Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 424.845 ca nhiễm và trên 9.800 ca tử vong. Tình hình Ấn Độ đang chuyển biến tích cực dù ca tử vong và nhiễm mới vẫn ở mức cao, trong khi Canada cho phép tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau.
Chôn cất thi thể bệnh nhân Covid-19 tại một nghĩa địa ở New Delhi, Ấn Độ ngày 22-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 2-6 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 171.890.549 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 3.574.944 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 424.845 và 9.809 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 154.577.587 người, 13.738.018 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 90.722 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (133.228 ca), Brazil (76.806 ca) và Argentina (35.355 ca); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 3.205 ca), tiếp theo là Brazil (2.233 ca) và Argentina (640 ca)
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.131.398 triệu người, trong đó có 610.330 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 28.306.883 ca nhiễm, bao gồm 335.114 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 16.624.480 ca bệnh và 465.199 ca tử vong.
Cảnh sát giơ cao tấm biển "Không đeo khẩu trang không được vào thành phố" tại Dhaka, Bangladesh. Ảnh: THX/TTXVN |
Ấn Độ trên đà giảm ca nhiễm
Ấn Độ đến sáng 2-6 ghi nhận 133.228 ca nhiễm trong vòng 24 giờ qua. Trước đó, ngày 1-6, nước này ghi nhận 127.510 ca mắc mới - mức thấp nhất trong 54 ngày qua.
Trong khi đó, tỷ lệ các ca dương tính trong tổng số ca xét nghiệm đã giảm xuống còn 6,62%. Tỷ lệ này đã ở mức dưới 10% trong 8 ngày liên tiếp. Cũng trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 3.205 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 335.114 ca. Tổng số ca hiện tại dương tính với virus SARS-CoV-2 đã giảm xuống dưới ngưỡng 2 triệu ca sau 43 ngày.
Nhân viên tình nguyện phát khẩu trang cho người dân ở Kolkata, Ấn Độ, ngày 31-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Anh: Lần đầu tiên không có ca tử vong trong 10 tháng
Nước Anh ngày 1-6 lần đầu tiên trong vòng 10 tháng qua không ghi nhận ca tử vong nào do Covid-19. Sự kiện này đánh một dấu mốc mới trong cuộc chiến chống đại dịch tại Anh, nhưng vẫn còn đó nỗi lo các biến thể tại Ấn Độ sẽ làm bùng phát làn sóng thứ ba trong vài tuần tới.
Tuy vậy, Giáo sư hàng đầu Anh, Tim Spector cho rằng các mũi tiêm chủng Covid có thể ngăn cản biến thể phát hiện lần đầu ở Ấn Độ.
Cùng ngày 1-6, Anh ghi nhận 3.165 ca nhiễm mới và là ngày thứ bảy liên tiếp ca mắc vượt mốc 3.000.
Canada cho phép kết hợp các loại vaccine ngừa Covid-19
Ủy ban Tư vấn quốc gia về miễn dịch của Canada (NACI) ngày 1-6 đã thông báo hướng dẫn cập nhật cho phép phối kết hợp các loại vaccine phòng ngừa Covid-19 đã được cấp phép tại nước này trong phần lớn các trường hợp. Theo hướng dẫn mới này, những người đã tiêm mũi đầu là vaccine của AstraZeneca có thể nhận mũi tiêm thứ hai là vaccine của Pfizer-BioNTech hay Moderna trừ trường hợp đang mang thai.
Cho đến nay, Canada đã cho phép sử dụng 4 loại vaccine ngừa Covid-19 của các hãng dược Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.
Tiêm vaccine Pfizer cho người lao động tuyến đầu ở Vancouver, Canada. Ảnh: CBS |
Văn bản hướng dẫn mới cũng cho biết các vaccine của Pfizer và Moderna có thể sử dụng kết hợp cho cả mũi tiêm thứ nhất và mũi tiêm thứ hai. Tuy nhiên, NACI không khuyến nghị tiêm mũi thứ hai là vaccine của AstraZeneca sau khi đã tiêm mũi thứ nhất là vaccine của Pfizer hay Moderna vì các lý do an toàn cũng như dữ liệu hạn chế về việc sử dụng kết hợp này.
