Chìm tàu chở hóa chất, Sri Lanka đối mặt với thảm họa môi trường

.

Chính quyền Sri Lanka đang tìm cách ứng phó với nguy cơ thảm họa môi trường sau khi một tàu chở hóa chất bốc cháy và chìm ở ngoài khơi nước này.

Theo hãng tin AP, ngày 2-6, tàu MV X- Press Pearl, mang cờ Singapore bắt đầu chìm trong khi đang neo đậu cách thủ đô Colombia khoảng 9,5 hải lý (18km) về phía tây bắc. Trước đó, đám cháy bùng phát trên con tàu chở 1.486 container này suốt 12 ngày (từ ngày 20-5 đến 1-6), thiêu rụi hầu hết hàng hóa, trong đó có 25 tấn acid nitric cùng nhiều loại hóa chất khác. Nhiều ý kiến cho rằng, các hóa chất còn lại cũng như hàng trăm tấn dầu từ các thùng nhiên liệu của tàu (297 tấn dầu nhiên liệu nặng và 51 tấn dầu khác) có thể rò rỉ ra biển khi tàu chìm.

Thảm họa khiến các mảnh vỡ, trong đó có vài tấn hạt nhựa dùng làm túi nhựa, dạt vào bờ biển. Lực lượng chức năng tìm cách kéo con tàu ra khu vực nước sâu cách xa cảng Colombia, nhưng vẫn chưa thực hiện được bởi đuôi tàu đã chìm xuống độ sâu khoảng 21 mét. Theo công ty điều hành tàu X-Press Feeders, các chuyên gia cứu hộ vẫn ở trên tàu để theo dõi tình trạng con tàu và vấn đề ô nhiễm dầu.

Người phát ngôn lực lượng hải quân Sri Lanka Indika de Silva cho biết, hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển nước này đang chuẩn bị ứng phó với sự cố tràn dầu. Ấn Độ đã cử 3 tàu đến trợ giúp, trong đó có 1 tàu được trang bị đặc biệt để ứng phó với ô nhiễm biển. Chính phủ Sri Lanka tạm dừng hoạt động đánh bắt cá trên khoảng 80 km bờ biển, đồng thời huy động quân đội dọn dẹp bãi biển.

Giáo sư ngành hải dương học Charitha Pattiaratchi (Trường Đại học Tây Úc, Úc) cho biết, thảm họa này khiến 3 tỷ hạt nhựa nhỏ rơi xuống biển, trôi dạt vào các bãi biển và “sẽ tồn tại mãi mãi trong môi trường biển vì chúng không thể phân hủy sinh học”.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.