Covid-19 tới 6h sáng 12-7: Indonesia đứng thứ hai thế giới về ca mắc mới, đứng đầu về ca tử vong

.

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 362.000 ca bệnh Covid-19 và trên 6.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 187,6 triệu ca, trong đó trên 4,04 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (37.676 ca), Indonesia (36.179 ca) và Anh (31.772 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.007 ca), Nga (749 ca) và Ấn Độ (720 ca).

Như vậy, số ca mắc mới ở Indonesia trong 24 giờ qua cao thứ hai thế giới, chỉ kém Ấn Độ một chút. Trong khi đó, số ca tử vong mới ở nước này cao nhất thế giới. Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới ở Indonesia ở mức cao đáng lo ngại. Các quan chức lo rằng số ca mắc hàng ngày ở Indonesia có thể lên tới 70.000.

Tính từ đầu dịch đến nay, Indonesia đã ghi nhận nâng tổng số ca nhiễm lên 2.527.203 ca và 66.464 người tử vong.

Thủ đô Jakarta (Indonesia) ghi nhận số ca mới trong ngày cao nhất từ đầu dịch

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện tại Jakarta, Indonesia ngày 9-7-2021. Ảnh: THX-TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện tại Jakarta, Indonesia ngày 9-7-2021. Ảnh: THX-TTXVN

Báo cáo của Lực lượng đặc nhiệm xử lý Covid-19 Indonesia ngày 11-7 cho biết thủ đô Jakarta đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trong ngày cao kỷ lục với 13.133 ca và  54 người tử vong. Tính từ tháng 3-2020 đến nay, Jakarta ghi nhận 662.442 ca mắc Covid-19 và 9.403 người tử vong.

Tính toàn quốc, số ca nhiễm trong ngày 11-7 của Indonesia là 36.197 ca và 1.007 người tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.527.203 ca và 66.464 người tử vong.

Chuyên gia cảnh báo số ca mắc thực tế ở Malaysia có thể gấp 4-5 lần

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 21-6-2021. Ảnh: THX-TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 21-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca mắc Covid-19 mới ở Malaysia tăng mạnh trong thời gian gần đây và đã lập những mốc mới, nhưng nguyên Phó Tổng Thư ký Bộ Y tế nước này Lockman Hakim dự tính con số thực tế có thể cao ít nhất gấp 4-5 lần con số công bố.

Ngày 11-7, Malaysia ghi nhận 9.105 ca mắc mới Covid-19, mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này và là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca mắc mới trong ngày trên mức 9.000 ca. Phó Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết nguyên nhân số ca mắc mới Covid-19 gần đây gia tăng mạnh là do nước này tiến hành xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn, có mục tiêu tại đại đa số khu vực đang thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) thuộc bang Selangor và lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur.

Ông Hakim cho rằng cùng với việc số ca mắc mới Covid-19 ở Selangor và Kuala Lumpur tăng mạnh, hiện đã không còn thích hợp cho việc xét nghiệm quy mô lớn để xác định những người có nguy cơ cao. Ưu tiên hàng đầu bây giờ phải hướng tới việc cứu sống những người đã và sẽ bị mắc bệnh.

Theo chuyên gia này, do trước đây Malaysia chưa tiến hành xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn, cho nên, số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày trên thực tế lớn hơn so với con số Bộ Y tế công bố. Do đó, lưu vực sông Klang (gồm Selangor, Kuala Lumpur và một phần Seremban) cần phải có hành động kiên quyết, tập trung hơn nữa.

Thái Lan lập bệnh viện dã chiến tại các sân bay ở Bangkok

Tiêm vaccine Covid-19 tại Thái Lan. Ảnh: AFP-TTXVN
Tiêm vắc-xin Covid-19 tại Thái Lan. Ảnh: AFP-TTXVN

Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Saksayam Chidchob  ngày 11-7 cho biết những khu vực không sử dụng tại 2 sân bay quốc tế Suvarnabhumi và Don Mueang ở vùng đô thị Bangkok sẽ được dùng để lập các bệnh viện dã chiến với sức chứa 7.000 giường bệnh nhằm đối phó với việc một số lượng lớn bệnh nhân đang chờ điều trị do tình hình Covid-19 phức tạp hiện nay.