Hướng dẫn cập nhật của NACI dựa trên những nghiên cứu hiện nay từ Tây Ban Nha và Anh cho thấy việc phối kết hợp vaccine của AstraZeneca và Pfizer là an toàn và có hiệu quả phòng ngừa Covid-19. Tính đến chiều 1-6-2021, đã có 21.942,111 người Canada, tương đương 57,75% dân số nước này, được tiêm mũi đầu vaccine ngừa Covid-19 và 2.144.126 người, tương đương 5,64%, tiêm mũi thứ hai.
Israel dỡ toàn bộ hạn chế xã hội
Tương tự, Israel đã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế xã hội sau hơn 1 năm áp dụng, do tình hình dịch Covid-19 đã giảm xuống gần mức bình thường. Theo đó, người dân Israel không còn phải trình “thẻ xanh” chứng nhận đã tiêm phòng hoặc đã miễn dịch khi đặt chân tới các địa điểm đông người trong không gian kín như nhà hàng, quán bar; các cơ quan, văn phòng không còn bị giới hạn số lượng nhân viên có mặt cùng lúc; các sự kiện đông người kể cả trong nhà hay ngoài trời không còn bị giới hạn số lượng người tham gia.
Người dân mua bán tại một chợ ở Jerusalem ngày 1-6-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hiện tại, chỉ còn một vài quy định phòng, chống dịch Covid-19 còn hiệu lực, bao gồm việc đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín và cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Israel đang xem xét dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong vài ngày tới. Quy định đeo khẩu trang khi ở ngoài trời đã được dỡ bỏ từ giữa tháng 4 vừa qua. Sau chiến dịch tiêm chủng cấp tập, số ca mắc mới Covid-19 tại Israel đã giảm xuống nhanh chóng, hiện chỉ còn 4-5 ca/ngày, so với lúc đỉnh điểm trên 10.000 ca/ngày.Israel đã hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 cho trên 70% các đối tượng đủ tiêu chuẩn và đang lên kế hoạch tiêm cho nhóm trẻ em 12-15 tuổi.
WHO phê chuẩn vaccine của Sinovac/Trung Quốc
Ủy ban độc lập của WHO khuyến cáo sử dụng vaccine của Sinovac cho người từ 18 tuổi trở lên, hai liều các nhau 2-4 tuần. Không có giới hạn độ tuổi cao hơn vì các dữ liệu cho thấy vaccine này có hiệu quả bảo vệ ở người cao tuổi.
Trước đó, vaccine của hãng Sinopharm là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên không phải của một hãng dược phương Tây được WHO phê chuẩn sử dụng khẩn cấp ngày 7-5.
Đây cũng là hai loại vaccine ngừa Covid-19 chủ chốt của Trung Quốc, đã được tiêm cho hàng trăm triệu người nước này và một số quốc gia khác. Quyết định trên của WHO sẽ mở đường cho vaccine thứ hai của Trung Quốc được sử dụng tại các nước nghèo theo cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX), trong bối cảnh cơ chế này đang đối mặt các vấn đề lớn về nguồn cung khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu vaccine.
Một vaccine thứ ba của Trung Quốc, do CanSino Biologics sản xuất, đã được trình kết quả thử nghiệm lâm sàng để chờ xét duyệt, tuy nhiên WHO chưa lên kế hoạch đánh giá vaccine này.
Dây chuyền sản xuất vaccine của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc) tại Bắc Kinh, ngày 6/1-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Italy: Ca mắc mới thấp nhất từ mùa thu 2020
Số ca mắc mới Covid-19 hằng ngày tại Italy đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa Thu năm ngoái, thời điểm nước này áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và cách ly mới để ứng phó với làn sóng dịch thứ hai. Bộ Y tế Italy cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.820 ca mắc mới - mức thấp nhất kể từ ngày 29-9-2020, khi có 1.650 ca mắc mới được ghi nhận. Kể từ đó, số ca mắc đã tăng mạnh trong làn sóng dịch thứ hai, với đỉnh điểm 40.000 ca/ngày vào tháng 11. Số ca mắc mới mỗi ngày sau đó đã giảm dần đều từ tháng 4 vừa qua dù nước này từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch từ cuối năm ngoái.
