Malta - thành viên Liên minh châu Âu (EU) - tuyên bố đạt miễn dịch cộng đồng. 6 thành phố của Trung Quốc đang chạm ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Số ca nhiễm mới Covid-19 ở Mỹ có xu hướng giảm. Tất cả đều nhờ thành quả của tiêm chủng đại trà.
Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 Moderna tại bang Florida, Mỹ. Ảnh: Getty Images |
Tính đến ngày 27-5, thế giới có tổng cộng 169,1 triệu ca mắc Covid-19 và 3,5 triệu ca tử vong, theo trang thống kê worldometers. Trong vòng 24 giờ, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 548.000 ca nhiễm mới và 12.000 ca tử vong.
0,3% số liều vắc-xin đến các nước nghèo
Báo New York Times ngày 17-5 cho biết, có 11 loại vắc-xin ngừa Covid-19 đã được cấp phép sử dụng chính thức hoặc khẩn cấp tại ít nhất một quốc gia. Song, vấn đề đặt ra là sự mất cân bằng trên bản đồ phân bổ vắc-xin, chỉ 0,3% số liều vắc-xin đã được tiêm trên toàn cầu là ở 29 quốc gia nghèo nhất, nơi chiếm khoảng 9% dân số thế giới.
Ngay ở giai đoạn đầu của đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã dự báo được tình huống nói trên. Vì vậy, COVAX - sáng kiến do WHO và các đối tác khởi xướng nhằm bảo đảm phân bổ vắc-xin công bằng cho toàn cầu - đã ra đời. Khoảng 1,5 tỷ liều vắc-xin đã được phân bổ, nhưng chỉ 0,3% đến được các nước nghèo.
Theo Reuters, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến tặng ít nhất 100 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo hơn vào cuối năm 2021. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói rằng, EU sẽ đầu tư 1 tỷ euro để xây dựng các cơ sở sản xuất vắc-xin ở châu Phi nhằm giúp châu lục này độc lập hơn trong sản xuất. Các cuộc họp của WHO, EU trong thời gian qua đều đề cập vấn đề vắc-xin với mục tiêu hướng đến miễn dịch cộng đồng.
Mới đây, Malta - một thành viên của EU - tuyên bố đã đạt được miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vắc-xin cho 70% người trưởng thành với ít nhất 1 liều và 42% dân số trưởng thành đã tiêm vắc-xin đầy đủ. Giới chức quốc gia Nam Âu này cho biết, nếu số ca nhiễm vẫn ở mức thấp như hiện nay, quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài sẽ được dỡ bỏ vào ngày 1-7 đối với những người đã được tiêm vắc xin.
Còn ở Trung Quốc, thủ đô Bắc Kinh, 4 thành phố ở tỉnh Hải Nam và thành phố Đại Liên đạt tỷ lệ tiêm mũi đầu tiên trên 80%, chạm ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Trung Quốc đạt kỷ lục tiêm chủng 19,4 triệu liều/ngày, nâng tổng số lên 546 triệu liều vắc-xin đã được tiêm, tính đến ngày 26-5.
Trong khi đó, hãng tin AP cho biết, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne khẳng định số ca nhiễm mới ở Mỹ có xu hướng giảm trong những tháng vừa qua nhờ chương trình tiêm chủng đại trà.
Ngày 26-5, Mỹ ghi nhận hơn 21.600 ca nhiễm mới và 574 ca tử vong, giảm hơn nhiều so với giai đoạn đỉnh điểm hàng trăm nghìn người nhiễm và gần 5.000 ca tử vong trong một ngày.
Cuộc chiến pháp lý giữa EU và AstraZeneca
Trong lúc vấn đề vắc-xin đang nóng, Tòa án ở Brussels (Bỉ) đang thụ lý vụ kiện của EU chống lại AstraZeneca với cáo buộc hãng dược này vi phạm hợp đồng cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19. Báo Newsweek cho hay, theo hợp đồng, AstraZeneca cung cấp 300 triệu liều vắc-xin cho EU trong 6 tháng đầu năm nay. Trong quý 1, AstraZeneca phải cung cấp 120 triệu liều vắc-xin nhưng thực tế chỉ chuyển giao được 30 triệu liều. Trong quý 2, hãng này dự kiến chỉ giao 70 triệu liều so với 180 triệu liều đã cam kết.
Báo Newsweek dẫn lời luật sư của EU, ông Rafael Jafferali, nói rằng AstraZeneca đã vi phạm hợp đồng khi chuyển 50 triệu liều vắc-xin cho các nước khác, mà lẽ ra số vắc-xin này phải được giao cho EU. Phát biểu tại tòa ngày 26-5, ông Jafferali cho biết, AstraZeneca dự kiến chuyển giao đủ số liều vắc-xin vào cuối tháng 12, nhưng “với 6 tháng chậm trễ, đây rõ ràng là sự thất bại”. Riêng trong quý 2, EU muốn AstraZeneca phải cung cấp 90 triệu liều vắc-xin, thay vì 70 triệu liều. Việc có thêm 20 triệu liều vắc-xin thực chất không tạo ra nhiều khác biệt trong chương trình tiêm chủng vốn đang tăng tốc của EU, nhưng sẽ là bước đệm để khối này hoàn thành mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số trưởng thành (khoảng 255 triệu người) vào tháng 7 tới.
Luật sư Jafferali yêu cầu tòa tuyên phạt 10 triệu euro (12,2 triệu USD) đối với AstraZeneca cho mỗi lần vi phạm hợp đồng và bồi thường 10 euro/liều vắc-xin cho mỗi ngày chuyển giao chậm trễ.
AstraZeneca hiện vẫn là nhà cung cấp vắc-xin lớn thứ hai của EU, sau BioNTech/Pfizer. Tòa án ở Brussels dự kiến đưa ra phán quyết về vụ kiện vào tháng 6 tới.
BÌNH YÊN