KHÔI PHỤC THỎA THUẬN HẠT NHÂN IRAN

Nhiều bất đồng trước vòng đàm phán mới

.

Vòng đàm phán thứ 7 nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran sắp diễn ra, nhưng Mỹ và nước Cộng hòa Hồi giáo này lại có những động thái khiến triển vọng cứu vãn thỏa thuận này trở nên xa vời.

Hình ảnh chụp qua vệ tinh và phát ngày 7-4-2021 cho thấy cơ sở hạt nhân Natanz của Iran.  								                Ảnh: AP
Hình ảnh chụp qua vệ tinh và phát ngày 7-4-2021 cho thấy cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, ngày 28-6, Iran tuyên bố chưa quyết định gia hạn thỏa thuận giám sát hạt nhân với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vốn đã hết hiệu lực từ tuần trước. Phát biểu trong cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh khẳng định: “Chưa có quyết định nào, dù tích cực hay tiêu cực, về việc gia hạn thỏa thuận giám sát với IAEA”.

Tuyên bố này có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), được nối lại hồi tháng 4 và đã trải qua 6 vòng đàm phán gián tiếp ở Vienna (Áo), với sự tham gia của Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU).

Hồi tháng 2-2021, Iran và IAEA đạt được thỏa thuận kéo dài 3 tháng nhằm duy trì một số hoạt động giám sát sau khi Tehran tuyên bố giảm mức độ hợp tác với cơ quan này. Theo đó, dữ liệu cùng hình ảnh ở một số cơ sở hạt nhân Iran được lưu giữ và gửi cho IAEA. Thỏa thuận này lẽ ra hết hạn vào ngày 24-5 nhưng được gia hạn thêm 1 tháng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo nếu Iran không gia hạn thỏa thuận với IAEA thì sẽ là “mối đe dọa nghiêm trọng” cho đàm phán. Thế nhưng, hôm 27-6, Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf nói rằng, Tehran sẽ không bao giờ giao các hình ảnh chụp bên trong một số cơ sở hạt nhân cho IAEA vì thỏa thuận giám sát đã hết hạn.

JCPOA quy định Iran làm giàu uranium ở mức 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân. Trong khuôn khổ JCPOA, các thanh sát viên của IAEA có quyền tiếp cận một cách hạn chế các cơ sở phi hạt nhân của Iran.

Theo AP, Ngoại trưởng Blinken từng cảnh báo Mỹ có thể sẽ từ bỏ ý định trở lại tuân thủ JCPOA nếu tiến trình đàm phán ở Vienna kéo dài dai dẳng mà không có tiến triển. Ông Blinken cho rằng, nếu Iran tiếp tục làm giàu uranium ở mức tinh vi hơn thì sẽ đến một thời điểm khó có thể trở lại thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, phía Iran cũng nhấn mạnh, nước này sẽ không tham gia quá trình đàm phán kéo dài “bất tận”, nghĩa là mọi sự kiên nhẫn đều có giới hạn.

Trong lúc đó, AP cho hay, ngày 27-6, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh quân đội Mỹ không kích nhằm vào các phiến quân nghi do Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria. Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, đây là lần thứ hai ông Biden ra lệnh không kích trả đũa nhằm vào phiến quân nghi do Iran hậu thuẫn (một vụ không kích khác ở phía bắc Iraq hồi đầu năm cũng nhằm vào các chiến binh nghi thân với Iran). Lần này, Mỹ muốn trả đũa các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) do các nhóm phiến quân tiến hành trong thời gian gần đây nhằm vào nhân viên cùng các cơ sở của Mỹ ở Iraq.

Hãng tin Fox News nhận định: Quyết định nói trên của Tổng thống Biden là lời cảnh báo rõ ràng đối với Iran trước thềm vòng đàm phán thứ 7 xung quanh JCPOA. Theo ông Lawrence J. Korb, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, các cuộc không kích về cơ bản là “thông báo” của ông Biden gửi đến Tehran. Còn phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng, ông Biden muốn răn đe các cuộc tấn công do các nhóm được Iran hậu thuẫn thực hiện nhằm vào các lợi ích của Mỹ ở Iraq.

Đến nay, Iran vẫn muốn Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nước Cộng hòa Hồi giáo này trước và cho rằng “quả bóng nằm trong sân của Washington”. Thế nhưng, những gì diễn ra sẽ “phủ bóng” lên vòng đàm phán thứ 7 và các bên liên quan càng khó thu hẹp những bất đồng.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.