Theo ông Saksayam, trong giai đoạn đầu tiên, bệnh viện dã chiến tại sân bay Suvarnabhumi sẽ có diện tích khoảng 100.000m2 với ít nhất 5.000 giường bệnh cùng các phòng chăm sóc tích cực (ICU). Bệnh viện này dự kiến sẽ hoạt động vào khoảng tháng 8, đúng vào thời điểm Bệnh viện Bussarakham Impact Muang Thong Thani hết hạn thuê diện tích sử dụng. Ngoài ra, Sân bay Don Mueang cũng đang trong quá trình thành lập một bệnh viện dã chiến với công suất 2.000 giường dành cho các bệnh nhân nhẹ.

Thái Lan ngày 11-7 ghi nhận 9.539 ca mắc với Covid-19 cùng 86 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên  336.371 ca, trong đó có 2.711 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok tiếp tục là địa phương có nhiều ca nhiễm mới nhất, với 2.741 ca được ghi nhận trong 24 giờ qua.

Lào tăng cường các biện pháp phòng chống dịch

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 19-6-2021. Ảnh: THX-TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 19-6-2021. Ảnh: THX-TTXVN

Bộ Y tế Lào ngày 11-7 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 89 ca mắc Covid-19 mới, gồm 86 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Viêng Chăn và tỉnh Luang Namtha.

Theo Bộ Y tế Lào, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhất là làn sóng lây nhiễm thứ 2 từ giữa tháng 4 vừa qua, lượng lao động Lào ở Thái Lan trở về nước tăng cao, tạo áp lực trong việc tiếp nhận và phân bổ cách ly. Điều này đã khiến cho một số tỉnh biên giới, trong đó có tỉnh Champasak bị quá tải lượng bệnh nhân mắc Covid-19.

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động xuất nhập cảnh nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép; tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại các khu cách ly, đặc biệt là tại các địa điểm tiếp nhận lao động Lào về nước.

Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, đồng thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép để có biện pháp xử lý kịp thời. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.719 ca mắc Covid-19 và 3 ca tử vong.

Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận đơn xin cấp hộ chiếu vắc-xin từ cuối tháng 7

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Toyoake, tỉnh Aichi, Nhật Bản ngày 24-5-2021. Ảnh: AFP-TTXVN
Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Toyoake, tỉnh Aichi, Nhật Bản ngày 24-5-2021. Ảnh: AFP-TTXVN

Ngày 11-7, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato tuyên bố nước này sẽ bắt đầu tiếp nhận đơn xin cấp hộ chiếu vắc-xin từ ngày 26-7 tới để những người đã được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng Covid-19 được di chuyển quốc tế.

Phát biểu trên đài truyền hình NHK, ông Kato cho biết chính phủ cũng sẽ cân nhắc liệu có sử dụng chứng nhận này cho các hoạt động kinh tế trong nước hay không, để đáp lại lời kêu gọi của giới doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông khẳng định: "chúng ta không bao giờ nên để người dân bị phân biệt đối xử hoặc ép buộc một cách bất công, dù cho họ đã được tiêm vắc-xin hay chưa".

Chứng nhận tiêm chủng vắc-xin sẽ là hồ sơ chính thức do chính quyền các thành phố cấp để xác nhận một người đã được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng Covid-19, với các thông tin như tên, số hộ chiếu và ngày tiêm chủng. Tháng trước, ông Kato cho hay chứng nhận tiêm chủng sẽ được cấp vào cuối tháng 7, ban đầu được in ra giấy, còn phiên bản số sẽ được xem xét sau.

Theo các nguồn tin chính phủ, Nhật Bản đang nỗ lực đạt thỏa thuận để hộ chiếu vắc-xin ngừa Covid-19 của nước này được hơn 10 nước chấp nhận, trong đó có Italy, Pháp và Hy Lạp. Theo đó, những người được cấp hộ chiếu sẽ được miễn hoặc giảm thời gian cách ly khi đi từ Nhật Bản đến các quốc gia đó.