Italy cũng đã tiếp nhận khách du lịch quốc tế đã được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Công tác tiêm chủng cũng được đẩy mạnh. Trong ngày 1-6, tỷ lệ người dân được tiêm đủ liều vaccine đã vượt 20% dân số và gần 60% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại tỉnh Quảng Đông,Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
Serbia dỡ bỏ thêm các hạn chế
Cùng ngày, giới chức Serbia đã quyết định dỡ bỏ thêm các biện pháp hạn chế chống dịch trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tại nước này đang phần nào được kiểm soát nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine. Từ ngày 1-6, thực khách có thể dùng bữa ở cả trong nhà và ngoài trời cho đến nửa đêm và xem phim tại các rạp chiếu phim vào buổi tối muộn. Ngoài ra, số người được phép tham gia tại các hội thảo kinh doanh và khoa học tăng từ 100 lên 200 người.
Malaysia: Ngày đầu phong toả toàn diện, ca nhiễm mới tăng cao trở lại
Sau 2 ngày giảm về mức trên 6.000 ca, ngày 1-6, số ca nhiễm mới tại Malaysia đã tăng trở lại, lên mức 7.105 ca. Đây cũng là ngày đầu tiên Malaysia thực hiện phong tỏa toàn diện để phòng, chống dịch bệnh.
Chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 ra nghĩa địa để chôn cất tại Selangor, Malaysia ngày 26-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong thông báo ngày 1-6, Bộ Y tế Malaysia cho biết bang Selangor tiếp tục là địa phương có số ca nhiễm mới Covid-19 nhiều nhất cả nước, với 2.068 ca. Tuy nhiên, lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur đã thay thế bang Kelantan đứng ở vị trí thứ 2, với 817 ca và bang Sarawak vẫn đứng ở vị trí thứ 3, với 703 ca. Tới nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 579.426 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Để ngăn chặn sự gia tăng của dịch bệnh, Malaysia áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 1-6, chỉ mở cửa đối với các lĩnh vực kinh tế thiết yếu. Đối với lĩnh vực xã hội, ngày 1-6, Hội đồng An ninh quốc gia Malaysia quyết định bổ sung thêm quy định cấm trẻ em dưới 12 tuổi ra nơi công cộng trong thời gian phong tỏa toàn diện. Theo Trình tự Vận hành tiêu chuẩn (SOP), được Hội đồng An ninh quốc gia thông qua, ngoài việc khẩn cấp, điều trị y tế, giáo dục và luyện tập thể dục thể thao, trẻ em dưới 12 tuổi không được ra nơi công cộng.
Người dân xét nghiệm Covid-19 ở Klang, bang Selangor, Malaysia, ngày 30-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Thống kê của Bộ Y tế Malaysia cho thấy tới nay có 82.341 người dưới 18 tuổi ở nước này mắc Covid-19, trong đó độ tuổi nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất là từ 13-17, với tổng cộng 27.402 ca.
Campuchia: 25 tỉnh, thành có dịch sau 'sự cố cộng đồng'
Ngày 1-6, báo Khmer Times có bài tổng kết về tình hình dịch Covid-19 tại Campuchia sau 100 ngày kể từ “sự cố cộng đồng ngày 20/2”, làm bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch Covid-19 tại nước này. Tính đến nay, dịch bệnh đã lan rộng ra tất cả 25 tỉnh, thành của Campuchia, làm hơn 30.000 nhiễm bệnh và 220 người tử vong.
Trong thời gian qua, cùng với nỗ lực dập dịch bằng nhiều biện pháp như phong tỏa, giới nghiêm, hạn chế đi lại giữa các địa phương, phân vùng màu vàng, vàng đậm và đỏ, Campuchia cũng xác định chỉ có tiêm vaccine phòng Covid-19 mới giúp nước này thắng dịch để hồi phục kinh tế.
