Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 347.385 trường hợp mắc Covid-19 và 6.438 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu trên 183,7 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,97 triệu người không qua khỏi.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 3-7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 183.779.383 ca, trong đó có 3.977.357 người tử vong.
Số ca mắc bệnh trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, với châu Á, Brazil hiện là những vùng dịch “nóng nhất”, song số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Một số nước châu Âu, châu Á tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 168.535.449 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.583.920 ca và 78.356 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 2-7, thế giới có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 90 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Hỏa táng thi thể bệnh nhân Covid-19 tại một nghĩa địa ở Guwahati, Ấn Độ ngày 26-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong mấy ngày gần đây, biến chủng Delta đã xuất hiện tại hàng loạt nước, buộc các chính phủ phải tăng tốc tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh một làn sóng Covid-19 mới. Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới sau khi biến chủng Delta làm gia tăng mạnh số ca mắc mới tại nhiều nước ở châu lục này, đặc biệt là Nga.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Brazil và một số nước châu Ấ, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Ngày 2-7, Ấn Độ chứng kiến cột mốc đáng buồn khi nước này trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 vượt mốc 400.000 ca. Theo đó, tổng số ca tử vong tại Ấn Độ tính đến thời điểm này là 400.312 ca, đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Brazil, trong khi tổng số ca mắc Covid-19 là 30,5 triệu ca - đứng thứ hai thế giới sau Mỹ.
Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có khả năng lan nhanh cùng với tâm lý lơ là phòng dịch bị cho là nguyên nhân dẫn tới số ca mắc tại nước này tăng mạnh.
Cũng do sự lây lan biến thể Delta, một loạt nước trên khắp các châu lục đã ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 tăng cao kỷ lục.
Tại châu Á, số ca mắc mới ở Hàn Quốc trong ngày 2-7 tăng lên mức cao nhất trong gần 6 tháng qua (826 ca), chủ yếu là ca lây nhiễm cộng đồng.
Hơn 80% số ca mắc mới là ở Seoul và khu vực lân cận, nơi một nửa trong tổng số 51,34 triệu người sinh sống. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Hàn Quốc đã phải hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội 1 tuần, đến ngày 7-7 tới.
Trong khi đó, châu Âu cũng đang phải đối mặt với làn sóng gia tăng các ca mắc mới Covid-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đây là hệ quả của việc khán giả tới sân vận động theo dõi các trận đấu của vòng chung kết EURO 2020.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Brent, tây bắc thủ đô London, Anh, ngày 19-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 2-7, Anh phát hiện 27.989 ca mắc mới - mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 29-1, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 4.828.463 ca. Với số ca nhiễm mới tăng vọt này, số ca bệnh tại Anh trong một tuần tính từ ngày 25-6 đến 1-7 đã tăng gần 72% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, nước này vẫn dự định dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch vào ngày 19-7.
Tại Nga, số ca tử vong do Covid-19 tăng 679 ca trong 24 giờ qua, mức cao chưa từng có kể từ khi đại dịch bùng phát. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Nga ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục. Đức cho biết biến thể Delta có thể chiếm tới 80% các ca Covid-19 của nước này trong tháng 7.
Trong khi đó, Bồ Đào Nha đang cân nhắc áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm để ngăn ngừa dịch bệnh. Số ca mắc mới ở Bồ Đào Nha ngày 1-7 là 2.449 ca, mức tăng cao nhất kể từ giữa tháng 2.
Tại Đức ngày 2-7, Bộ Y tế liên bang Đức cho biết chính quyền liên bang và các bang đã nhất trí thực hiện ngay lập tức khuyến nghị mới của Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) của nước này, theo đó, những người đã tiêm phòng mũi đầu tiên với vắc-xin Astrazeneca sẽ được tiêm mũi thứ hai với vắc-xin công nghệ mRNA.
Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho biết việc bảo vệ sau hai lần tiêm với vắc-xin Astrazeneca là rất tốt. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của STIKO, sự kết hợp giữa 1 mũi vắc-xin Astrazeneca đầu tiên và mũi thứ hai với vắc-xin công nghệ mRNA (như vắc-xin Biontech-Pfizer hoặc Moderna) mang lại hiệu quả cao hơn nhiều.
Do đó, Bộ Y tế liên bang và các bang tại Đức đã thống nhất triển khai thực hiện khuyến nghị này ngay lập tức. Đối tượng áp dụng không chỉ là những người trẻ tuổi mà cả những người trên 60 tuổi.
Theo kết quả nghiên cứu của STIKO, mũi tiêm thứ hai với loại vắc-xin công nghệ mRNA có thể tiêm ít nhất 4 tuần sau khi tiêm mũi thứ nhất với vắc-xin Astrazeneca. STIKO cho biết những người được tiêm chéo hai loại vắc-xin khác nhau có sự đáp ứng miễn dịch "vượt trội rõ ràng" so với những người tiêm 2 liều vắc-xin Astrazeneca.