Australia ghi nhận ca tử vong đầu tiên trong năm nay

Người dân xếp hàng tại một điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Melbourne, Australia, ngày 23-4-2021. Ảnh: THX-TTXVN
Người dân xếp hàng tại một điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở Melbourne, Australia, ngày 23-4-2021. Ảnh: THX-TTXVN

Ngày 11-7, Australia công bố ca tử vong đầu tiên do Covid-19 trong năm nay và 77 ca mắc mới tại bang New South Wales – là số ca mắc mới trong ngày cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian dự báo số ca mắc tại bang đông dân nhất của Australia, New South Wales, sẽ vượt 100 ca ngày 12-7. Ông cũng dự kiến số ca mắc trong và xung quanh thành phố Sydney sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Thành phố lớn nhất của Australia này hiện đang thực hiện lệnh phong tỏa trong 3 tuần. Với 33 trong số các ca mắc mới là lây nhiễm trong cộng đồng, nhà chức trách khả năng sẽ gia hạn lệnh phong tỏa hơn 5 triệu cư dân Sydney và các khu vực lân cận.

Một ngày trước đó, bang New South Wales ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao nhất từ đầu năm đến nay với 50 ca.

Anh ghi nhận thêm 31.772 ca mắc Covid-19 trong một ngày

Ngày 11-7, Anh đã ghi nhận thêm 31.772 ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ trước đó, giảm nhẹ so với ngày 10-7 nhưng lại tăng so với trước đó một tuần.

Số liệu thống kê chính thức cũng cho thấy cùng ngày 11-7 Anh ghi nhận thêm 26 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19, nâng tổng số người chết do dịch bệnh này tại Anh lên 128.425 người. Theo quy định tại Anh, con số này chỉ bao gồm những người chết trong vòng 28 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-COV-2 gây bệnh Covid-19.

Tính tới nay, tại Anh đã có hơn 45,8 triệu người tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên và hơn 34,7 triệu người đã được tiêm hai liều.

Dự kiến ngày 12-7, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn sẽ khẳng định kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để ngăn chặn tình trạng lây lan dịch Covid-19 vào ngày 19-7, bất chấp số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng.

Nga và Ấn Độ tiến tới công nhận vắc-xin của nhau

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 30-12-2020. Ảnh: AFP-TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 30-12-2020. Ảnh: AFP-TTXVN

Ấn Độ và Nga đã đồng ý làm việc để công nhận vắc-xin Covid-19 của nhau. Điều này sẽ giúp hoạt động đi lại giữa hai nước suôn sẻ hơn nữa và khả năng trở thành một khuôn mẫu trên thế giới.

Vấn đề quan trọng trong lĩnh vực hợp tác y tế này đã được thảo luận tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov ở Moskva ngày 9-7 vừa qua. Ấn Độ đã phê duyệt vắc-xin Sputnik V do Nga sản xuất. Trong khi đó, Nga là một trong số ít quốc gia tiếp tục tiếp nhận người Ấn Độ bất chấp đợt đại dịch thứ hai ở quốc gia Nam Á này.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Lavrov, ông Jaishankar đánh giá cao Nga hỗ trợ Ấn Độ chống lại làn sóng Covid-19 thứ hai. Ông Jaishankar cho biết Ấn Độ đã trở thành đối tác của Nga trong việc sản xuất và sử dụng vắc-xin Sputnik V, đồng thời nhấn mạnh quốc gia Nam Á tin rằng điều này không chỉ tốt cho hai nước mà còn có ý nghĩa tích cực đối với các nước khác trên thế giới.

Mỹ lo các biến thể SARS-CoV-2 đe dọa tiến trình hồi phục kinh tế

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 tại Venice, Italy, ngày 11-7-2021. Ảnh: AFP-TTXVN
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 tại Venice, Italy, ngày 11-7-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 11-7 bày tỏ quan ngại về nguy cơ mà các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể gây ra đối với tiến trình hồi phục nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch.

Phát biểu với báo giới sau hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Venice (Italy), Bộ trưởng Yellen nêu rõ: "Chúng tôi vô cùng quan ngại về biến thể Delta cũng như các biến thể khác có thể xuất hiện và đe dọa tới tiến trình hồi phục. Chúng ta là một nền kinh tế toàn cầu liên kết chặt chẽ, bất kỳ điều gì xảy ra ở một khu vực nào đó trên thế giới sẽ ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia khác".

