Giai đoạn mới của cuộc chiến công nghệ Mỹ -Trung

.

Căng thẳng Mỹ - Trung đã được tích tụ khá lâu và bùng phát dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó có khoa học và công nghệ. Kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc ra đời vào mùa hè năm 2015 xác định 10 ngành công nghiệp mà nước này muốn có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu trước năm 2025 và thống trị trong thế kỷ 21, đó là robot, phương tiện giao thông năng lượng mới, công nghệ sinh học, vũ trụ, vận tải biển cao cấp, thiết bị đường sắt công nghệ cao, thiết bị điện, vật liệu mới, phần mềm và công nghệ thông tin thế hệ mới, máy nông nghiệp. Trung Quốc còn có chiến lược phát triển riêng cho trí tuệ nhân tạo (AI) với mong muốn trở thành trung tâm đột phá về AI của thế giới trước năm 2030.

Theo đánh giá của Mỹ, kế hoạch “Made in China 2025” đe dọa vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của Mỹ và khiến nhiều nước phương Tây lo ngại. Vì thế, Mỹ phải hành động quyết liệt.

Trong giai đoạn đầu, xuyên suốt dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã tập trung ngăn chặn các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc. Giữa tháng 5-2020, Mỹ đưa Huawei và 70 công ty con của tập đoàn này vào danh sách đen của Bộ Thương mại. Mỹ tiến hành chiến dịch quy mô lớn nhắm vào các sở hữu trí tuệ và các thông tin thương mại bảo mật trong các lĩnh vực tư nhân, kể cả các dữ liệu nghiên cứu Covid-19 liên quan đến điều trị, xét nghiệm và vắc-xin. Chiến dịch còn nhắm vào các ngành công nghiệp như ngành sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao, kỹ thuật dân dụng và công nghiệp, phần mềm giáo dục kinh doanh và trò chơi, năng lượng mặt trời, ngành bào chế dược phẩm và quốc phòng…

Tháng 1-2021, những ngày cuối nhiệm kỳ, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các giao dịch với 8 ứng dụng phần mềm của Trung Quốc bao gồm: Alipay, CamScanner, QQ Wallet, SHAREit, Tencent QQ, VMate, WeChat Pay và WPS Office nhằm hạn chế mối đe dọa đối với người Mỹ do các ứng dụng phần mềm của Trung Quốc gây ra.

Giai đoạn hai của cuộc chiến bắt đầu từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Bằng cách kế thừa những phần việc của người tiền nhiệm, ông Biden tiếp tục đưa vào danh sách đen hàng loạt công ty công nghệ của Trung Quốc và yêu cầu nhiều doanh nghiệp Mỹ rút vốn khỏi các liên doanh với Trung Quốc. Ông lên kế hoạch chuyển sang giai đoạn tấn công chiều sâu nhằm khóa chặt các lỗ hổng công nghệ mà Trung Quốc có thể khai thác được.

Đi đôi với việc rót vào nền kinh tế Mỹ hàng ngàn tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống người dân và an ninh quốc phòng do tác động của Covid-19, chính phủ của ông Biden cũng có kế hoạch dài hơi để ngăn chặn “sự trỗi dậy không minh bạch” của Trung Quốc trên lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Ngày 8-6, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cho phép cấp ngân sách khoảng 190 tỷ USD để nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của Mỹ, cùng khoản chi riêng 54 tỷ USD để các doanh nghiệp Mỹ tăng cường nghiên cứu, sản xuất thiết bị bán dẫn và viễn thông. Theo AFP, văn kiện này đánh dấu sự đồng thuận hiếm hoi giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Các nghị sĩ Mỹ nhất trí rằng dự luật này mang lại cho Mỹ khả năng đáp trả mạnh mẽ cuộc cạnh tranh không trung thực từ Trung Quốc.

Ngoài ra, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) ngày 15-6, hai bên đã thống nhất thành lập Hội đồng thương mại và công nghệ. Động thái này sẽ giúp cả Mỹ lẫn EU có thể điều phối các vấn đề quan trọng như phát triển chất bán dẫn, nghiên cứu những lĩnh vực mới nổi và bảo đảm chuỗi cung ứng. Kế hoạch của EU và Mỹ cho thấy quyết tâm của các nước phương Tây trong việc bù đắp và giải quyết nhanh chóng tình trạng thiếu hụt linh kiện bán dẫn. Qua đó, Mỹ sẽ gia tăng lợi thế trước Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh công nghệ.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray từng nói rằng, xét cả về kinh tế lẫn công nghệ, Trung Quốc vốn là một đối thủ ngang hàng với Mỹ. Tờ New York Times cũng từng có bài phân tích rằng áp lực trong nước lớn sẽ thúc đẩy chính phủ của ông Biden không thể xa rời đường lối cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump trong vấn đề Trung Quốc.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.