhà chức trách Đài Loan (Trung Quốc) đã nâng mức cảnh báo về đại dịch Covid-19 trong bối cảnh vùng lãnh thổ này ghi nhận thêm 267 ca nhiễm mới.
Như vậy, chỉ trong vòng 5 ngày, số bệnh nhân Covid-19 tại Đài Loan đã tăng thêm hơn 1.200 người. Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, chính quyền Đài Loan đã áp đặt mức cảnh báo cấp độ 3 đối với toàn bộ hòn đảo này.
Theo đó, các địa điểm giải trí, thư viện, trung tâm thể dục thể thao và các cơ sở sinh hoạt cộng đồng phải đóng cửa, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, trong khi các cuộc tụ họp giới hạn số người tham gia ở mức không quá 5 người trong không gian kín và không quá 10 người khi ở ngoài trời.
Ngày 19-5, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết đã nhận được khoản tài trợ trị giá gần 900.000 USD từ Chính phủ Nhật Bản để cải thiện quy trình quản lý chuỗi cung ứng lạnh để bảo quản vắc-xin ngừa Covid-19 tại Somalia.
Trong một thông báo, UNICEF cho biết khoản tài trợ trên sẽ hỗ trợ hoạt động thu mua thiết bị chuyên dụng tại 33 cơ sở y tế nhằm đáp ứng các yêu cầu bảo quản vắc-xin ngừa Covid-19. Số tiền này cũng sẽ được dùng để đào tạo các kỹ thuật viên và nhân viên y tế về cách sử dụng và bảo trì thiết bị bảo quản lạnh.
Đây là một phần trong hoạt động hỗ trợ nói chung của UNICEF giúp Bộ Y tế Somalia triển khai một trong những chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của quốc gia Bắc Phi này. Từ ngày 16-3 vừa qua, Somalia đã bắt đầu thực hiện đợt tiêm chủng đại trà sau khi nhận được 300.000 liều vắc-xin của hãng AstraZeneca (Anh) theo cơ chế chia sẻ vắc-xin toàn cầu COVAX. Tiếp đó, ngày 11-4, quốc gia châu Phi này cũng nhận được 200.000 liều của hãng Sinopharm do Trung Quốc tài trợ.
Hàn Quốc ghi nhận thêm 654 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 19-5, trong đó có 637 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 133.471 người. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 8 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên 1.912 ca. Giới chức y tế Hàn Quốc vẫn đang cảnh giác trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới khi các ổ dịch mới liên tục được phát hiện và số ca nhiễm biến thể mới của virus ngày một tăng.
Quốc gia đang là tâm dịch hiện nay, Ấn Độ, ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 trong ngày cao nhất từ đầu dịch đến nay, với 4.529 ca, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 283.248 ca, mức cao thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Brazil. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca tử vong theo ngày tại Ấn Độ tăng lên những mốc cao mới.
Tuy nhiên, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình của Ấn Độ cho biết số ca nhiễm mới theo ngày đã 3 ngày liên tiếp ở dưới ngưỡng 300.000 ca. Trong ngày 19-5, Ấn Độ ghi nhận thêm 267.334 ca mắc Covid-19. Ấn Độ vẫn là nước đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm Covid-19, chỉ sau Mỹ. Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 vẫn còn ở mức cao, Ấn Độ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh và oxy y tế để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.
Lễ hỏa táng bệnh nhân tử vong do mắc Covid-19 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 12-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Cùng ngày, quốc gia láng giềng Sri Lanka cũng ghi nhận tổng số ca tử vong liên quan đến Covid-19 vượt mốc 1.000 ca, lên là 1.015 ca, với 34 ca trong ngày 19-5.