Bà Yellen cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng Covid-19 để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào năm tới. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ tài chính để các nước đang phát triển có thể mua vắc-xin, nhưng thế giới cần "cố gắng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa" trong việc ứng phó các ổ dịch trên toàn cầu, như cung cấp thuốc men và trang thiết bị bảo hộ y tế.

Trước đó, trong tuyên bố chung công bố chiều 10-7, các Bộ trưởng Tài chính G20 cảnh báo rằng sự lây lan của các biến thể là "mối đe dọa tiêu cực" cho sự phục hồi nền kinh tế, đồng thời cho biết sự khác biệt về tỉ lệ tiêm chủng giữa nước giàu và nước nghèo trên thế giới vẫn rất lớn.

Cuba công bố biện pháp hạn chế mới   

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại La Habana, Cuba, ngày 3-7-2021. Ảnh: THX-TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại La Habana, Cuba, ngày 3-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Cuba, Bộ Y tế Công cộng nước này vừa công bố một loạt biện pháp mới đối với những người dân đi du lịch trong nước. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15-7 nhằm khống chế dịch Covid-19.

Theo đó, những người Cuba đến sân bay của các khu du lịch Varadero và Cayo Coco sẽ phải cách ly bắt buộc trong 14 ngày tại các khách sạn cách ly. Bên cạnh đó, những người Cuba đến các sân bay này cũng bị hạn chế về hành lý với mỗi hành khách được mang theo một kiện hành lý.

Bộ trên cũng thiết lập hệ thống kiểm tra sức khỏe bắt buộc đối với tất cả nhân viên du lịch, sân bay và giao thông khi đến và rời khỏi nơi làm việc, đồng thời tiến hành thường xuyên các xét nghiệm sàng lọc kháng nguyên đối với những người tiếp xúc nhiều với bệnh nhân Covid-19.

Ngày 11-7, Cuba ghi nhận thêm 6.923 ca mắc và 47 ca tử vong, theo đó nâng tổng số ca mắc và tử vong lần lượt tại đây lên 238.491 ca và 1.537 ca.

Nam Phi gia hạn phong tỏa toàn quốc cấp độ 4

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Tembisa, Nam Phi. Ảnh: AFP-TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Tembisa, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Tối 11-7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố sẽ kéo dài thời gian phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 - dưới cấp độ cao nhất 1 bậc, thêm 2 tuần nữa trong bối cảnh quốc gia miền Nam châu Phi đang gồng mình chống chọi làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3 với số ca mắc mới hàng ngày ở mức rất cao.

Trong bài phát biểu với toàn dân được phát sóng trực tiếp, Tổng thống Ramaphosa cho biết trong 2 tuần thực hiện phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 vừa qua, Nam Phi vẫn liên tục ghi nhận trung bình hơn 20.000 ca mắc mới mỗi ngày và cũng trong thời gian này, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.2000 người. Do đó, Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh một số biện pháp quy định giãn cách sẽ tiếp tục được duy trì, gồm mọi cuộc tụ họp xã hội, chính trị, tôn giáo và các cuộc tụ họp khác vẫn bị cấm.

Lệnh giới nghiêm vẫn được duy trì từ 21h đến 4h sáng và chỉ những người được phép mới được rời nhà trong thời gian này. Lệnh cấm bán đồ uống có cồn cũng vẫn được áp dụng, và các trường học sẽ ng cửa đến ngày 26-7.

Tuy nhiên, một số quy định ở cấp độ 4 đã được điều chỉnh sẽ tiếp tục được sửa đổi nhằm cho phép nhà hàng và quán ăn mở cửa với điều kiện phải tuân thủ quy định phòng ngừa như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và giới hạn số khách hàng là 50 người hoặc chỉ được nhận số khách bằng 50% sức chứa tại cho những cơ sở nhỏ.

Một số địa điểm khác, chẳng hạn như phòng tập thể dục và trung tâm thể dục, cũng có thể mở cửa tùy thuộc điều kiện được nêu trong quy định.

Tổng thống Ramaphosa cũng cho biết Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã quyết định mở rộng chương trình hỗ trợ người lao động tạm thời (Covid-19 TERS) cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng do các quy định phong tỏa xã hội cấp 4. Các chi tiết mở rộng sẽ được công bố sau khi hoàn thành chương trình đầy đủ, gồm các chi tiết khác về những người đủ điều kiện nhận hỗ trợ này.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.