Trong 110 ngày thực hiện chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên quy mô lớn, số người đã được tiêm phòng là 2,6 triệu người trong khi kế hoạch của Chính phủ đặt mục tiêu tiêm phòng cho tổng số 10 triệu người để đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay.
Binh sĩ quân đội Campuchia hướng dẫn người dân giữ khoảng cách phòng lây nhiễm Covid-19 tại một điểm tiêm chủng ở Phnom Penh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo thông cáo cập nhật của Bộ Y tế Campuchia, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 616 ca mắc Covid-19 (trong đó có 585 ca lây nhiễm cộng đồng và 31 ca nhập cảnh), ít hơn số ca hồi phục là 753 người, trong khi có thêm 6 người tử vong. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 30.710 ca mắc Covid-19, trong đó có 23.389 người đã khỏi bệnh và 220 người tử vong.
Thái Lan: Vaccine nội địa sẵn sàng cho thử nghiệm trên người
Vaccine ngừa Covid-19 do Thái Lan tự phát triển, có tên là ChulaCov19, đã sẵn sàng để thử nghiệm trên người trong tháng này sau khi chứng tỏ hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 13-5-2021. Ảnh: THX/ TTXVN |
Truyền thông Thái Lan ngày 1-6 đưa tin phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Traisulee Traisoranakul đã đăng tải trên Facebook rằng vaccine ChulaCov19, do Tiến sĩ Kiat Ruxrungtham thuộc Đại học Chulalongkorn phát triển, sẽ được thử nghiệm trên 100 tình nguyện viên trong tháng này. Việc thử nghiệm lâm sàng cũng nhằm tìm ra liều lượng thích hợp cho việc chủng ngừa. Khi quá trình thử nghiệm hoàn tất thành công, lô vaccine đầu tiên sẽ được sản xuất tại Mỹ trước khi công ty BioNet-Asia của Thái Lan bắt đầu sản xuất hàng loạt vào tháng 9 tới.
Về tình hình dịch bệnh ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 1-6 ghi nhận thêm 2.230 ca nhiễm, cùng 38 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca bệnh từ trước tới nay lên 162.022, trong đó có 1.069 người không qua khỏi.
Trong khi đó, Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã đình chỉ kế hoạch của Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) cho phép mở cửa trở lại 5 loại hình kinh doanh từ 1-6. Người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), ông Natthapol Nakpanich, cho biết kế hoạch của BMA đã bị hoãn lại trong 2 tuần vì Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trên cương vị Chủ tịch CCSA vẫn lo ngại về tình hình Covid-19. Theo lệnh mới nhất của CCSA, các địa điểm trên cùng một số nơi khác ở Bangkok vẫn sẽ đóng cửa cho tới ngày 14-6.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN |
Philippines: AstraZeneca hoãn bàn giao vaccine
Cùng ngày 1-6, giới chức Philippines cho biết việc giao lô vaccine đầu tiên trong tổng số 17 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca, được sản xuất tại Thái Lan, đã bị hoãn lại vài tuần.
Theo ông Joey Concepcion, một trong những cố vấn của Tổng thống Philippines, AstraZeneca đã thông báo việc giao lô vaccine đầu tiên với 1,3 triệu liều, sẽ phải lui đến giữa tháng 7, muộn hơn 3 tuần so với kế hoạch ban đầu và lượng vaccine cũng sẽ giảm chỉ còn 1,17 triệu liều. Việc bàn giao lô vaccine thứ 2 - cũng dự kiến giảm từ 1,3 triệu liều xuống còn 1,17 triệu liều, sẽ bị lui từ tháng 7 sang tháng 8. Ông cho biết vẫn giữ liên lạc hằng ngày với AstraZeneca và theo công ty trên, đã có sự chậm trễ trong khâu sản xuất của Thái Lan.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 12-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Sự chậm trễ này đặt ra câu hỏi về kế hoạch phân phối vaccine của AstraZeneca ở Đông Nam Á, vốn phụ thuộc vào 200 triệu liều do công ty Siam Bioscience của Thái Lan sản xuất. Đây là lần đầu tiên công ty này sản xuất vaccine. Hiện AstraZeneca và Siam Bioscience chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.
Theo baotintuc.vn