"Bước lùi" đối với đàm phán hạt nhân Iran

.

Nếu Iran thực sự làm giàu uranium lên mức 20% thì tiến trình đàm phán để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với nhóm P5+1 năm 2015 sẽ trở nên khó khăn hơn.

Các nhà ngoại giao tham gia đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran ở Vienna (Áo) vào tháng 6-2021. Ảnh: Reuters
Các nhà ngoại giao tham gia đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran ở Vienna (Áo) vào tháng 6-2021. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 6-7 thông báo về việc Iran bắt đầu tiến trình làm giàu uranium lên mức 20% nhằm phát triển nhiên liệu cho một lò phản ứng nghiên cứu. IAEA cho rằng, động thái này có thể giúp Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Mỹ gọi đây là “một bước lùi đáng tiếc”. Các quan chức Mỹ và châu Âu nhấn mạnh, quyết định nói trên của Iran sẽ làm phức tạp và chẳng khác gì “quả ngư lôi” phá hỏng các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Washington và Tehran ở Vienna (Áo). Đàm phán diễn ra từ tháng 4-2021, có sự tham gia của Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU) nhằm đưa Mỹ và Tehran trở lại thỏa thuận hạt nhân (còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA).

JCPOA quy định Iran làm giàu uranium ở mức 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân. Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran vào năm 2018, Tehran đã dần thu hẹp các cam kết của mình. Đến khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1-2021, ông Joe Biden cam kết tham gia trở lại JCPOA và mong muốn Tehran hành động tương tự.

Anh, Pháp và Đức - 3 đối tác tham gia JCPOA - bày tỏ quan ngại về quyết định của Iran. “Với các bước đi mới nhất, Iran đe dọa sự thành công của các cuộc đàm phán sắp tới ở Vienna, mặc dù đã trải qua 6 vòng đàm phán”, tuyên bố chung của 3 Ngoại trưởng nêu rõ. London, Paris và Berlin cũng thúc giục Iran nhanh chóng trở lại bàn đàm phán. Song, vòng đàm phán thứ 6 đã kết thúc vào ngày 20-6 vừa qua và chưa biết khi nào sẽ nối lại các cuộc gặp ở Vienna. Bất đồng chính vẫn chưa được tháo gỡ, chủ yếu về các bước Tehran cần làm để trở lại tuân thủ JCPOA; các bước nới lỏng trừng phạt mà Washington có thể thực hiện đối với Tehran và các hành động cụ thể nếu đạt được thỏa thuận.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng, Iran chọn tiếp tục “leo thang” việc không thực hiện các cam kết trong JCPOA. “Đó là một bước lùi đáng tiếc khác của Iran trong khi chúng tôi thể hiện thành ý và sẵn sàng trở lại thỏa thuận. Chúng tôi xin nhắc lại, những bước đi như vậy sẽ không thể giúp Iran có thêm “đòn bẩy” trong đàm phán”, Reuters dẫn lời ông Ned Price nói.

Theo báo The Independent, những diễn biến mới nhất không cho thấy Iran đang chạy đua để phát triển vũ khí hạt nhân bởi uranium phải được làm giàu ở mức 90% thì mới có thể tạo thành lõi của vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như các quan chức an ninh phương Tây đều tin Iran không có khả năng đó, hoặc nước này không đủ quyết tâm để có sở hữu một kho một vũ khí hạt nhân trong tương lai gần. Tuy nhiên, họ lo lắng khi Iran đạt được những tiến bộ trong việc làm chủ các công nghệ nhạy cảm.

Các nhà quan sát còn cho rằng, Iran muốn tạo ra “đòn bẩy”, gây áp lực buộc các đối tác phương Tây phải chấp nhận các điều kiện của nước Cộng hòa Hồi giáo này để trở lại JCPOA. Yêu cầu của Iran còn bao gồm việc Tehran được phép sử dụng các máy ly tâm tiên tiến để thay thế những máy bị phá hủy trong một cuộc tấn công xảy ra hồi tháng 4-2021.

Phía Iran khẳng định vẫn theo đuổi đàm phán, như phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh ngày 6-7. Tổng thống Iran Ebrahim Raissi nói rằng, ông sẵn sàng đối thoại, nhưng chính phủ của nhà lãnh đạo này có thể đưa ra các yêu cầu mới, hoặc tỏ ra ít hợp tác hơn. Chặng đường để đạt được một thỏa thuận mới nhằm cứu vãn JCPOA vẫn còn xa, bởi việc trở lại tuân thủ thỏa thuận dĩ nhiên đòi hỏi hành động từ nhiều phía.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.