Mỹ đã tiêm hơn 291 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19

.

Tốc độ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Mỹ hiện nay là 1.618.194 liều/ngày. Theo đó, thêm 4 tháng nữa, nước Mỹ sẽ tiêm chủng cho 75% dân số.

Theo công cụ thống kê dữ liệu tiêm vắc-xin của hãng tin Bloomberg, tính tới ngày 28-5 (giờ Việt Nam), Mỹ đã tiêm hơn 291 triệu liều vắc-xin. Riêng trong tuần qua, trung bình mỗi ngày có 1,62 triệu liều được tiêm ở xứ cờ hoa.

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin Pfizer ngừa Covid-19 cho người dân ở thành phố Raleigh thuộc bang Bắc Carolina, Mỹ. Ảnh: AP
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin Pfizer ngừa Covid-19 cho người dân ở thành phố Raleigh thuộc bang Bắc Carolina, Mỹ. Ảnh: AP

Dư hàng chục triệu liều vắc-xin

Trong lúc phần lớn quốc gia trên thế giới khan hiếm nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19, theo ABC News, hàng chục triệu liều vắc-xin đang “nằm chờ” trong kho tại Mỹ. Đài Mỹ dẫn nguồn tin từ các quan chức thuộc chính phủ liên bang thông báo với các thống đốc bang rằng, hiện có khoảng 53 triệu liều vắc-xin “đắp chiếu” trong kho bảo quản chờ các bang đặt hàng. Bất chấp các sáng kiến như: tổ chức quay số trúng thưởng cho những người tiêm vắc-xin, phát tặng vé tham quan vui chơi tại các công viên giải trí, thậm chí thưởng tiền mặt, số người từ chối vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn rất nhiều, đó là nguyên nhân khiến hàng chục triệu liều vẫn nằm trong kho lạnh.

Giới phân tích cho rằng, 53 triệu liều tồn đọng đó có thể giúp ít nhất 25 triệu người phòng ngừa Covid-19. Đây chỉ là số liều vắc-xin tồn đọng có thể kiểm kê theo dữ liệu của chính quyền liên bang. Ngoài ra, còn lượng vắc-xin tồn đọng khác là số vắc-xin đang “chờ” người tiêm tại các điểm tiêm chủng, các hiệu thuốc tại các bang như: Wyoming, Idaho, Mississippi, Louisiana và Alabama - những bang có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp nhất của Mỹ. “Chúng ta đang sở hữu lượng vắc-xin có thể chia sẻ và chúng tôi lo ngại chúng sẽ hết hạn sử dụng”, Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson nói trong cuộc điện đàm hôm 25-5 với các thống đốc khác.

Chính phủ của Tổng thống Joe Biden cam kết đóng góp 4 tỷ USD cho COVAX - chương trình chia sẻ vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều phối, đồng thời cam kết tặng 20 triệu liều vắc-xin hiện có ở Mỹ cho tới cuối tháng 6. Số lượng vắc-xin Mỹ hứa tặng cho các nước khác là một phần trong số 800 triệu liều vắc-xin Washington nói sẽ mua của các hãng Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Chính phủ Mỹ cũng có kế hoạch xuất khẩu 60 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca, nhưng đến nay vẫn chưa được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA) Mỹ chấp thuận.

Bao giờ cuộc sống trở lại bình thường?

Mặc dù các loại vắc-xin tốt nhất đều được đánh giá có hiệu quả phòng bệnh tới 95%, nhưng giới chức Mỹ cho rằng, cần có chiến dịch điều phối tiêm chủng để chặn đứng đại dịch Covid-19. Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về dịch bệnh hàng đầu của Mỹ, từng nói việc tiêm chủng 70-85% dân số sẽ giúp cuộc sống trở lại bình thường ở cường quốc này. Song, ông Stephen Morrison, Giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế dự đoán sẽ có tổng cộng khoảng 30% người dân Mỹ không chịu tiêm vắc-xin.

Khi được hỏi về tình trạng dư thừa vắc-xin hiện nay, ông Andy Slavitt - cố vấn cao cấp của Tổng thống Biden về các chính sách điều hành của chính quyền liên bang với Covid-19 - cho biết Nhà Trắng đang nỗ lực “kiểm soát chặt hơn nguồn cung” vắc-xin. Ông Slavitt cũng nói rằng, vấn đề cần tập trung lúc này là làm sao tiêm chủng cho mọi công dân Mỹ, hoặc bằng cách sử dụng các trạm y tế lưu động, hoặc bằng cách triển khai tiêm vắc-xin cho mọi người tại các trung tâm siêu thị và trường học. Trong quá trình đó, chính phủ còn phải lo tiếp kế hoạch mua thêm các mũi tiêm vắc-xin bổ sung và tìm phương án tiêm chủng cho trẻ em từ 11 tuổi trở xuống sau khi có loại vắc-xin phù hợp được phê chuẩn. “Mục tiêu đầu tiên và hy vọng lớn nhất” lúc này, theo ông Slavitt, là “làm sao người dân trong nước sử dụng hết số liều vắc-xin chúng ta đã mua. Điều đó rõ ràng là lộ trình để có sức khỏe tốt hơn và trở lại cuộc sống bình thường”.

Theo AP, các chuyên gia dự đoán, để cuộc sống trở lại bình thường, hẳn sẽ tới thời điểm các doanh nghiệp và trường học ở Mỹ buộc phải áp dụng những quy định bắt buộc người dân tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra thì hẳn phải đợi tới lúc các loại vắc-xin ngừa Covid-19 đã được FDA cấp phép hoàn toàn, chứ không phải chỉ cấp phép dùng khẩn cấp như hiện nay.

TRẦN ĐẮC LUÂN

COVAX cần thêm 2 tỷ USD để cung cấp vắc-xin cho các nước nghèo

Trong tuyên bố ngày 27-5, liên minh các cơ quan y tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (Gavi), Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF), kêu gọi các nước giàu có tài trợ thêm 2 tỷ USD cho COVAX - chương trình chia sẻ vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu - để đạt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vắc-xin cho các nước có thu nhập thấp hơn.

Trang web của WHO đăng tải tuyên bố nói trên cho biết, nếu các nhà lãnh đạo trên thế giới chung tay hỗ trợ thì có thể đạt được mục tiêu ban đầu của COVAX là cung cấp 2 tỷ liều vắc-xin trên toàn cầu vào năm 2021 và 1,8 tỷ liều vắc-xin cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp vào đầu năm 2022. Đến nay, COVAX đã cung cấp 70 triệu liều vắc-xin cho 126 nước nhưng đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vắc-xin.

BÌNH YÊN

 

;
;
.
.
.
.
.