Tại châu Phi, biến thể Delta cũng đang khiến dịch Covid-19 lây lan với tốc độ kỷ lục. Theo WHO, số ca bệnh tại châu Phi đã tăng mạnh trong 6 tuần liên tiếp. Số ca nhiễm trong vòng 7 ngày tính đến ngày 27-6 vừa qua tăng 25% so với tuần trước đó, lên gần 202.000 ca. Số ca mắc mới theo tuần cao nhất từ trước đến nay tại châu Phi ghi nhận ở mức 224.000 ca/tuần. Số ca tử vong do Covid-19 ở 38 quốc gia châu Phi tăng 15% lên gần 3.000 ca trong cùng thời gian kể trên.
Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch Covid-19 đang tấn công Sierra Leone, Tổng thống nước này Julius Maada Bio đã công bố một loạt biện pháp phòng, chống Covid-19, trong đó có lệnh giới nghiêm toàn quốc và lệnh cấm tụ tập đông người.
Theo Tổng thống Bio, lệnh giới nghiêm ban đêm từ 23 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau sẽ được áp đặt trên phạm vi cả nước từ ngày 5-7 tới. Việc đi lễ nhà thờ hay thánh đường sẽ bị tạm dừng trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ ngày 2-7, trong khi các quán bar, nhà hàng sẽ phải đóng cửa trước 21 giờ và người dân không được tụ tập quá 50 người.
Tỷ lệ lây nhiễm tại Sierra Leone - với 7,5 triệu dân, được cho là khá thấp so với các nước Tây Phi, khi chỉ ghi nhận 5.652 ca mắc, trong đó có 102 người tử vong. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới đang tăng nhanh. Chỉ từ 1-6 đến nay, nước này ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu tại cuộc họp về các biện pháp đối phó với dịch Covid ở Pretoria. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại Nam Phi, Sở Giáo dục tỉnh Gauteng (GDE) của nước này đã bày tỏ quan ngại sâu sắc khi 9.113 giáo viên và nhân viên trong ngành giáo dục của tỉnh từ chối tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 - biện pháp được coi là hữu hiệu nhất để cứu mạng sống hiện nay.
Phát biểu với báo giới ngày 2-7, Giám đốc Sở Giáo dục Panyaza Lesufi cho biết GDE rất quan ngại khi gần 10.000 nhân viên trong ngành giáo dục Gauteng, vì những lý do khác nhau, đang từ chối tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, vốn đã tàn phá trường học và cộng đồng, lấy đi tính mạng của rất nhiều người.
Theo số liệu chính thức của Chính phủ Nam Phi, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 21.584 ca nhiễm mới (trong đó tỉnh Gauteng có 12.806 ca, chiếm 59,3% cả nước) và 382 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 1.995.556 và 61.029.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cảnh báo tốc độ và quy mô của làn sóng dịch bệnh thứ 3 là chưa từng thấy. Hiện biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đã được phát hiện tại 16 quốc gia châu Phi, trong đó biến thể này gây ra 97% số ca tại Uganda và 79% số ca tại CHDC Congo. Nhu cầu oxy ở châu Phi hiện cao hơn 50% so với thời kỳ đỉnh dịch trong làn sóng dịch bệnh thứ nhất cách đây 1 năm.
Trong khi đó, tại khu vực Nam Mỹ, Bộ Y tế Guatemala đã phải ban bố cảnh báo “đỏ”, mức cảnh báo cao nhất, do số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục trong 15 ngày qua. Việc ban hành mức báo động trên cho phép thiết lập các cơ chế giải quyết tình trạng khẩn cấp do sự gia tăng các ca nhiễm mới, đảm bảo dự trữ oxy, vật tư, trang thiết bị cho bệnh nhân và cập nhật số giường còn trống tại các bệnh viện.
Cơ quan y tế cũng khuyến nghị ngừng các sự kiện lớn và các hoạt động văn hóa, thể thao tập trung đông người.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2-7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 48.371 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 96.100 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Campuchia. Nhìn chung, Đông Nam Á đang là một trong những điểm dịch nóng nhất châu Á.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đang quay đầu tăng mạnh cả số ca mắc mới và ca tử vong. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất châu Á, số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong nhiều ngày liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại, đồng thời cũng cao nhất châu Á (hơn cả Ấn Độ).
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 8-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới-ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ hai trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong và mắc bệnh mới trong ngày 2-7 đứng thứ hai toàn khối.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là một trong những điểm dịch nóng của khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới-ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 2-7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 73 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua tới 1.863 ca bệnh Covid-19 mới ghi nhận và 17 ca tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 2-7 ghi nhận thêm trên 6.087 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 61 người, tăng mạnh so với mấy ngày qua. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng tăng một cách đáng ngại.
Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 966 bệnh nhân mới và 32 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 4-4-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 96.146 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 899 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.996.185 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.417.927 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên sau khi chủng virus Delta lây lan mạnh. Trong 24 giờ qua, trừ Brunei, 10 nước thành viên ASEAN còn lại đều ghi nhận các ca Covid-19 mới.
Theo Báo Tin tức