Mỹ - Đức tái khởi động quan hệ song phương

.

Ngày 14-7, Thủ tướng Đức Angela Merkel rời Berlin tới Washington trong chuyến công du được cho là nhằm tái khởi động quan hệ song phương sau giai đoạn “băng giá” dưới thời ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (áo đỏ) nghe Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu qua màn hình khi dự hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu ngày 22-4-2021. Ảnh: AP
Thủ tướng Đức Angela Merkel (áo đỏ) nghe Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu qua màn hình khi dự hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu ngày 22-4-2021. Ảnh: AP

Đây có thể là chuyến thăm chính thức cuối cùng của bà Merkel tới Mỹ trên cương vị Thủ tướng Đức. Bà Merkel sẽ gặp lại Tổng thống Joe Biden - nhà lãnh đạo Mỹ mà bà đã quen biết nhiều năm, cũng là người có quan điểm ủng hộ mạnh mẽ mối quan hệ hai bờ Đại Tây Dương và hợp tác đa phương.

Thông điệp ổn định

Theo AP, trong các cuộc gặp ngày 15-7 (giờ Mỹ) với Tổng thống Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và các quan chức cấp cao khác của Mỹ, Thủ tướng Merkel dự kiến thảo luận về các vấn đề liên quan đại dịch Covid-19, sự trỗi dậy của Trung Quốc và đường ống khí đốt của Nga hợp tác với Đức mà Washington vẫn luôn phản đối. Ông Johannes Timm - nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu của Đức về quốc tế và các vấn đề an ninh, một tổ chức nghiên cứu tại Berlin - bình luận: “Một phần thì đây là chuyến thăm chia tay, phần nữa thì bà ấy sẽ phát đi tín hiệu về tính liên tục và ổn định trong quan hệ Mỹ - Đức”. Trong bài phát biểu về quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương hồi tháng 5-2021, bà Merkel nói rằng, Mỹ là đối tác quan trọng nhất của châu Âu và là đối tác tự nhiên, không thể thiếu đối với Đức, chia sẻ nhiều nhất giá trị và lợi ích với Đức.

Sau 16 năm làm việc với bà Merkel, nhiều quan chức Mỹ cũng như những nước khác đang tự hỏi liệu Đức sẽ có hướng đi thế nào sau cuộc bầu cử ở quốc gia này. Hãng tin AP dẫn lời ông Johannes Timm cho hay, chuyến thăm chia tay nước Mỹ của bà Merkel là dịp để nhà lãnh đạo từng làm việc liên tục với 4 đời Tổng thống Mỹ trấn an rằng sẽ không có sự thay đổi đột biến nào ngay cả khi nước Đức có Thủ tướng mới.

Trước ngày tổng tuyển cử 26-9 năm nay của Đức, đảng của bà Merkel vẫn dẫn đầu tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận. Tuy nhiên, đảng Xanh của các nhà hoạt động môi trường và đảng trung tả Dân chủ Xã hội cũng đang cạnh tranh giành thế lãnh đạo chính phủ tương lai. Mặc dù 3 đảng này có những quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề chính trị nhưng tất cả đều ủng hộ việc duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ, gắn bó.

Ở chiều ngược lại, việc Tổng thống Biden đón tiếp Thủ tướng Đức là nhà lãnh đạo đầu tiên của châu Âu tới Nhà Trắng kể từ khi ông lên nắm quyền phát đi thông điệp tinh tế của Washington về sự coi trọng mối quan hệ của Mỹ với Đức cũng như Liên minh châu Âu (EU).

Vấn đề với Nga và Trung Quốc

Báo New York Times dẫn lời các nhà quan sát nhận định, trước khi rời cương vị Thủ tướng, bà Merkel muốn giải quyết rốt ráo khúc mắc lớn liên quan dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga tới Đức. Từ lâu, Mỹ cho rằng, dự án này đe dọa an ninh năng lượng của châu Âu và gây hại cho các đồng minh của Washington tại Đông Âu. Dù vậy, Tổng thống Biden mới đây đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp lên các thực thể của Đức liên quan tới dự án, một động thái cho thấy Washington có thể đã tính tới phương án thỏa hiệp với Đức và Nga về Dòng chảy Phương Bắc 2.

Trong khi giới chức Đức không tiết lộ nhiều về các chủ đề thảo luận trong chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Merkel, ông Steffen Seibert - người phát ngôn của bà ngày 14-7 khẳng định sẽ có chủ đề về Trung Quốc. “Đây cũng đã là vấn đề đóng vai trò quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh G7 - nơi Thủ tướng (bà Merkel) và Tổng thống Mỹ (ông Biden) gặp nhau lần gần nhất”, ông Seibert nói với báo giới.

Đức có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc và bà Merkel hẳn nhiên muốn tránh tình huống mà Berlin hay EU bị buộc phải lựa chọn một bên nào đó, hoặc là Mỹ, hoặc là Trung Quốc. Bà Merkel luôn bày tỏ quan điểm nhất quán cần hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu như chống biến đổi khí hậu và giải quyết đại dịch Covid-19.

Theo AP, Thủ tướng Đức Angela Merkel có nhiều hoạt động trong chuyến thăm Mỹ. Bà sẽ nhận bằng Tiến sĩ danh dự - tấm bằng tiến sĩ danh dự thứ 18 của bà - từ Trường Đại học Johns Hopkins. Bà sẽ cùng chồng - GS.TS Joachim Sauer ăn tối với gia đình Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.