Tổng số ca được xác nhận mắc Covid-19 đã lên tới 147.720 ca. Sri Lanka hiện đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch Covid-19, trong đó một biến thể mới của virus khiến số ca lây nhiễm tăng vọt hơn 50.000 ca chỉ riêng từ đầu tháng 5 tới giờ. Giới chức Sri Lanka đầu tuần này thông báo sẽ áp đặt lệnh hạn chế di chuyển trên toàn quốc trong thời gian từ 21 đến 25-5 và ngày 25 đến 28-5 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tại châu Mỹ, hãng truyền hình CTV của Canada đưa tin thỏa thuận giữa Canada và Mỹ về việc hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu giữa biên giới chung hai nước sẽ được gia hạn thêm một tháng đến ngày 21-6, trong bối cảnh Canada đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch Covid-19.
Thỏa thuận trên được Canada và Mỹ nhất trí từ tháng 3-2020, sau đó được gia hạn hằng tháng. Giá trị trao đổi thương mại qua biên giới Canada-Mỹ ở mức khoảng 2 tỷ CAD (hơn 1,6 tỷ USD) mỗi ngày. Trước khi có thỏa thuận hạn chế trên, mỗi ngày đường biên giới dài 8.891 km này có 300.000 lượt người qua lại.
Thực khách thưởng thức món ăn tại một nhà hàng ngoài trời ở Washington DC., Mỹ trong bối cảnh chính quyền nhiều bang bắt đầu bãi bỏ yêu cầu đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 ngày 14-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo CTV, tính đến chiều 18-5, Canada đã ghi nhận 1.337.730 ca mắc Covid-19, trong đó có 25.016 ca tử vong. Theo Cơ quan y tế công cộng Canada, trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày nước này có thêm 5.700 ca mắc Covid-19, trong khi số ca bệnh nặng vẫn tăng cao. Trung bình mỗi ngày có hơn 3.600 bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị tại các bệnh viện trên khắp cả nước.
Liên quan đến vấn đề vắc-xin, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi John Nkengasong cảnh báo việc Ấn Độ tiếp tục ngừng xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 có thể ảnh hưởng đến nỗ lực tiêm chủng ở "lục địa Đen".
Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho rằng các chương trình tiêm chủng ở châu Phi có thể không đạt được đúng hạn các mục tiêu đề ra khi mà châu lục này chủ yếu dựa vào nguồn cung vắc-xin theo cơ chế COVAX. Ông nhận định, với những thách thức lớn mà Ấn Độ đang đối mặt hiện nay, khó có thể hy vọng châu Phi sẽ sớm nhận được vắc-xin.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, châu Phi ghi nhận ít nhất 4,74 triệu ca mắc, trong đó có 126.000 ca tử vong. Chiến dịch tiêm phòng Covid-19 ở châu Phi đang bị chậm trễ và tụt hậu khá xa so với các khu vực khác do thiếu hụt nguồn cung vắc-xin và tài chính. Mục tiêu của lục địa này là tiêm chủng cho 30-35% dân số vào cuối năm nay và 60% dân số trong 2-3 năm tới.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ chế COVAX đã phân phối hàng triệu liều AstraZeneca tới nhiều quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, nguồn cung đang trở nên khan hiếm khi khoảng 80% số vắc-xin đã được sử dụng, trong đó đa số là trong các đợt tiêm mũi đầu.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 17-5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 19.794 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 74.350 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Malaysia và Timor Leste.
Dù Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ hai.
Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới-ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong đứng thứ hai toàn khối.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Ngày 19-5, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao nhất khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 46 trường hợp không qua khỏi.
Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 28 ca mắc Covid-19 và có 3 ca tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 19-5 ghi nhận thêm trên 3.300 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong tăng mạnh là 29 người.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Ampang, gần Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 11-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 393 bệnh nhân mới và 3 ca tử vong trong ngày 19-5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 74.353 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 410 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.754.247 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.431.178 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 10/11 nước ASEAN ghi nhận các ca Covid-19 mới. Timor-Leste lại ghi nhận ca tử vong sau một thời gian lắng dịch.
Theo Báo Tin tức