Tính đến nay, ít nhất 2,1 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được tiêm ở 215 quốc gia/vùng lãnh thổ. Mỹ cũng vừa công bố chiến lược chia sẻ vắc-xin, mang đến hy vọng gia tăng độ bao phủ tiêm chủng toàn cầu.
Vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca/Oxford được đưa đến sân bay quốc tế Bole ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia theo chương trình COVAX. Ảnh: Reuters |
Thống kê của AFP ngày 3-6 cho biết, sau 6 tháng bắt đầu chiến dịch tiêm chủng chống Covid-19, thế giới đã triển khai tiêm ít nhất 2,1 tỷ liều vắc-xin. Israel dẫn đầu với tỷ lệ gần 6/10 người dân được tiêm chủng đầy đủ. Tiếp đến là Canada với 59% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi; Anh với 58,3%; Chile với 56,6%.
Thêm 9 tháng để tiêm chủng cho 75% dân số toàn cầu
Tại 3 quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc đã triển khai tiêm 704,8 triệu liều vắc-xin; Mỹ tiêm 296,9 triệu liều vắc-xin và Ấn Độ 221 triệu liều. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ghi nhận đợt bùng phát, nhưng Mỹ và Ấn Độ hiện là hai quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất (Mỹ có hơn 34,1 triệu ca nhiễm và Ấn Độ có hơn 28,5 triệu ca nhiễm).
Tại Liên minh châu Âu (EU), cứ 10 người dân thì có 4 người được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin ngừa Covid-19. Trong đó, Đức dẫn đầu về tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 1 liều vắc-xin (43,6% dân số), tiếp theo là Ý với 40%, Pháp và Tây Ban Nha với 39,4%.
Cũng theo AFP, có 6 quốc gia chưa triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 bao gồm: CHDCND Triều Tiên, Haiti, Tanzania, Chad, Burundi và Eritrea.
Với các chương trình tiêm chủng đang được đẩy mạnh toàn cầu, Trung Quốc đang dẫn đầu nhóm quốc gia tiêm chủng nhanh nhất trong tuần qua khi tiêm cho 1,37% dân số/ngày. Bahrain và Uruguay cũng tiêm cho khoảng 1% dân số/ngày.
Theo hãng tin Bloomberg, với tốc độ hiện tại, sẽ cần 9 tháng nữa để tiêm phòng cho 75% dân số toàn cầu - ngưỡng để có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Trang thống kê worldometers cho hay, kể từ khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên cách đây 18 tháng, hiện thế giới có tổng cộng 172,9 triệu ca nhiễm và 3,7 triệu ca tử vong.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3-6, Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Matshidiso Moeti được Bloomberg dẫn lời cho hay, tỷ lệ tiêm vắc-xin ở Mỹ là 89,4 liều vắc-xin/100 người.
Trong khi đó, ở vùng cận Sahara - châu Phi, tỷ lệ này là 1 liều/100 người. Tỷ lệ trung bình toàn cầu là 23 liều/100 người. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhiều lần bày tỏ lo ngại về tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc-xin, kêu gọi các nước giàu hơn chia sẻ lượng vắc-xin còn dư để hỗ trợ công tác tiêm chủng ở các nước có thu nhập thấp.
Mỹ chia sẻ 80 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19
WHO đang huy động kinh phí cho cơ chế COVAX - sáng kiến nhằm bảo đảm tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 công bằng và bình đẳng cho tất cả các quốc gia. COVAX đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vắc-xin cho toàn thế giới trong năm 2021 và 1,8 tỷ liều cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp hơn vào đầu năm 2022.
Hãng tin Reuters cho biết, chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ vừa cam kết đóng góp thêm 2,4 tỷ USD cho COVAX, nâng tổng giá trị đóng góp mà các nước cam kết dành cho cơ chế này đạt gần 9,6 tỷ USD. Mỹ góp nhiều nhất cho COVAX, với 2,5 tỷ USD và 80 triệu liều vắc-xin.
Ngày 3-6, chính phủ Mỹ công bố chiến lược chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vắc-xin tính đến cuối tháng 6 năm nay. Theo đó, 75% sẽ được chia sẻ thông qua COVAX và ưu tiên các nước Đông Nam Á, Nam Á, Mỹ Latinh, Caribbean, châu Phi; 25% còn lại được đưa tới các điểm nóng trên toàn cầu. Trong kế hoạch tặng 25 triệu liều vắc-xin đầu tiên, Mỹ sẽ phân phối khoảng 7 triệu liều đến các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: “Chúng tôi chia sẻ những liều vắc-xin không phải để đổi lấy đặc ân hay nhượng bộ. Chúng tôi chia sẻ vắc-xin để cứu người và dẫn đầu thế giới trong nỗ lực chấm dứt đại dịch, bằng sức mạnh nêu gương cũng như các giá trị của chúng tôi”. 80 triệu liều vắc-xin này đã được Mỹ cam kết chia sẻ vào tháng trước, bao gồm 20 triệu liều Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson, cùng 60 triệu liều AstraZeneca.
Trong cuộc họp báo ngày 4-6, các nhà chức trách WHO gọi việc Mỹ chia sẻ vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo hơn là “bước khởi đầu quan trọng”, nhưng thế giới vẫn đối mặt với sự thiếu hụt vắc-xin.
Hãng tin AFP dẫn lời ông Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO, ước tính COVAX đang thiếu khoảng 200 triệu liều vắc-xin.
PHÚC NGUYÊN