Bước đi tích cực trên bán đảo Triều Tiên

.

Việc hai miền Triều Tiên khôi phục đường dây nóng liên lạc cấp chính phủ và giữa hai quân đội, đàm phán để mở lại văn phòng liên lạc chung là những tín hiệu tích cực mở ra triển vọng khôi phục quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ tại làng Panmunjom ở biên giới liên Triều ngày 27-4-2018.  					                  Ảnh: AFP/Getty Images
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ tại làng Panmunjom ở biên giới liên Triều ngày 27-4-2018. Ảnh: AFP/Getty Images

Hãng tin Reuters dẫn 3 nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết, hai miền Triều Tiên đang đàm phán để mở lại văn phòng liên lạc chung tại làng Panmunjom ở khu vực biên giới, hướng tới tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Văn phòng liên lạc chung trước đó được đặt tại thị trấn biên giới Kaesong, nhưng Triều Tiên đã phá hủy vào tháng 6-2020.

Cũng theo các nguồn tin này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang tìm cách cải thiện mối quan hệ giữa hai nước bằng việc trao đổi thư cá nhân kể từ tháng 4 đến nay. Kết quả mới nhất là đường dây liên lạc trực tiếp qua biên giới liên Triều bị ngừng hoạt động từ năm 2020 đã được nối lại vào ngày 27-7, tiến tới khôi phục niềm tin hai bên và thúc đẩy hòa giải.

Các cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là dấu hiệu về sự cải thiện mối quan hệ vốn xấu đi trong năm qua. Hãng tin Reuters cho rằng, đối thoại liên Triều cũng có thể giúp tái khởi động đàm phán Mỹ - Triều bế tắc từ năm 2019 đến nay nhằm phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Đây là vấn đề then chốt đối với Tổng thống Moon Jae-in, người đang đối mặt với tỷ lệ ủng hộ giảm sút trong nước vào thời điểm năm cuối nhiệm kỳ.

Ông Moon từng khẳng định thành tựu của mình trong việc cải thiện mối quan hệ liên Triều và giúp thiết lập các cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử năm 2018 và 2019 giữa Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Cũng theo Reuters, Hàn Quốc và Triều Tiên muốn sắp xếp một hội nghị giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un. Song, chưa có thông tin cụ thể về một cuộc gặp thượng đỉnh trong lúc Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhất là khi Bình Nhưỡng đóng cửa biên giới và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Có thông tin rằng, hội nghị trực tuyến có thể là một giải pháp cho hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên.

Tuy nhiên, Yonhap ngày 28-7 dẫn thông tin từ Nhà Xanh bác bỏ thông tin cho rằng hai miền Triều Tiên đang đàm phán để sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh. “Không có cuộc thảo luận nào có liên quan cả... Không có cuộc thảo luận nào về các cuộc đối thoại trực tiếp hay trực tuyến”, người phát ngôn Nhà Xanh Park Kyung-mee phát biểu trong cuộc họp báo ở Seoul.

Dẫu sao, các nhà quan sát vẫn nhận định, việc nối lại đường dây liên lạc là một bước đi tích cực. Song, đây mới chỉ là bước đi rất nhỏ trong việc làm ấm quan hệ liên Triều. Hơn nữa, theo Nhà Xanh, Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thống nhất “khôi phục lòng tin lẫn nhau và phát triển lại mối quan hệ song phương càng sớm càng tốt”.

Triều Tiên có lẽ hướng đến việc cải thiện quan hệ cùng Hàn Quốc với hy vọng sẽ thuyết phục Mỹ nhượng bộ trên bàn đàm phán hạt nhân sau này. Theo Reuters, Mỹ ủng hộ việc hai miền Triều Tiên thúc đẩy đối thoại, đồng thời Nhà Trắng cho rằng ngoại giao là giải pháp cần thiết để đạt được phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.

Cuối tháng 4-2021, Mỹ đã xây dựng xong chính sách tiếp cận mới với Triều Tiên nhằm gây áp lực buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo thông qua ngoại giao, nhưng không tìm cách “mặc cả” với Bình Nhưỡng. Mỹ muốn theo đuổi “một cách tiếp cận thực tế, cởi mở và khám phá ngoại giao” với Triều Tiên. Song, Triều Tiên hiện vẫn từ chối các yêu cầu ngoại giao từ chính phủ Mỹ. Bình Nhưỡng muốn Washington và các đồng minh phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với các chương trình vũ khí của họ.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.